Tuesday, April 10, 2012

Mạc Khải Thánh Lễ - Theo lời tường thuật của chị Catalina Rives

clip_image002click để Nghe Audio...

Sau đây là văn bản được dịch từ tập sách nhỏ mang tựa đề "Thánh Lễ". Trong sách này chính Đức Jesus và Mẹ Maria đã giải thích cho chị Catalina những sự kiện Thánh Thiêng xảy ra trong Thánh Lễ, và nhắc nhở chúng ta cần phải chú tâm nhiều hơn vào những mầu nhiệm cao cả đang diễn ra.Chú ý: Chúng ta cần tích cực tham dự và lắng nghe Lời Chúa trong các bài đọc Thánh Thư, Đáp ca và Phúc âm. Lớn tiếng dâng lên kinh nguyện và đáp trong Thánh Lễ. Âm thầm xướng theo va dâng lên những kinh nguyện Giáo Hội quy định chỉ dành cho Linh Mục chủ tế...


Đức Giám Mục Daniel Gagnon, dòng OMI, thuộc ủy ban tín lý tổng giáo phận Mexico viết về tập sách này như sau:" Tôi không thấy điều gì đi nghịch với đức tin hay truyền thống của Giáo Hội. Tôi không có phận sự xác nhận tính cách siêu nhiên của sách này. Tuy nhiên tôi khuyến khích đọc vì tính cách thần hướng của nó"

Trong bối cảnh của năm Thánh Thể, và Thượng Hội Đồng của Rome về "Phép Thánh Thể, nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống và sứ mệnh Giáo Hội", thì chúng ta cần phải đọc những Lời Chúa Jesus ngỏ với trái tim của mỗi người chúng ta.
LỜI CHỨNG CỦA CHỊ CATALINA VỀ THÁNH LỄ.Trong một bài giáo lý tuyệt vời, Chúa Jesus và Đức Trinh Nữ Maria đã liên tiếp dạy chúng tôi trước hết phải cầu nguyện kinh Mai Khôi (Mân Côi) như thế nào. Đó là hãy cầu nguyện bằng trái tim, suy gẫm và vui hưởng những giây phút được tiếp xúc với Chúa và Thánh Mẫu của Người.
Chúa và Đức Mẹ cũng dạy chúng tôi cách xưng tội tốt lành (xưng tội nên) và tài liệu này là một giáo huấn về những gì xảy ra suốt Thánh Lễ và cách sống Thánh Lễ bằng trái tim.
Tôi Catalina có nhiệm vụ và muốn loan truyền khắp thế giới lời chứng sau đây, vì Danh cao cả của Thiên Chúa và vì phần rỗi của tất cả những người sẵn lòng mở rộng trái tim cho Chúa. Lời chứng này cũng được công bố để nhiều linh hồn đã Thánh Hiến cho Thiên Chúa sẽ lại được cháy lên trong trái tim mình ngọn lửa yêu mến Chúa Kitô. Một số trong các linh hồn đó có trong tay quyền đem Chúa đến cho thế giới chúng ta, ngõ hầu chính Chúa trở nên nguồn lương thực dưỡng nuôi tâm hồn chúng ta.
Lời chứng này cũng được trình bày cho những con người khác để mong họ từ bỏ việc rước Chúa theo thói quen (break loose of the " routine practice" of receiving Him). Cùng làm sống lại sự lạ lùng tuyệt vời trong việc tiếp xúc với tình yêu Thiên Chúa ( qua bí tích Thánh Thể ) hàng ngày.
Và lời chứng này cũng được đưa ra ngõ hầu quí anh chị em giáo dân khắp thế giới sống Phép Lạ vĩ đại nhất bằng cả trái tim: mầu nhiệm Thánh Thể Cực Thánh...

Xin giới thiệu các bạn cuốn sách này dưới dạng audio

click để Nghe Audio...

Mục Lục

ÐạoBinh.com

bản viết đầy đủ:

Mạc Khải Thánh Lễ - Lời chứng của chị Catalina

Chị Catalina Rives quê quán Cochabamba, Bolivia, hiện nay ở tại Mérida, Yucatán, México. Chị Catalina nhận được Thông điệp từ Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và các thiên thần. Giám Mục giáo phận là Đức GM René Fernández Apaza chấp nhận và cấp Imprimature cho các thông điệp chị phổ biến. Sau đây là bản văn từ tập sách nhỏ tựa đề “THÁNH LỄ,” trong sách này Chúa Giêsu và Đức Mẹ giải thích cho Catalina những sự việc xảy ra suốt Thánh Lễ trong bối cảnh thiêng liêng bao la, chúng ta cần phải chú tâm nhiều hơn vào các mầu nhiệm cao cả đang diễn ra.
Đức Giám mục Daniel Gagnon, OMI, thuộc Ủy Ban Tín Lý Tổng Giáo Phận Mexico, viết về tập sách này như sau: “Tôi không thấy điều chi nghịch với đức tin hoặc truyền thống Giáo Hội. Tôi không có phận sự xác nhận tính cách siêu nhiên của sách này; tuy nhiên, tôi khuyến khích đọc vì tính cách thần hướng của sách này.”

Lời chứng của chị Catalina về Thánh Lễ
Trong một bài giáo lý tuyệt vời, Chúa và Đức Trinh Nữ Maria đã liên tiếp dạy chúng tôi trước hết phải cầu nguyện kinh Mân Côi như thế nào, cách đó là cầu nguyện bằng trái tim, suy gẫm và vui hưởng những giây phút tiếp xúc với Thiên Chúa và Thánh Mẫu của chúng ta. Chúa và Đức Mẹ cũng đã dạy chúng tôi cách xưng tội tốt lành (xưng tội nên) và, trong tài liệu này, một giáo huấn về những gì xảy ra suốt Thánh Lễ và cách sống Thánh Lễ bằng trái tim.
Tôi (Catalina) có nhiệm vụ và muốn loan truyền khắp thế giới lời chứng sau đây, vì Vinh Danh cao cả của Thiên Chúa và vì phần rỗi tất cả những người sẵn lòng mở rộng trái tim ra cho Chúa. Lời chứng này cũng được công bố để nhiều linh hồn đã thánh hiến cho Thiên Chúa sẽ lại cháy lên ngọn lửa yêu mến Chúa Kitô, một số trong các linh hồn đó có trong tay quyền đem Chúa đến cho thế giới chúng ta ngõ hầu Chúa trở nên lương thực dinh dưỡng chúng ta. Lời chứng này cũng được trình bày cho những người khác để mong họ từ bỏ “việc rước Chúa theo thói quen” (break loose of the “routine practice” of receiving Him), và làm sống lại sự lạ lùng tuyệt vời của việc tiếp xúc với Tình Yêu (Chúa trong Nhiệm Tích Thánh Thể) hằng ngày. Và lời chứng này cũng được đưa ra ngõ hầu quí anh chị em giáo dân khắp thế giới sống Phép Lạ vĩ đại nhất bằng trái tim: Cử Mừng Mầu Nhiệm Thánh Thể.
Ngày áp lễ Truyền Tin, và các thành viên trong nhóm chúng tôi đã đi lãnh Nhiệm Tích Giao Hòa. Một số chị em trong nhóm cầu nguyện không tham dự được, nên các chị ấy chờ đến trước Thánh Lễ sáng hôm sau.
Khi tôi tới thánh đường ngày hôm sau, hơi trễ một chút, Đức Tổng Giám Mục và các linh mục đã từ phòng áo tiến ra. Đức Trinh Mẫu Maria nói và giọng của Người là giọng nữ dịu dàng âu yếm:

