Tuesday, September 6, 2011

TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA THÁNH BONAVENTURA

(Theo tác phẩm “Hành Trình của con người lên tới Thiên Chúa”

Thánh Bonaventura được mệnh danh là nhà thần bí hơn là nhà triết học, vì các tác phẩm của ngài thiên về những cảm nghiệm thần học “thần bí” thiêng liêng. Nhưng theo nhận định của một số học giả thì ngài cũng là một bậc thầy trong lãnh vực triết học. Tác giả Gisol nhận xét: “Bonaventura đã vận dụng tới những nguồn mạch triết học đúng nghĩa để xây dựng tổng hợp lý thuyết của ngài…Tính thống nhất của học thuyết thánh Bonaventura là tính thống nhất của một trí khôn lôi kéo về mình những luận đề thuộc những nguồn gốc đôi khi khác nhau song nối kết với nhau bởi những mối liên hệ họ hàng sâu xa chứ không phải là tính thống nhất của một hệ thống được xây dựng một cách biện chứng từ những nguyên lý đã được đặt làm nền tảng” (Etienne Gilson, La Philosophie au Moyen – Age Payot, Paris 1962, Lm Nguyễn Hồng Giáo phiên dịch, tr 2). Ngài đã vận dụng tài tình các tư tưởng triết học trước thời của mình như, Plato, Aristotle, Augustine, Tân Plato… vào trong các các phẩm thần học của ngài. Vì thế, ngài xứng danh là người có công đầu trong việc đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển trường phái triết - thần Phan sinh. Đây là một trường phái có chỗ đứng hết sức quan trọng trong Giáo hội và thế giới, song song với trường phái Tôma trong thời kỳ Kinh viện và trong lịch sử Giáo Hội về sau.

Vì vậy, việc tìm hiểu những tư tưởng triết học của Bonavetura là việc làm hết sức cần thiết. Nó sẽ giúp chúng ta có một sự hiểu biết về ngài và tư tưởng của ngài trong “lâu đài” triết - thần Kinh viện nói riêng và trong lịch sử triết học và thần học nhân loại nói chung. Việc làm này giúp chúng ta có thêm những hành trang quí báu trong hành trình tiến về với Đấng vô biên.

I. SIÊU HÌNH HỌC CỦA BONAVENTURA.

Thực tại của thánh Bonaventura là Mầu Nhiệm Nhập Thể. Đối với Bonaventura, thì mầu nhiệm Sáng tạo và Nhập thể như hai mặt của một đồng tiền mà thôi. Sáng tạo là cuộc nhập thể thứ nhất, Thiên Chúa thông ban chính mình cho thụ tạo; và cuộc nhập thể thứ hai là Thiên Chúa ban chính Con Một của mình cho thế giới, để cứu độ thế giới. Vì thế dấu vết của Thực Tại Siêu Việt hiện hữu tràn lan trong thế giới thụ tạo.

1. Dấu tích của Thiên Chúa trong thế giới khả giác.

Thánh Bonaventure chịu ảnh hưởng tư tưởng của Augustine về tạo dựng đã qua niện: “Thế giới là công tình tạo dựng của Thiên Chúa…vì thế thụ tạo luôn mang dấu vết của Thiên Chúa” . Bằng con mắt thể lý, chúng ta sẽ nhận diện dấu vết của Thiên Chúa trong vũ trụ. Để vũ trụ trở thành phương tiện nhận biết thực tại, chúng ta “cần phải đi qua các dấu tích vốn là vật chất, tạm thời và bên ngoài chúng ta” ( Bonaventura, Hành trình của con người lên tới Thiên Chúa, bản dịch của Nguyễn Đoàn Tân, Học viện Phanxicô 2007, tr 16). Khi đó, chúng ta nhận ra Thiên Chúa nhờ các dấu vết Người đã để lại trong các sự vật, đó là những chứng cớ về sự hiện hữu của Người mà người ta rút ra từ việc suy ngắm thế giới khả giác.
Theo quan đểm của Bonaventura, vũ trụ là một cuốn phúc âm thứ hai, qua đó chúng ta: “Trực tiếp nhận ra Thiên Chúa hiện diện dưới chuyển động, dưới trật tự, sự hoà hợp, vẻ đẹp và sự xếp đặt của vạn vật…đối với một tâm trí thanh sạch, mỗi sự vật và mỗi khía cạnh của mỗi sự vật đều tiết lộ sự hiện diện sâu kín của Đấng làm ra nó” (Etienne Gilson, Sđd, tr 3).

