Wednesday, April 11, 2012

Thánh Anphong và vinh quang Ðức Maria

M.J. Trường Luân, C.Ss.R.

clip_image001Nhìn lại dòng lịch sử lâu đời của Giáo Hội, chúng ta tìm thấy có một số thánh nhân biểu lộ lòng yêu mến và sùng kính Ðức Trinh Nữ Maria cách đặc biệt, như Thánh Ambrôsiô, Thánh Augustinô, Thánh Bênađô, Thánh Ðaminh và Thánh Louis Montfort. Trong số đó còn có Thánh Anphong Maria Ligôri.

Chúng ta cũng được nghe một số các nhà giảng thuyết chuyên giảng về vai trò của Ðức Maria trong kế đồ cứu độ thế gian của Thiên Chúa. Họ ca ngợi các nhân đức hoặc lòng thương yêu của Mẹ Maria đối với nhân loại một cách hùng hồn, nên thơ. Thánh Anphong Maria Ligôri cũng thế.

Lại còn có một số tác giả đạo đức khác sùng kính Mẹ Maria một cách một cách sâu đậm và rất hăng say truyền báo lòng từ ái vô biên của Mẹ qua các tác phẩm của họ. Thánh Anphong Maria Ligôri cũng thuộc về số những tác giả đó.

Qua tác phẩm Vinh Quang Ðức Maria, Thánh Anphong ngợi khen, tán dương Mẹ và tỏ bày cho mọi người biết tầm mức quan trọng của Mẹ đối với ơn cứu độ của loài người. Vinh Quang Ðức Maria đã trở nên một kiệt tác về lòng tôn sùng chân thật đối với Ðức Mẹ Maria từ thế kỷ 17 cho đến thời nay.

Câu chuyện giữa Thánh Anphong Ligôri và Ðức Maria là một câu chuyện của người con hết lòng hiếu thảo đối với Mẫu thân mình. Tình yêu của Thánh Anphong đối với Ðức Maria thật nồng nàn, say đắm và đơn sơ. Chúng ta hãy lắng nghe lời tâm tình của thánh nhân trong quyển Viếng Thánh Thể và Rất Thánh Trinh Nữ Maria như sau: ". . . Nội một lời thốt lên tên Maria cũng đủ thiêu đốt cả con tim. Vậy thì con phải yêu mến Mẹ là chuyện quá hợp lý. Nhưng con lại không muốn yêu thương Mẹ như những người yêu tầm thường. Con muốn làm người yêu mến Mẹ nhiều nhất, chỉ sau Chúa mà thôi. Nếu ước muốn của con có vẻ mộc mạc, trơ trẽn, con phải đổ thừa Mẹ. Vì Mẹ tốt lành lại còn thương con quá đi . . ." Những lời lẽ trên biểu lộ một con người "biết yêu" thuộc xứ Nêapôli.

Cũng như những người dân Nêapôli khác, Thánh Anphong là một con người đa tình, đa cảm. Tuy nhiên, thánh nhân rất tự chủ trong tình cảm của ngài, vì ngài là một nhà trí thức -- lúc 16 tuổi ngài đã làm luật sư ! Thế mà khi nhắc đến Ðức Maria, ngài lại trở nên như một đứa bé ngây thơ, ngoan ngoãn. Lời cầu nguyện của ngài với Ðức Mẹ thường là những lời ướt át, nồng cháy yêu thương, khẩn thiết như tiếng trẻ nhỏ nhõng nhẽo đòi Mẹ. Ngài viết, "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Ta. Ðó là lời Ðức Maria kêu mời những ai đang cần một người Mẹ. Mẹ muốn họ chạy gấp đến Mẹ vì Mẹ Maria là một người Mẹ dạt dào tình thương hơn hết tất cả các người mẹ. Mẹ ơi, ngoài Thiên Chúa, không ai muốn con được cứu rỗi hơn Mẹ. Vậy, Mẹ hãy làm cho con thấy Mẹ thật là Mẹ con đi !"

Thánh Anphong hoàn toàn tin tưởng vào Ðức Maria và cho rằng Ðức Mẹ sẽ nhậm lời bất cứ điều gì ngài xin. "Người Mẹ này nôn nóng mong muốn trợ giúp chúng ta, hơn là chúng ta mong muốn được Mẹ trợ giúp !" Ngài truyền lại một phương châm để đời: "Một người con chân chính của Ðức Mẹ Maria sẽ chẳng bao giờ hư mất được."