“Hôm nay là ngày con phải học hỏi, và Mẹ muốn con hết sức chú ý những gì con sẽ chứng kiến hôm nay. Mọi sự con trải qua hôm nay, con sẽ phải chia sẻ với toàn thể nhân loại.”
Tôi hết sức xúc động mà không hiểu tại sao, như tôi cố gắng chú ý hết sức.
Điều thứ nhất tôi nhận thấy là một ca đoàn gồm những giọng hát tuyệt vời đang ca hát như thể mãi tận nơi xa xăm. Một lát tiếng nhạc tới gần hơn, và rồi, tiếng nhạc đó lại đi xa tựa như tiếng gió.
Đức Tổng Giám Mục bắt đầu Thánh Lễ và, khi đến phần kinh Thống Hối, Đức Trinh Nữ nói:

“Từ đáy tâm hồn con, con hãy xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi con đã xúc phạm đến Ngài. Theo cách này, con sẽ có thể tham dự cách xứng đáng vào đặc ân tham dự Thánh Lễ.”
Tôi thoáng nghĩ: “Hẳn là con ở trong tình trạng ân sủng của Thiên Chúa; con mới xưng tội tối hôm qua.”
Đức Mẹ trả lời: “Con nghĩ rằng từ đêm qua con đã không xúc phạm đến Chúa ư? Hãy để Mẹ nhắc con nhớ đôi điều. Khi con ra khỏi nhà đến đây, người con gái giúp đỡ con đến hỏi con điều gì đó, vì con bị trễ và vội vàng, con đã không trả lời cô gái đó cách nhẹ nhàng tế nhị. Đó là một thiếu sót đức ái về phần con, mà con bảo, con đã không xúc phạm đến Thiên Chúa ...?

“Trong khi đi đường đến đây, chiếc xe bus lấn qua làn xe (lane) của con và xuýt nữa đụng vào con. Con bộc lộ giận dữ đối với người đàn ông khốn khổ đó, thay vì dâng lời cầu nguyện và chuẩn bị tâm hồn dâng Thánh Lễ. Con đã thất bại trong việc bác ái và mất bình an và bình tĩnh. Thế mà con nói con không xúc phạm đến Chúa?

“Phút chót con mới đến khi vị chủ tế và các linh mục đồng tế đã tiến ra để cử hành Thánh Lễ ... con sắp sửa tham dự mà không chuẩn bị trước ...”
Tôi đáp lại, “Vâng đủ rồi, thưa Đức Mẹ, xin đừng nói gì thêm với con nữa. Mẹ không phải nhắc con nhớ thêm gì nữa bởi con sắp chết vì ưu phiền và xấu hổ đây.”

“Tại sao cứ phải vào phút chót các con mới đến? Các con cần phải tới sớm hơn để có thể cầu nguyện xin Chúa gửi Chúa Thánh Linh của Ngài đến ban cho các con tâm hồn bình an và thanh tẩy tinh thần thế giới, giúp các con gỡ bỏ những lo lắng, những khó khăn và những chia trí để các con có thể sống giây phút hết sức thánh thiêng này. Tuy nhiên, khi con tới thì hầu như vị chủ lễ sắp sửa bắt đầu, và con tham dự chẳng khác gì Thánh Lễ chỉ là một sự việc tầm thường, chẳng có chút chuẩn bị tinh thần (tâm hồn) nào. Tại sao? Nhiệm tích Thánh Thể là Phép Lạ vĩ đại nhất trong các Phép Lạ. Con sắp sửa sống giây phút khi Thiên Chúa Tối Cao ban ân sủng cao cả nhất của Ngài, và con không biết phải quí trọng ân sủng đó thế nào cho phải.”
Bấy nhiêu đủ rồi. Tôi cảm thấy mình quá tệ và phải xin Chúa tha thứ. Tôi phải xin Chúa tha thứ không những chỉ cho những lỗi lầm ngày hôm đó, nhưng cũng xin tha thứ cho những lần trước, cũng như đối với quá nhiều người. Tôi đã chờ cho tới khi vị linh mục giảng xong mới bước vào thánh đường. Tôi cũng xin tha thứ vì những lần tôi không ý thức hoặc đã không muốn hiểu đến thánh đường có ý nghĩa gì, và vì những lần mà có thể linh hồn tôi đầy tội trọng, mà tôi đã cả gan tham dự Thánh Lễ.
Hôm đó là ngày Lễ Trọng có tụng kinh Vinh Danh. Đức Mẹ nói:

“Con hãy tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh bằng tận tình yêu mến, nhìn nhận mình là một trong các thụ tạo của Thiên Chúa.”
Kinh Vinh Danh đó khác lạ biết chừng nào! Bất chợt tôi thấy từ một nơi xa xăm đầy ánh sáng, trước Sự Hiện Diện Uy Nghi Cao Cả của Ngai Tòa Thiên Chúa. Hết lòng yêu mến tôi tiếp tục tạ ơn Chúa, tôi lặp đi lặp lại: “Chúng con ca ngợi vinh quang cao cả của Chúa, chúng con chúc tụng Chúa, chúng con ca ngợi Chúa, chúng con thờ lạy Chúa, chúng con tôn vinh Chúa, chúng con cảm tạ Chúa, Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa, Vua Thiên Đàng, Chúa Cha Toàn Năng.” Và tôi hồi tưởng khuôn mặt từ phụ của Chúa Cha, đầy nhân lành hiền từ. “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con duy nhất của Chúa Cha, Chúa là Thiên Chúa, Chiên Thiên Chúa, Chúa gánh tội trần gian ...” Và Chúa Giêsu đứng trước mặt tôi, gương mặt Ngài dịu hiền và Thương Xót ...”Vì chỉ có Chúa là Đấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa,  chỉ có Chúa là Chúa Giêsu Kitô Tối Cao, cùng với Chúa Thánh Thần ...” Thiên Chúa của Tình Yêu tuyệt vời, Chúa, Chính Ngài vào lúc đó, làm cho toàn thân tôi run lên ...
Và tôi xin: “Lạy Chúa, xin cứu con khỏi mọi tà thần. Trái tim con thuộc về Chúa. Lạy Chúa của con, xin gửi cho con sự bình an của Chúa để con có thể được mọi ơn phúc cao quí nhất từ Phép Thánh Thể và để cuộc đời con có thể sinh ra hoa trái tốt lành nhất. Lạy Thánh Linh Thiên Chúa, xin biến cải con, xin hành động trong con, xin hướng dẫn con. Ồ lạy Chúa, xin cho con những ơn con cần để phụng sự Chúa đắc lực hơn!
Đến phần Phụng vụ Lời Chúa Đức Trinh Nữ Maria bảo tôi nhắc lại:

“Lạy Chúa, hôm nay con muốn lắng nghe Lời Chúa và sinh ra nhiều hoa trái. Xin Chúa Thánh Linh của Chúa tẩy sạch đáy lòng con để Lời Chúa mọc và lớn lên trong đó, xin thanh tẩy trái tim con để trái tim con được sẵn sàng.”
Đức Mẹ nói:

“Mẹ muốn con chú tâm vào những bài đọc và lời giảng của linh mục. Con hãy nhớ Sách Phúc Âm dạy rằng Lời của Thiên Chúa không trở lại mà không sinh ra hoa trái. Nếu con chăm chú, thì những điều  con nghe sẽ ở lại trong con. Suốt ngày, con hãy cố gắng nhớ lại những Lời mà con chú ý. Đôi khi có thể là hai vế, lần khác có thể là toàn bài Phúc Âm, hoặc có thể chỉ là một chữ. Suốt ngày, con hãy nhớ những lời đó, và lời đó sẽ trở thành sự sống của con (become part of you), vì đó là cách thay đổi cuộc sống, bằng cách để cho Lời Thiên Chúa biến đổi con.

“Và lúc này, con hãy nói với Chúa rằng con đến đây để lắng nghe, rằng con muốn Ngài nói với trái tim con hôm nay.”
Tôi lại lần nữa cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho tôi cơ hội nghe Lời Ngài. Và tôi xin Chúa tha thứ cho trái tim tôi đã chai đá suốt bao nhiêu năm dài, và vì đã dạy các con tôi rằng chúng phải đi Lễ Chúa Nhật vì Giáo Hội buộc, chứ không phải vì yêu mến và cần được hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa .
Tôi đã dự quá nhiều Thánh Lễ mà hầu hết chỉ vì bắt buộc và, nhờ thế, tôi tin rằng tôi đã được cứu độ (được rỗi linh hồn). Nhưng tôi đã không sống Thánh Lễ, lại càng ít để ý hơn vào các bài đọc hoặc bài giảng của linh mục!
Tôi cảm thấy đau xót hối tiếc vì quá nhiều năm lãng phí vô ích vì sự ngu dốt của tôi! Chúng ta tham dự Thánh Lễ cách hết sức hời hợt bề ngoài khi chúng ta đến tham dự Thánh Lễ khi người nào đó kết hôn, hoặc Thánh Lễ an táng, hoặc chỉ để cộng đoàn thấy mình có đến dự Thánh Lễ! Chúng ta khờ dại chẳng biết gì về Giáo Hội và các Nhiệm Tích! Chúng ta phí phạm biết bao nhiêu trong việc cố gắng tìm kiếm và học hỏi về những thứ ở đời này là những thứ mà chỉ trong giây lát có thể biến mất, chẳng để lại cho chúng ta gì cả và, cuối đời chúng ta, chẳng kéo dài cuộc sống của chúng ta được lấy một phút! Dẫu vậy, chúng ta chẳng biết gì về những điều đem lại cho chúng ta một chút hạnh phúc thiên đàng ngay ở trần thế và, sau đó, sự sống vĩnh cửu. Thế mà chúng ta tự cho mình là có văn hóa.
Một lát sau đến phần dâng bánh rượu (offertory), Đức Mẹ nói:

“Con hãy cầu nguyện theo cách này: (tôi lặp theo lời Đức Mẹ) Lạy Chúa, con dâng lên Chúa toàn thân con, tất cả mọi thứ con có, và tất cả mọi sự con có thể. Con đặt hết mọi sự trong tay Chúa. Xin Chúa bồi đắp toàn thân con. Lạy Thiên Chúa Toàn Năng, nhờ công nghiệp của Con Chúa, xin Chúa biến đổi con. Con cầu xin Chúa cho gia đình con, cho những ân nhân của con, cho từng thành viên trong Nhóm Tông Đồ của chúng con, cho tất cả những người chống lại chúng con, cho những người nhờ lời cầu nguyện nghèo nàn khô khan của con. Xin Chúa dạy con khiêm tốn trước mặt những người đó để những người đó bớt khó khăn trong cuộc sống. Đây là cách các thánh cầu nguyện; đây là điều Mẹ muốn tất cả các con cầu nguyện.”
Bởi thế, đây là cách Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta cầu nguyện, chúng ta hạ mình xuống tận đất để trái tim chúng ta không cảm thấy sự cay nghiệt của nó, nhưng trái lại chúng ta làm nhẹ bớt (xoa dịu) nỗi đau khổ những bước chân của họ.
Chợt có một số người, mà tôi chưa thấy bao giờ, bắt đầu đứng lên. Như thể từ bên cạnh mỗi người hiện diện trong Vương Cung Thánh Đường, một người khác đi vào, và lập tức khắp Thánh Đường đầy những người trẻ trung xinh đẹp. Những người đó mặc áo dài trắng tinh, kế đến họ bắt đầu di chuyển vào lối đi giữa lòng Thánh Đường, rồi, tiến về phía Bàn Thờ.
Đức Mẹ nói:

“Con coi. Những người đó là Thiên Thần Hộ Mệnh của từng người hiện diện tại đây. Đây là thời gian mà Thiên Thần Hộ Mệnh của các con đem lễ phẩm và lời cầu xin của các con lên trước Bàn Thờ Chúa.”
Lúc đó, tôi hết sức sửng sốt, vì khuôn mặt các thiên thần xinh đẹp, hết sức rạng rỡ không thể hình dung. Khuôn mặt các thiên thần rất xinh đẹp gần như gương mặt phụ nữ; tuy nhiên, dáng vóc thân mình các ngài, bàn tay, bề cao là nam. Chân trần của các ngài không chạm đất, nhưng đúng hơn thì chẳng khác gì lướt đi. Đám rước hết sức đẹp.
Một số thiên thần mang thứ gì tựa như chén vàng đựng thứ gì chiếu ánh sáng rực rỡ màu vàng-trắng-hoàng kim. Đức Mẹ nói:

“Các vị đó là Thiên Thần Hộ Mệnh của những người đang dâng Thánh Lễ này cho nhiều ý cầu nguyện, những người đó ý thức ý nghĩa việc cử mừng Thánh Lễ. Những người ấy có lễ phẩm dâng lên Chúa.”

“Bây giờ con hãy dâng chính thân con; dâng những buồn phiền, đau đớn, hy vọng, buồn lòng, niềm vui, những điều con nguyện xin. Con hãy nhớ Thánh Lễ vô giá (cao quí vô cùng). Bởi thế, con hãy quảng đại khi hiến dâng và cầu xin.”
Phía sau các Thiên Thần thứ nhất xuất hiện những Thiên Thần khác không có gì trong tay; các vị ấy đến tay không. Đức Mẹ nói:

“Đó là các thiên thần của những người đến đây mà chẳng khi nào dâng gì cả. Họ không chú ý sống mỗi giây phút phụng vụ Thánh Lễ, và họ chẳng có lễ phẩm gì để đem tới trước Bàn Thờ Chúa.”
Lúc cuối nghi thức, xuất hiện những Thiên Thần khác mà gương mặt rầu rĩ, hai tay chắp lại cầu nguyện, nhưng mắt nhìn xuống.

“Đấy là Thiên Thần của những người hiện diện tại đây, nhưng họ không muốn tới, nghĩa là, Thiên Thần của những người bị cưỡng bách tới đây, những người đến vì bị bắt buộc, nhưng không hề muốn tham dự Thánh Lễ. Các Thiên Thần tiến ra rầu rĩ vì các ngài chẳng có gì để đem tới Bàn Thờ, ngoại trừ lời cầu nguyện của chính các ngài.”

“Con đừng làm buồn lòng Thiên Thần Hộ Mệnh của con. Con hãy cầu xin nhiều, xin cho việc cải đổi những kẻ tội lỗi, xin bình an cho thế giới, cho gia đình con, cho những lân cận, cho những người xin con cầu nguyện cho. Con hãy cầu nguyện, hãy cầu xin thiệt nhiều, nhưng đừng cầu xin cho riêng con, nhưng cho mọi người khác.