Dân xứ Nêapôli là dân tuy nhiều tình cảm nhưng lại có một đầu óc biết tổ chức, tính toán. Họ rất thận trọng trong việc dàn xếp cuộc sống sao cho được an nhàn, thư thái. Họ là những con người có ý chí mạnh mẽ, can trường, lắm khi lại còn "ngoan cố" nữa. Vì là dân gốc Nêapôli đích thực, Thánh Anphong Ligôri cũng vậy. Chẳng hạn như sau một vụ thất kiện, ngài về phòng khoá cửa lại ba ngày ba đêm, bỏ ăn bỏ ngủ, mặc ai kêu gọi, ngài vẫn làm ngơ. Tuy nhiên, ngài lại học được tính biết uyển chuyển, chịu sửa sai trong những lỗi lầm của ngài, nhất là những lầm lỡ đó cản trở việc phát triển đời sống tâm linh. Tính biết sửa mình này có lẽ là chìa khoá mở cửa bí mật cuộc trở lại Thánh Anphong sau biến cố thua kiện nói trên khi ngài còn là một vị luật sư trẻ.

Ngày kia, sau khi thất bại nặng nề trong một vụ kiện lớn có liên quan đến tiếng tăm của ngài, Thánh Anphong đã đi đến một nhà thờ ở gần toà án, và tuyên bố rằng ngài giải nghệ luật sư và từ khước tất cả quyền thừa hưởng gia sản của cha mẹ để lại cho ngài. Ngài dứt bỏ thế gian để quyết chí từ đó trở đi sẽ làm tôi cho Thiên Chúa và Ðức Maria. Ðể làm chứng cho lời thề hứa và lòng quyết tâm đó, ngài đặt thanh gươm quý tộc của ngài dưới chân tượng Ðức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi. Biến cố này đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của thánh nhân. Nhờ đó, chúng ta nhận ra sự hiện diện và ảnh hưởng sâu đậm của Ðức Mẹ Maria trong mọi chi tiết cuộc đời của Thánh Anphong sau này.

Sau Thiên Chúa, chỉ có Ðức Mẹ Maria. Từ ngày tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa và Mẹ Thánh của Ngài, Thánh Anphong không bao giờ viết một lời nào mà không khởi sự và kết thúc với câu: "Giêsu, Maria, Muôn Ðời !" Ðồng thời, thánh nhân cũng chưa bao giờ giảng một bài giảng nào - trong hàng ngàn bài giảng - mà không nhắc nhớ đến Ðức Maria ở cuối bài. Hơn nữa, Ngài cũng chưa bao giờ sáng tác một tác phẩm nào - trong hàng trăm quyển sách - mà không kết thúc với lời nguyện cam kết tin tưởng vào Ðức Mẹ Maria, kêu xin Mẹ nâng đỡ, phù trì.

Một nhà bình chú đã phàn nàn chỉ trích rằng Thánh Anphong tôn sùng Ðức Maria một cách thái quá. Thánh Anphong đáp lại, "Tôn sùng như vậy làm sao cho đủ." Ngài viết trong Lời Tựa quyển Vinh Quang Ðức Mẹ: "Nếu lấy miệng lưỡi của tất cả mọi người trên thế giới hợp lại, và nếu ngay cả mọi chi thể của con người hoá thành miệng lưỡi, thì cũng không đủ để ca ngợi tán dương Ðức Maria như Mẹ đáng được tán dương." Vì sao vậy? Vì chính Thiên Chúa tôn vinh Ðức Maria trên hết mọi loài thọ tạo, ngay cả các thánh thiên thần trên trời cũng không sánh bằng, thì sao ta lại cho rằng ai có thể ca ngợi, tôn sùng Ðức Maria cách quá đáng ! Tôn sùng Ðức Trinh Nữ Maria tức là tôn vinh Thiên Chúa và làm đẹp lòng Ngài vậy.

VINH QUANG ÐỨC MẸ

Năm 1750, sau 17 năm trong nghề cầm bút, Thánh Anphong cho xuất bản tác phẩm Vinh Quang Ðức Maria. Tác phẩm này phản kháng lại trào lưu "Chống-Giáo-Sĩ" và "Duy-lý" rất phổ biến vào thời đó, bởi vì những người thuộc những trào lưu này mỉa mai, chế diễu những ai sùng kính Ðức Maria. Họ cho việc tôn sùng Ðức Mẹ là chuyện mê tín dị đoan. Vì vậy, tác phẩm Vinh Quang Ðức Maria ra đời mang theo một sứ mạng đặc biệt, đó là bài bác những thách đố của một sử gia thời đó - ông Ludovico Muratori, một sản phẩm của những trào lưu nói trên. Ông là một người kịch liệt lên án việc tôn sùng Ðức Mẹ Maria.