“Con hãy nhớ lễ phẩm đẹp lòng Chúa nhất là khi con hiến dâng chính con làm của lễ hy sinh để Chúa Giêsu, khi Ngài ngự đến, biến đổi con bằng công nghiệp của Ngài. Con có gì để tự hiến dâng lên Chúa Cha? Chỉ có sự hư không và tội lỗi. Nhưng lễ phẩm của con kết hiệp với công nghiệp của Chúa Giêsu, lễ phẩm đó đẹp lòng Thiên Chúa Cha.”
Quang cảnh đó, cuộc thiên thần diễn hành đó hết sức đẹp khó có gì khác so sánh được. Tất cả các thiên thần cúi mình trước Bàn Thờ, một số vị để lễ phẩm trên nền đất, những vị khác quỳ gối sấp mình trán gần chạm đất. Và ngay khi các ngài tiến tới Bàn Thờ, tôi không còn nhìn thấy các ngài nữa.
Vào cuối Kinh Tiền Tụng, và khi cộng đồng xướng lên, “Thánh, Thánh, Thánh,” thì thình lình mọi sự ở phía sau vị chủ tế biến đi. Phía sau bên trái Đức Tổng Giám Mục, hàng ngàn Thiên Thần xuất hiện theo đường chéo, những thiên thần bé nhỏ, cao lớn, có cánh lớn, có cánh nhỏ và không có cánh. Cũng như các thiên thần trước, tất cả đều mặc áo dài tựa áo dài trắng của linh mục hoặc người giúp lễ. Các thiên thần đều quỳ chắp tay cầu nguyện, và cúi đầu tôn kính. Tôi nghe tiếng nhạc tuyệt diệu như thể gồm nhiều ca đoàn với nhiều giọng điệu khác nhau, tất cả đều ca hát hợp với mọi người: Thánh, Thánh, Thánh. ...
Giây phút Truyền Phép, giây phút xuất hiện những Phép Lạ kỳ diệu nhất. Phía sau bên phải Đức Tổng Giám Mục xuất hiện muôn vàn người cũng đứng theo đường chéo. Các vị đó cũng mặc áo dài, nhưng có mầu sác: hồng, xanh lá cây, dương nhạt, màu tía (tím) nhạt, màu vàng, tóm lại, rất nhiều mầu lợt khác nhau. Gương mặt các vị đó đều rạng rỡ, hân hoan. Các vị ấy dường như cùng trạc tuổi như nhau. Các bạn có thể ghi nhận (tôi không thể nói tại sao) rằng những vị đó thuộc mọi lớp tuổi, nhưng gương mặt trông tương tự như nhau, không vết nhăn, hạnh phúc. Tất cả các vị đó đều quỳ gối và hát “Thánh, Thánh, Thánh ... “ (Holy, Holy, Holy Lord ...)
Đức Mẹ nói:

“Đây là các hiển thánh và linh hồn thánh trên Thiên Đàng, và trong số đó có những linh hồn thân nhân của con đã được hưởng Thánh Nhan Thiên Chúa.”
Khi tôi nhìn thấy Đức Mẹ, một bước phía sau bên phải Đức Tổng Giám Mục chủ lễ. Đức Mẹ trên mặt đất một chút quỳ gối trên thứ khăn rất đẹp, trong suốt, nhưng đồng thời, rực rỡ, tựa như nước tinh tuyền. Đức Mẹ, hai tay chắp lại, chăm chú nhìn cách kính trọng vào vị chủ lễ. Đức Mẹ nói với tôi, nhưng không thành tiếng, trực tiếp với trái tim tôi, mà không nhìn tôi:

“Con bỡ ngỡ khi thấy Mẹ đứng phía sau Đức Cha (Đức Tổng Giám Mục), phải không? Đây đúng là điều phải như thế ... Với tất cả tình yêu mà Con của Mẹ dành cho Mẹ, Ngài đã không cho Mẹ ưu vị Ngài đã cho các linh mục được cử hành Mầu Nhiệm Lạ Lùng (Phép Thánh Thể) bằng đôi bàn tay của Mẹ như các ngài thực hiện bằng đôi bàn tay linh mục của mình. Vì điều này, Mẹ kính trọng cách đặc biệt sâu xa đối với các linh mục và đối với phép lạ mà Thiên Chúa thể hiện qua các ngài, điều đó làm cho Mẹ phải quỳ ở đây phía sau các ngài.”
Lạy Thiên Chúa của con, Chúa tuôn đổ xuống trên các linh hồn tư tế phẩm giá cao quí chừng nào và biết bao ân sủng, mà cả chúng con và có thể cả đến một số các vị đó, không ý thức được điều này.
Trước Bàn Thờ xuất hiện một số bóng người mặc áo mầu xám hai tay đưa lên cao. Đức Mẹ nói: Đây là những linh hồn thánh trong Luyện Ngục, những linh hồn đó chờ đợi lời cầu nguyện của (các) con để được thanh thoát. Con đừng ngưng nghỉ cầu nguyện cho các linh hồn đó. Các linh hồn ấy cầu nguyện cho (các) con, nhưng các linh hồn ấy không cầu nguyện cho mình được. Chính các con cần phải cầu nguyện cho họ, ngõ hầu giúp giúp họ khỏi Luyện Ngục để được ở với Thiên Chúa và hưởng Thánh Nhan Chúa đời đời.

“Bây giờ con thấy đó; Mẹ luôn luôn ở đây. Người ta đi hành hương, kiếm tìm đến những nơi Mẹ hiện ra. Điều này tốt, vì mọi hồng ân họ sẽ nhận lãnh tại đó. Nhưng khi Mẹ không hiện ra, thì không nơi nào Mẹ hiện diện nhiều hơn trong Thánh Lễ. Các con lúc nào cũng tìm thấy Mẹ nơi chân Bàn Thờ nơi Mầu Nhiệm Thánh Thể được cử hành (dâng hiến); Mẹ ở tại chân Bàn Thờ cùng với các thiên thần vì Mẹ luôn luôn ở với Chúa.”
Nhìn thấy khuôn mặt xinh đẹp của Đức Mẹ vào lúc xướng “Thánh, Thánh, Thánh ...” cũng như tất cả mọi lúc khác cùng với những khuôn mặt rạng rỡ hân hoan, những bàn tay chắp lại, chờ đợi phép lạ tái diễn không ngừng, là ở chính Thiên Đàng. Và khi nghĩ đến có những người mà họ có thể, vào lúc đó, chia trí vì nói chuyện. Điều đó làm Mẹ đau lòng phải nói cho con biết, người nam nhiều hơn phụ nữ, đứng khoanh tay, như thể tôn thờ Chúa cũng chỉ ngang bằng đối xử với nhau.
Đức Mẹ nói:

“Con hãy nói cho mọi người biết không khi nào họ là con người cho bằng khi họ quỳ gối trước mặt Thiên Chúa.”
Vị chủ tế đọc lời Thánh Hiến (Truyền Phép). Ngài cao trung bình, nhưng bỗng nhiên, ngài bắt đầu cao lên, tràn ngập ánh sáng, ánh sáng siêu nhiên giữa màu trắng và hoàng kim bao phủ ngài và tăng cường độ chung quanh mặt ngài. Và vì thế, tôi không thể thấy dáng vóc ngài nữa. Khi ngài dâng Bánh Thánh Thể lên, tôi thấy hai bàn tay ngài, và trên lưng bàn tay ngài, có những dấu vết mà từ đó tỏa ra ánh sáng lớn mạnh. Chính là Chúa Giêsu! Chính là Chúa Đấng phủ Thân Mình Ngài quanh vị chủ tế, như thể Ngài âu yếm bọc lấy đôi bàn tay Đức Tổng Giám Mục. Lúc đó, Bánh Thánh Thể bắt đầu lớn lên và trở thành khổng lồ, và trên đó khuôn mặt lạ lùng của Chúa Giêsu xuất hiện đang nhìn xuống dân của Ngài.
Giây phút đó, tôi muốn cúi đầu (thờ lạy) thì Đức Mẹ nói:

“Con đừng nhìn xuống. Hãy nhìn lên để chiêm ngắm Chúa. Con hãy trao đổi ánh mắt của con với Ngài, và nhắc lại lời nguyện Fátima: Lạy Chúa, con tin, con thờ lạy, con ký thác (trông cậy), và con yêu mến Chúa. Con xin Chúa tha thứ cho những người không tin, không thờ lạy, không trông cậy, và không yêu mến Chúa. Lạy Chúa hay tha thứ và thương xót ... Bây giờ con hãy nói với Chúa con yêu Chúa chừng nào, và dâng hiến thờ lạy Vua các Vua.”
Tôi dâng lên Chúa lời nguyện trên, và dường như từ Bánh Thánh Thể khổng lồ Chúa chỉ nhìn một mình tôi, Nhưng tôi học được rằng đây là cách Chúa nhìn mỗi người, với tình yêu tràn đầy. Rồi tôi cúi đầu xuống cho tới khi trán chạm đất, giống như các Thiên Thần và các Thánh trên Thiên Đàng. Có lẽ trong một phần giây đồng hồ, tôi ngỡ ngàng không biết cách nào Chúa Giêsu nhập vào thân xác vị chủ tế và, đồng thời, Chúa ở trong Bánh Thánh Thể. Và khi vị chủ tế đặt Bánh Thánh Thể xuống, thì Bánh Thánh Thể trở lại kích thước bình thường. Nước mắt tràn xuống hai bên má tôi; tôi không thể không ngỡ ngàng được.
Lập tức, Đức Tổng Giám Mục đọc lời Thánh Hiến (Truyền Phép) rượu và, khi những lời đang được xướng lên, ánh chớp từ thiên đàng và từ phía sau lóe lên. Các bức tường và trần nhà của thánh đường biến mất. Tất cả đều tối đen, ngoại trừ ánh sáng chói chang từ Bàn Thờ.
Thình lình, tôi thấy Chúa Giêsu trên thánh giá lơ lửng trên không trung. Tôi thấy từ đầu đến phần trên ngực Chúa. Cánh ngang Thánh Giá được đỡ lên bởi hai bàn tay lớn mạnh. Từ bên trong ánh sáng huy hoàng, luồng ánh sáng nhỏ, tựa như chim bồ câu rất nhỏ, rất chói sáng, tiến ra bay rất nhanh khắp Thánh Đường. Ánh sáng đó đậu trên vai bên trái Đức Tổng Giám Mục, ngài tiếp tục xuất hiện như Chúa Giêsu vì tôi có thể nhận ra rõ mái tóc dài của Chúa, những dấu thánh chiếu sáng và thân thể vạm vỡ của Chúa, nhưng tôi không thể nhìn được Gương Mặt Cực Thánh của Chúa.
Phía trên là Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá. Tôi có thể chiêm ngắm gương mặt, hai cánh tay bầm dập và da thịt nát bấy của Chúa. Phía bên phải ngực Chúa có thương tích, máu tuôn về phía cạnh bên trái, và về phía bên phải thì thứ gì tựa như nước, nhưng rất sáng chói. Máu và nước tựa như những tia nước mạnh bằng ánh sáng tuôn ra hướng vào phía các tín hữu, tràn qua bên phải và bên trái. Tôi ngỡ ngàng về số lượng máu tuôn chảy vào Chén Thánh. Tôi nghĩ máu đó tràn ngập chan hòa khắp Bàn Thờ, nhưng không một giọt nào rơi ra ngoài.
Giây phút đó, Đức Mẹ nói:

“Đây là phép lạ của những phép lạ. Mẹ đã nói với con trước kia rằng Chúa không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Vào giây phút Truyền Phép (Thánh Hiến Bánh Rượu), toàn thể cộng đoàn được đem tới đồi Calvary, vào giây phút Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thánh giá.”
Có ai hình dung được điều đó? Mắt chúng ta không thể thấy, nhưng tất cả chúng ta đều ở đó vào chính giây phút lý hình đóng đinh Chúa vào thánh giá. Và Chúa đang xin Chúa Cha tha thứ, không chỉ riêng cho những kẻ giết Chúa, nhưng cũng (xin tha thứ) cho tội lỗi mỗi người chúng ta: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm.”
Từ ngày đó (trở đi), tôi bất kể nếu như cả thế giới đều cho rằng tôi khùng, nhưng tôi xin mọi người quỳ gối xuống và cố gắng, với trái tim mình và với tất cả cảm giác mà họ có thể, sống đặc ân này (tham dự Thánh Lễ) Chúa ban cho chúng ta.
Khi chúng tôi sắp sửa cầu nguyện Kinh Lạy Cha, lần đầu tiên trong buổi lễ, Chúa nói: “Chờ chút, Cha muốn con cầu nguyện với lòng khiêm tốn sâu thẳm nhất con có thể. Giây phút này, con hãy nhớ đến người nào đó hoặc những người đã làm tổn thương con nặng nề nhất trong đời con, để con có thể ôm ấp những người đó vào lòng con, và với hết lòng con hãy nói với họ: ‘Nhân danh Chúa Giêsu, tôi tha thứ cho anh (chị, ...) và nguyện chúc anh (chị, ...) được bình an. Nhân danh Chúa Giêsu, tôi xin anh (chị,...) tha thứ và chúc lành cho tôi.’ Nếu người đó đáng hưởng sự bình an, thì người đó nhận được, và cảm thấy được hưởng sự bình an. Nếu người đó không thể mở lòng đón nhận sự bình an, thì sự bình an đó trở lại trái tim con. Nhưng Cha không muốn con nhận, cũng không chúc bình an, khi con không thể tha thứ và cảm thấy bình an trong trái tim con trước nhất.
Chúa nói tiếp: “Con hãy cẩn thận đối những việc con làm, con nhắc lại trong kinh Lạy Cha: xin (Cha) tha tội chúng con như chúng con tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng con. Nếu con có thể tha thứ nhưng không thể quên, như một số người nói, con đặt điều kiện trên sự tha thứ của Thiên Chúa. Con nói: Cha tha thứ cho con chỉ vì con có thể tha thứ, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi.”
Tôi không biết cách nào giãi bày sự đau đớn của tôi, khi ý thức rằng chúng ta có thể làm đau lòng Chúa biết chừng nào. Và cũng biết bao nhiêu chúng ta tự làm tổn thương chính mình vì ôm ấp quá nhiều ghen ghét (bực bội), ác cảm và những thứ xấu xa nảy sinh từ thành kiến và quá tự ái của chúng ta. Tôi đã tha thứ; tôi đã thực tâm tha thứ, và xin những người bị tôi xúc phạm (làm hại) tha thứ, để cảm nghiệm sự bình an của Chúa.
Vị chủ tế cầu nguyện, “... xin (Chúa) ban cho chúng con sự bình an và hiệp nhất ...” kến đến là “sự bình an của Chúa ở cùng tất cả anh chị em.”
Thình lình, tôi thấy một số (không phải tất cả) những người đang ôm hôn chúc lành, một làn ánh sáng rất mạnh ở giữa những người đó. Tôi biết đó là Chúa Giêsu, và tôi đã thực tâm ôm hôn người bên cạnh. Tôi có thể thực sự cảm nghiệm sự ôm hôn của Chúa trong ánh sáng đó. Chính Chúa ôm hôn và ban cho tôi sự bình an của Ngài, vì giây phút đó, tôi (đã) có thể tha thứ và đẩy ra khỏi trái tim tất cả mọi bực bội đối với người khác. Đó chính là điều Chúa Giêsu muốn, chia sẻ giây phút hân hoan đó, ôm hôn chúng ta và chúc bình an của Ngài cho chúng ta.
Đã tới lúc vị chủ tế rước Mình Thánh Chúa. Tôi lại nhận thấy sự hiện diện của toàn thể linh mục kế bên Đức Tổng Giám Mục. Khi Đức Tổng GM rước Lễ, Đức Mẹ nói:

“Giây phút này là lúc cầu nguyện cho vị chủ tế và các linh mục đồng tế với ngài. Con hãy nhắc lại cùng với Mẹ: ‘Lạy Chúa, xin Chúa chúc lành cho các ngài, thánh hóa các ngài, giúp đỡ các ngài, thanh tẩy các ngài, yêu thương các ngài, săn sóc các ngài, và nâng đỡ các ngài bằng Tình Yêu của Chúa. Con hãy nhớ tất cả các linh mục khắp hoàn cầu, cầu nguyện cho các linh hồn đã được thánh hiến ...”
Thưa quí anh chị em, đó là giây phút chúng ta cần cầu nguyện cho các linh mục (hàng giáo phẩm) vì các ngài là Giáo Hội cũng như chúng ta, các tín hữu (giáo dân) là Giáo Hội. Nhiều lần chúng ta, giáo dân, đòi hỏi quá nhiều nơi các linh mục, nhưng chúng ta lại không thể cầu nguyện cho các ngài, hiểu biết rằng các ngài cũng là con người, thông cảm và coi trọng sự cô đơn rất nhiều khi các linh mục gặp phải.
Chúng ta cần hiểu các linh mục là người như chúng ta và các ngài cần được thông cảm và giúp đỡ. Các ngài cần được chúng ta quí mến và chăm sóc vì các ngài đã tận hiến cuộc đời cho từng người chúng ta, như Chúa Giêsu đã tận hiến, bởi được thánh hiến cho Ngài.
Chúa muốn dân trong đoàn chiên mà Thiên Chúa ký thác cho linh mục hãy cầu nguyện và giúp đỡ sự thánh hiến của linh mục đó. Ngày nào đó, khi chúng ta ở đời sống bên kia, chúng ta sẽ hiểu những sự lạ lùng Chúa đã làm, khi ban cho chúng ta các linh mục là những người giúp đỡ phần rỗi chúng ta.
Giáo dân bắt đầu lên rước Lễ. Giây phút gặp gỡ trọng đại nhất đã đến. Chúa nói với tôi:

“Con chờ chút; Cha muốn con quan sát một chút ...”
Ơn thúc đẩy bề trong khiến tôi ngước mắt nhìn lên phía những người sắp sửa há miệng rước Lễ từ tay vị linh mục.
Tôi cần phải thanh minh rằng người này là một trong các bà trong nhóm chúng tôi mà tối hôm trước đã không xưng tội được, nhưng đã xưng tội sáng nay trước Thánh Lễ. Khi Linh Mục đặt Bánh Thánh Thể trên lưỡi bà ấy, một tia chớp, tựa như luồng ánh sáng bạch kim, xuyên thấu toàn thân bà đó, trước tiên suốt lưng, rồi từ lưng vây bọc toàn thân, qua hai vai, rồi đến đầu. Chúa nói:

“Đây là cách Chính Cha hân hoan ấp ủ một linh hồn đón rước Cha mà trái tim thanh sạch.”
Giọng nói của Chúa Giêsu là giọng của một người sung sướng hạnh phúc.
Tôi sững sờ thấy bà bạn của tôi trở lại ghế quỳ mà ánh sáng Chúa bao bọc ấp ủ bà. Tôi ngỡ ngàng rằng chúng ta bỏ lỡ quá nhiều lần đến rước Chúa Giêsu mà có mang những lỗi lầm nhỏ hoặc lớn, trong khi việc rước Lễ phải là đại tiệc cực trọng.
Nhiều khi chúng ta nói không có linh mục để vào lúc nào đó đến xưng tội. Nhưng vấn đề không phải là xưng tội mỗi lần, nhưng vấn đề nằm sẵn trong tình trạng chúng ta dễ dàng lại sa vào lỗi lầm. Mặt khác, cũng như khi chúng ta cố gắng tìm đến mỹ viện, hoặc tìm các ông thợ hớt tóc mỗi khi có tiệc tùng, chúng ta cũng phải cố gắng tìm kiếm linh mục khi cần tẩy rửa linh hồn chúng ta. Chúng ta không được phép cả gan (liều lĩnh) rước Chúa Giêsu bất cứ khi nào trái tim (tâm hồn) chúng ta đầy dẫy những điều xấu xa.
Khi tôi lên rước Lễ, Chúa Giêsu bảo tôi: “Tiệc Ly là giây phút hiệp thông thân mật vĩ đại nhất với Chính Cha. Trong giờ yêu thương đó, Cha thiết lập điều có thể bị cho là hành động cao cả tột cùng của sự điên khùng trong mắt người đời, khiến chính Cha trở nên tù nhân của Tình Yêu. Cha đã thiết lập Nhiệm Tích Thánh Thể. Cha muốn ở lại với các con cho tới tận thế vì Tình Yêu của Cha không thể chịu đựng được nếu để các con mồ côi, các con là những người Cha yêu thương hơn sinh mạng Cha.”
Tôi rước Bánh Thánh Thể mà hương vị khác hẳn. Hương vị đó lẫn lộn máu và trầm hương tràn ngập toàn thân tôi. Tôi cảm thấy quá sức yêu mến đến độ nước mắt tuôn tràn xuống hai bên má nhưng tôi không cầm lại được.
Khi trở lại ghế quỳ, Chúa nói: “Con hãy lắng nghe ...” Một lát sau, tôi bắt đầu nghe những lời cầu nguyện của một phụ nữ ngồi ghế trước tôi, bà ấy vừa mới rước Lễ.
Bà âm thầm cầu nguyện đại khái như sau: “Lạy Chúa, xin Chúa nhớ cuối tháng đến rồi mà con không có tiền trả tiền mướn nhà, tiền xe, tiền học của con cái. Chúa cần giúp con ... Xin Chúa vui lòng, cho chồng con hết uống rượu quá nhiều. Con không chịu đựng nổi thêm chút nào nữa anh ấy thường say sưa, và đứa con trai út của con lại không được lên lớp, nếu Chúa không giúp nó. Tuần này nó thi ... Và xin Chúa đừng quên người hàng xóm của chúng con phải đổi chỗ ở. Xin Chúa cho chị ấy đi ngay đi. Con không thể chịu đựng chị ấy thêm chút nào nữa, v.v.”
Kế đến Đức Tổng Giám Mục nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện,” và hiển nhiên cả cộng đoàn đứng lên hiệp lời cầu nguyện kết thúc. Chúa Giêsu nói mà giọng buồn buồn:

“Con có ghi chép lời chị ấy cầu nguyện không? Không lấy một lần chị ấy nói với Cha rằng chị ấy yêu mến Cha. Không một lần nào chị ấy cám ơn Cha vì hồng ân Cha đã ban cho chị bằng việc ngự vào con người nghèo nàn của chị (đem Thần Tính của Cha đến với nhân tính nghèo hèn của chị), để nâng chị ấy lên tới Cha. Không lấy một lần chị ấy nói: Lạy Chúa, tạ ơn Chúa. Lời cầu nguyện chỉ là chuỗi những yêu cầu, và hầu như tất cả mọi người rước Cha cũng đều cầu xin như thế.”