Thánh Anphong chia tác phẩm Vinh Quang Ðức Maria này thành hai phần. Phần đầu là những lời bình chúa Kinh Lạy Nữ Vương. Sau mỗi câu kinh, Thánh Anphong có lời phân tích và chú giải. Phần hai gồm có một số giải thích về các nhân đức của Ðức Mẹ và các bài giảng quanh năm cho những dịp lễ kính Ðức Mẹ Maria.

Thánh Anphong dựa vào kinh nghiệm thừa sai chuyên nghiệp và các sự kiện về Ðức Maria được ghi trong Kinh Thánh để vạch ra và nhấn mạnh tầm quan trọng của Ðức Mẹ trong đời sống Kitô hữu. Thánh Anphong còn bổ túc thêm vào đó những kết quả của bao năm dày công tìm tòi, khảo cứu của ngài: đó là những lời vàng ngọc của các đấng giáo phụ và các thánh nói về vai trò Ðức Maria trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Tác phẩm Vinh Quang Ðức Maria này được rất nhiều độc giả thời Thánh Anphong hưởng ứng, tán dương. Ngay tại thành Nêapôli, kể từ lúc ra mắt, quyển sách này đã được tái bản đến 9 lần trong vòng 25 năm. Từ lần xuất bản đầu tiên đến nay, quyển sách này được dịch ra trên 60 thứ tiếng khác nhau và in ra hơn 1000 lần ở khắp nơi trên thế giới.

Ðể nhấn mạnh tầm quan trọng của Ðức Maria trong đời sống Kitô hữu, nhất là đối với ơn cứu độ của mỗi người, Thánh Anphong đã dùng những mẩu chuyện phép lạ có liên quan đến Ðức Mẹ trong tác phẩm của ngài hầu khuyến khích tín hữu tin tưởng, phó thác và kêu cầu Mẹ Maria thường xuyên hơn. Nhiều nhà trí thức cho rằng những mẩu chuyện này là điển hình cụ thể về sự mê tín dị đoan của một tác giả người xứ Nêapôli. Tuy nhiên, cũng có nhiều độc giả chia sẻ cùng một quan điểm với nhà sử gia Ý, Giuseppe De Luca (1962), khi ông phê bình tác phẩm Vinh Quang Ðức Maria rằng: "Ðây là một tác phẩm vĩ đại cuối cùng của Âu Châu được sáng tác để tôn vinh Ðức Maria."

LÒNG SÙNG KÍNH ÐỨC MẸ

Tình yêu của Thánh Anphong đối với Ðức Maria không thể giới hạn trên những dòng chữ viết. Lòng sùng kính Ðức Mẹ của riêng ngài luôn luôn thực tế, mãnh liệt và sốt cháy. Ngài không bao giờ ngần ngại khuyên lơn những người ngài quen biết tôn sùng Ðức Mẹ, cách riêng, mỗi sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế. Ngài khuyên họ năng đến với Ðức Maria để tìm sự linh hướng của Mẹ qua chuỗi Mân Côi hằng ngày, thường xuyên viếng thăm các Ðền Ðức Mẹ và giữ trong gia đình ảnh tưởng Ðức Maria. Ngài còn khuyến khích họ ăn chay mỗi thứ Bảy (bằng bánh mì và nước lã) như ngài đã làm cho đến cuối cuộc đời.

Ngoài ra, Thánh Anphong còn yêu chuộng làm các việc đạo đức tôn kính Ðức Mẹ Maria. Khi nguyện gẫm riêng, Thánh Anphong thường chú trọng vào cuộc đời Chúa Giêsu, đặc biệt nơi Bí Tích Thánh Thể, nhưng ngài cũng không quên Ðức Mẹ Maria. Mỗi ngày, sau kinh Phụng Vụ Hội Thánh, ngài đọc thêm kinh Phụng Vụ Ðức Mẹ. Ngày sống của Thánh Anphong được đan dệt bằng những tràng kinh Kính Mừng - Ave Maria. Khi về hưu, ngài chia sẻ với một anh em tu sĩ trong Dòng Chúa Cứu Thế rằng cứ mỗi một khắc (15 phút) trong ngày, ngài đọc một kinh Kính Mừng. Còn chuỗi Mân Côi, một ngày ngài ngắm 8 chuỗi, và tất nhiên, Thánh Anphong không bao giờ bỏ kinh Truyền Tin, khi chuông nhà thờ đổ sớm, trưa, chiều.

CUỐI ÐỜI

Khi tuổi đời về chiều, Thánh Anphong mang chứng bệnh viêm khớp xương (arthritis). Chứng bệnh này làm cho ngài rất đau đớn,khổ sở. Cũng vì chứng bệnh đó mà ngài trở thành một người bất toại, lúc nào cũng cần người chăm sóc, chẳng hạn như đưa ra khỏi giường ngủ, đặt vào xe lăn,vệ sinh cá nhân . . . . Ðồng thời, vì xương sống co rút lại, đầu của thánh nhân bị co quặp xuống ngực đến nỗi lồng ngực bị lõm vào.

Ðau khổ thể xác đã vậy, đau đớn tâm linh còn trầm trọng hơn nữa. Từ lúc còn là thiếu niên, Thánh Anphong đã có tính hay bối rối. Cho đến những năm cuối đời, tính ấy lại còn tăng mạnh hơn nhiều. Nhiếu lúc ngài e sợ rằng vì những tội lỗi đã phạm, ngài đã mất nghĩa với Chúa và đáng chịu án phạt đời đời. Các vị linh hướng phải thường xuyên bảo đảm và quả quyết với ngài rằng ngài không thất sủng với Thiên Chúa, mà trái lại, là một tôi tớ trung thành của Thiên Chúa.

Trong những lúc cơn bối rối dằn vặt nội tâm, một phương cách hữu hiệu nhất để làm cho ngài lắng dịu xuống là -- nhắc đến Ðức Maria và quyền phép phù trợ khôn lường của Mẹ. Trong những giờ nguyện ngắm riêng của ngài, anh em sĩ tử DCCT thường hay đọc kinh Truyền Tin và kèm theo sau đó chuỗi Mân Côi. Một hôm nọ, Thánh Anphong nghi ngờ không biết mình có lần chuỗi Mân Côi chưa nên ngài hỏi một thầy phụ trách chăm sóc ngài. Thầy kia đáp cách qua loa: "Con nghĩ có lẽ Cha lần chuỗi rồi". Câu nói đó khiến ngài rối lên: "Có lẽ? Có lẽ? Thầy có thật chắc không? Thầy không biết rằng ơn cứu rỗi của tôi lệ thuộc vào chuỗi Mân Côi này sao?"

Các sĩ tử DCCT còn đặt một tượng ảnh Ðức Mẹ trên đầu giường của thánh nhân và đọc cho ngài nghe về những vinh quang cao cả của Ðức Maria (thường thường họ đọc từ chính tác phẩm do ngài viết !). Một hôm, thầy lo chăm sóc Thánh Anphong đọc cho ngài nghe một đoạn sách về Mẹ Maria thật thiết tha. Ngài liền hỏi: "Sách gì vậy?" "Thưa Cha, chính là sách Cha viết, quyển Vinh Quang Ðức Maria." Nghe lời đó, thánh nhân liền tạ ơn Chúa: "Ôi, Chúa Giêsu rất yêu dấu, con không biết phải làm thế nào để cảm tạ Chúa vì Chúa đã cho con viết nên quyển sách đó để ca ngợi tôn vinh Mẹ Thánh Chúa. Ôi, ngọt ngào vui sướng thay, trước khi lìa trần con biết được con đã làm một việc để cổ võ, khích lệ người ta tôn sùng yêu mến Mẹ Chúa."

Chiều ngày 31 tháng 7 năm 1787, Thánh Anphong đòi: "Cho tôi xin Mẹ tôi". Các anh em sĩ tử DCCT đặt ảnh Mẹ Maria vào lòng bàn tay ngài. Nhìn thấy ảnh Mẹ Maria, ngài mỉm cười thích thú, rồi ôm hôn ảnh Mẹ. Một ít sau, gương mặt ngài bổng tươi hẳn lên, tay vẫn nắm chặt ảnh Mẹ Maria, miệng thốt lên những lời ca thật êm dịu, ngọt ngào, như thể ngài đang tiếp chuyện với chính Ðức Trinh Nữ Maria.

Ngày hôm sau, mồng một tháng 8 năm 1787, trong khi chuông trưa nhà Dòng đổ vang và các sĩ tử DCCT cất kinh Truyền Tin, Ðức Mẹ Maria đưa hồn Thánh Anphong Maria đệ Ligôri về thiên quốc.

(NS Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp số 147)

Xin giới thiệu các bạn cuốn sách này dưới dạng audio

Mục Lục

ÐạoBinh.com

No comments:

Post a Comment