“Cha đã chết vì yêu, và Cha đã phục sinh. Vì yêu thương, Cha chờ đợi từng người các con, và vì yêu thương Cha ở lại với các con. ... Nhưng các con không ý thức rằng Cha cần tình yêu của các con. Con hãy nhớ Cha là Người Ăn Xin Tình Yêu trong giờ phút cực trọng đối với các linh hồn.”
Tất cả quí bạn có ý thức rằng Chúa, Tình Yêu, đang van xin tình yêu của chúng ta, mà chúng ta lại chẳng trao tặng tình yêu của chúng ta cho Ngài, hay không? Hơn nữa, chúng ta tránh không đến gặp Đấng Tình Yêu của Mọi Tình Yêu, với tình yêu duy nhất tự hiến trong lễ phẩm vĩnh cửu.
Khi vị chủ tế sắp sửa ban phép lành, Đức Mẹ nói: “Con hãy chú ý, cẩn thận ... Con làm thứ dấu gì cũ kỹ thay vì Dấu Thánh Giá. Con hãy nhớ phép lành này có thể là cuối cùng con nhận được từ tay vị linh mục. Con không biết khi nào, khi rời khỏi đây, con sẽ chết hoặc không. Con không biết con có còn cơ hội nhận lãnh phép lành từ linh mục khác nữa không. Những bàn tay được thánh hiến ban phép lành cho con nhân Danh Chúa Ba Ngôi Cực Thánh. Vì thế, con hãy làm Dấu Thánh Giá với lòng kính trọng, chẳng khác gì đó là lần cuối cùng trong đời con.”
Chúng ta bỏ lỡ biết bao vì không hiểu và không tham dự Thánh Lễ hằng ngày! Tại sao lại không cố gắng bắt đầu một ngày sớm hơn nửa giờ để chạy tới tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận tất cả mọi ơn lành Chúa muốn tuôn đổ trên chúng ta?
Tôi biết rằng, vì công việc theo phận sự hằng ngày, không phải tất cả mọi người đều có thể tham dự Thánh Lễ ngày thường, nhưng ít ra hai hoặc ba lần mỗi tuần. Quá nhiều người tránh bỏ Lễ Chúa Nhật chỉ với những lý do tối thiểu, rằng họ có con nhỏ, hai đứa, hoặc mười đứa, và, bởi thế, họ không thể tham dự Thánh Lễ. Vậy người ta thu xếp cách nào khi người ta có những thứ việc quan trọng khác? Họ đem theo tất cả con cái, hoặc thay phiên nhau, ông chồng đi vào giờ này và bà vợ đi vào giờ khác, nhưng họ chu toàn được bổn phận đối với Thiên Chúa.
Chúng ta đều có thì giờ học hành, làm việc, giải trí, nghỉ ngơi, nhưng CHÚNG TA KHÔNG CÓ THÌ GIỜ, ÍT RA LÀ CHÚA NHẬT, ĐỂ THAM DỰ THÁNH LỄ.
Chúa Giêsu xin tôi ở nán lại với Ngài một vài phút sau Thánh Lễ. Chúa nói: “Con đừng vội vã ra về ngay sau khi Thánh Lễ xong. Con hãy ở lại một chốc lát với Cha và tận hưởng giây phút đó, và để Cha vui với sự hiện của con ...”
Khi còn nhỏ, tôi nghe nói Chúa ở với chúng ta năm hoặc mười phút sau khi Rước Lễ. Tôi hỏi Chúa về giây phút này:
“Chúa ơi, thực sự, Chúa ở với chúng con bao lâu sau khi chúng con Rước Lễ?”
Tôi nghĩ Chúa hẳn phì cười vì sự ngờ nghệch của tôi, bởi Chúa trả lời:

“Tất cả mọi thời gian mà con muốn có  Cha ở với con. Nếu con nói với Cha suốt cả ngày, dâng cho Cha một đôi lời trong suốt cả mọi việc (lặt vặt) hằng ngày của con (con nói với Cha một vài lời trong khi con làm mọi việc hàng ngày), Cha sẵn sàng lắng nghe lời con. Cha hằng ở với con. Chính con bỏ Cha. Con rời khỏi Thánh Lễ, thế là bổn phận ngày lễ buộc đã xong (chấm dứt). Con đã giữ ngày của Chúa (Chúa nhật), và bây giờ việc ấy xong rồi đối với con. Con không nghĩ rằng Cha muốn chia sẻ sự sống trong gia đình với con, ít ra là ngày hôm đó, sao?”

“Trong nhà các con (các gia đình), các con có chỗ cho mọi thứ và phòng cho từng sinh hoạt: phòng ngủ, bếp, phòng ăn, v.v. Các con dành chỗ nào cho Cha? Không phải chỉ là chỗ con treo ảnh (tượng) để bụi bám ngày qua tháng lại, nhưng là chỗ mà ít ra năm phút mỗi ngày gia đình tập họp lại để tạ ân vì mọi ơn lành trong ngày và ơn sự sống, cầu xin cho những nhu cầu hăng ngày, xin ơn lành, ơn bảo vệ, ơn sức khỏe. Mọi thứ đều có chỗ trong nhà các con, ngoại trừ Cha.”

“Người ta hoạch định chương trình hằng ngày, hằng tuần, tam cá nguyệt, nghỉ hè, v.v. Họ biết ngày nào họ nghỉ, ngày nào họ đi xinê hoặc tiệc tùng, hoặc thăm viếng bà nội/ngoại hoặc cháu chắt, con cái, bạn bè, và giải trí. Được mấy gia đình ít ra mỗi tháng một lần nói: ‘Hôm nay là ngày đến phiên chúng ta đến Nhà Chầu viếng Chúa trong Phép Thánh Thể,’ và cả gia đình đến truyện trò với Cha? Được mấy người đến ngồi trước mặt và chuyện trò với Cha, nói cho Cha biết mọi việc từ khi viếng Cha lần trước, nói cho Cha biết những vấn đề, những khó khăn họ gặp phải, xin Cha cho những gì họ cần, đặt Cha vào những sự việc hằng ngày của họ? Được mấy lần?

“Cha biết mọi sự. Cha đọc thấy tất cả những bí mật sâu thẳm nhất trong tâm trí các con. Nhưng Cha vui khi thấy các con nói cho Cha biết về cuộc sống của các con, các con để cho Cha tham gia như là thành viên gia đình, như người bạn chí thiết của các con. Oh, con người bỏ mất biết bao ân sủng bởi không dành cho Cha một chỗ trong cuộc đời của họ!”
Tôi ở lại với Chúa hôm đó và nhiều ngày khác, Chúa tiếp tục dạy bảo chúng ta. Hôm nay tôi muốn chia sẻ với quí bạn sứ mệnh Chúa trao cho tôi. Chúa Giêsu nói:

“Cha muốn cứu độ các thụ tạo của Cha, vì giây phút mở cửa Thiên Đàng đã bị bão hòa bởi quá nhiều đau đớn ...” “Con hãy nhớ rằng không hề có bà mẹ nào đã nuôi con bằng chính thịt của mình. Cha đã đi quá mức cực độ Yêu Thương là thông ban mọi công nghiệp của Cha cho tất cả các con.

“Thánh Lễ là Chính Cha kéo dài sự sống của Cha và hiến tế của Cha trên Thánh Giá giữa các con. Nếu không có công nghiệp của Cha và Bửu Huyết của Cha, các con có gì để đem đến trước mặt Thiên Chúa Cha? Không gì hết, chỉ có khốn nạn và tội lỗi ...

“Các con phải vượt hơn các thiên thần và tổng lãnh thiên thần về thánh đức, bởi các vị ấy không được vui hưởng rước Cha làm lương thực như các con được hưởng. Các thiên thần uống từ dòng suối, nhưng các con được đặc ân rước Cha, các con có toàn thể đại dương để mà uống.”
Chúa đau đớn nói về những người rước Chúa theo thói quen, những người mất lòng kính trọng mỗi khi rước Chúa. Thói quen đó khiến nhiều người trở nên ấm ấm họ chẳng có gì mới để nói với Chúa khi họ rước Chúa. Chúa cũng nói rằng có quá nhiều linh hồn được thánh hiến đã mất lòng sốt sắng yêu mến Chúa, và biến ơn gọi của các vị ấy trở nên một thứ nghề nghiệp chuyên môn mà chẳng có gì hơn để hiến dâng, ngoại trừ bổn phận đòi hỏi, mà lại chẳng có cảm giác gì (mà dửng dưng, hững hờ)...
Rồi Chúa nói với tôi về những kết quả phải đến mỗi lần chúng ta Rước Lễ. Điều xảy ra là có nhiều người rước Chúa hằng ngày nhưng đời sống họ không thay đổi. Họ dành nhiều giờ để cầu nguyện và làm nhiều việc, v.v., nhưng cuộc sống của họ không thay đổi, và một đời người mà không thay đổi thì không thể sinh hoa trái đích thực cho Chúa. Những công nghiệp chúng ta nhận được trong Phép Thánh Thể phải sinh hoa trái hoán cải trong chúng ta và hoa trái bác ái đối với anh chị em chúng ta.
Chúng ta, giáo dân, có vai trò rất quan trọng trong Giáo Hội. Chúng ta không có quyền nín thinh, vì Chúa đã gửi chúng ta, với tư cách những người chịu Phép Rửa, đi ra rao giảng Tin Mừng. Chúng ta không có quyền tiêu hóa tất cả những hiểu biết này mà không chia sẻ với người khác, và để cho anh chị em chết đói trong khi trong tay chúng ta có dư thừa bánh.
Chúng ta không thể đứng nhìn Giáo Hội của chúng ta tiêu dần trong khi chúng ta vẫn thoải mái trong giáo xứ và gia đình, đón nhận và đón nhận quá nhiều ơn Chúa: Lời Chúa, những lời giảng huấn từ các linh mục, các cuộc hành hương, Lòng Thương Xót Chúa trong Nhiệm Tích Giao Hòa (Xá Giải), sự kết hiệp lạ lùng với lương thực Thánh Thể, những lời thuyết giảng.
Nói cách khác, chúng ta liên tiếp nhận được quá nhiều mà chúng ta lại không có cam đảm rời khỏi vùng tiện nghi thoải mái để đến nhà giam, viện trừng huấn, đến với những người nghèo khó nhất. Đến và khuyên họ đừng bỏ cuộc, rằng họ sinh ra là tín hữu Công Giáo và Giáo Hội muốn họ ở đó, chịu đau khổ, vì đau khổ sẽ cứu độ họ, vì hy sinh của họ sẽ giành cho họ sự sống vĩnh cửu.
Chúng ta không thể đến với những người nguy tử trong bệnh viện, nhưng bằng cầu nguyện Chuỗi Lòng Thương Xót Chúa, giúp họ bằng lời cầu nguyện của chúng ta trong lúc họ chiến đấu giữa thiện và ác và giải thoát họ khỏi nanh vuốt và cám dỗ của ma quỉ. Mỗi người đang hấp hối đều có sự sợ hãi, chúng ta chỉ cầm tay họ, nói với họ về tình yêu Thiên Chúa và những sự lạ lùng đang chờ đợi họ trên Thiên Đàng bên Chúa Giêsu và Mẹ Maria, bên cạnh những người thân yêu đã ra đi trước, đem lại cho họ sự an ủi.
Giờ phút chúng ta đang sống không cho phép chúng ta hững hờ. Tất cả chúng ta phải là bàn tay nối dài của các linh mục và đến bất cứ nơi nào các ngài không thể đến. Tuy nhiên để làm việc này, chúng ta cần can đảm. Chúng ta cần phải rước Chúa Giêsu, sống với Chúa Giêsu, nuôi dưỡng chúng ta bằng chính Chúa Giêus.
Chúng ta sợ không dám dấn thân thêm chút nữa, và khi Chúa nói, “Trước hết các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, và mọi thứ khác sẽ được ban cho các con.” Chúa nói điều đó với tất cả mọi người, anh chị em. Lời Chúa nói trên có nghĩa là bằng mọi phương cách có thể phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa, và rộng mở đôi bàn tay để đón nhận MỌI SỰ được ban cho! Bởi Chúa là Chúa Tể, Ngài trả lại cho chẳng những đầy đủ mà còn dư thừa nhất, bởi chỉ một mình Ngài là Đấng chăm sóc mọi nhu cầu nhỏ nhặt nhất của anh chị.
Thưa quí anh chị, xin cám ơn quí anh chị đã cho phép chúng tôi thi hành sứ mệnh Chúa ký thác cho chúng tôi, gửi những trang này tới quí anh chị. Lần sau khi anh chị tham dự Thánh Lễ, xin sống lời Chúa và Mẹ Maria trong thông điệp này. Chúng tôi biết Chúa sẽ hoàn tất lời Ngài hứa với anh chị rằng “Thánh Lễ các con tham dự sẽ không khi nào lại nhạt nhẽo như trước nữa.” Khi anh chị rước Chúa, xin anh chị hãy yêu mến Ngài.
Anh chị hãy sống cảm giác ngọt ngào dựa đầu vào thương tích nơi cạnh sườn Ngài, đã bị đâm thủng vì anh chị, để lại cho anh chị Giáo Hội và Thánh Mẫu của Chúa, mở cho anh chị cửa Nhà Thiên Chúa Cha của Ngài. Anh chị hãy cảm nghiệm điều này ngõ hầu có thể cảm thấy được Tình Yêu Thương Xót của Ngài qua lời chứng này, và cố gắng hòa hợp với tình yêu như trẻ thơ (của anh chị).
Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị trong Mùa Phục Sinh này.
Em gái của anh chị trong Thiên Chúa hằng sống.
Catalina Rives
Lay Missionary of the Eucharistic Heart of Jesus.

   

No comments:

Post a Comment