Tóm lại, khi suy ngắm thế giới khả giác chúng ta có thể tìm thấy ở đó dấu vết của Thiên Chúa ở ngoài chúng ta, bởi vì tất cả mọi đặc tính của sự vật đòi hỏi phải có một nguyên nhân đứng sau nó. Các dấu vết này thể hiện trong sự thống nhất, chân lý và sự tốt lành của sự vật (x. Bonaventura, Sđd, tr 31)

2. Hình ảnh của Thiên Chúa trong con người.

Thánh Bonaventura mời gọi chúng ta quay về với tâm hồn của chúng ta, ở đó chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh của Thiên Chúa cách rõ ràng. Ngài nói: “Chúng ta phải tiến vào trong thực tại nội tâm chúng ta, tức là hình ảnh Thiên Chúa một hình ảnh vĩnh cửu, thiêng liêng và bên trong chúng ta” (Bonaventura, Sđd, tr 14); và chính “hình ảnh này sẽ giúp chúng ta tiến sâu vào chân lý của Thiên Chúa” (Bonaventura, Sđd, tr 16).

Nếu những chứng cớ dựa vào thế giới khả giác mà thánh Bonaventura cung cấp cho chúng ta như những sự hiển nhiên chói loà mà ta có thể nhận thấy các dấu vết của Người, thì khi trở về với tâm hồn, tâm trí của chúng ta cung cấp cho ta điều quan trọng hơn là chính hình ảnh của Thiên Chúa.

Khi tìm kiếm Chúa trong linh hồn chúng ta, chúng ta qui hướng về chính Người. Người không chỉ là nguyên nhân mà còn là đối tượng của linh hồn chúng ta. Trí năng của chúng ta chỉ hiểu được các đối tượng của nó nhờ ý tưởng về một Hữu Thể tinh tuyền, toàn vẹn và tuyệt đối. Chính nhờ sự hiện diện của ý tưởng về hoàn hảo và tuyệt đối trong ta mà ta có thể biết được cái đặc thù là bất toàn và tương đối.

Vậy với khả năng nhận biết của lý trí qua suy tư và tưởng tượng, chúng ta có thể nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta.

3. Vượt qua thế giới khả giác tiến đến Beyond (Siêu việt) để biết Danh Thánh Thiên Chúa.

Đây là giai đoạn cuối cùng chúng ta có thể nhận diện sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thánh Bonavetura nói: “Chúng ta phải tiến lên cùng cái vĩnh cửu nhất, thiêng liêng nhất và ở trên chúng ta bằng cách nâng con mắt của chúng ta lên tới nguyên lý tiên khởi. Việc làm này sẽ đưa chúng ta lên tới niềm hoan lạc được biết Thiên Chúa và kính sợ sự cao cả của Người” (Bonaventura, Sđd, tr 16).

Theo thánh Augustine, “trong chúng ta có …ánh sáng của lý trí vĩnh cửu, trong ánh sáng này ta thấy được chân lý bất di bất dịch” (Entienne Gilson, Sđd, tr 6). Thánh Bonaventura đi theo quan điểm này, ngài cho rằng nhờ sự chiếu sáng của vĩnh cửu và ân sủng, chúng ta mới có thể nhận ra Danh Thánh của Thiên Chúa chính là Đức Giêsu Kitô Trung gian. Đó là Hiện Hữu tuyệt đối và Sự Thiện Hảo tuyệt đối. Ở cấp bậc này, chỉ cần phải dành cho lời nói và chữ viết phần ít thôi, nhưng cần dành tất cả cho ân huệ Thiên Chúa nghĩa là cho Chúa Thánh Thần soi sáng. Nhờ đó, tâm hồn chúng ta nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa ở trên chúng ta là biết Danh Thánh của Người hay “Bản sao” của Người.

Tóm lại, dưới nhãn quan của thuyết Duy thực, Bonaventura đã đi đến tóm kết siêu hình học của mình, bằng cách đề cập đến sự tương quan giữa cái ta thấy thay đổi và cái đứng bên trong làm cho biến đổi (x. số 3).

II. TRI THỨC LUẬN CỦA BONAVENTURA

Theo quan điểm của thánh Bonaventura thì con người đến từ thực tại và luôn khao khát trở về với Thực Tại vĩnh cửu, đó là Hạnh Phúc và Thiện Hảo. Trong cuốn “Hành trình của con người lên tới Thiên Chúa” , thánh Bonaventura vạch ra cho chúng ta năm bước đi như là “các bậc thang” và là “kim chỉ nam” , giúp con người vươn lên tới Thực Tại siêu việt đó.

1. Khao khát tìm kiếm Thiên Chúa.

Con người khao khát, khắc khoải tìm kiếm Thiên Chúa, lòng khao khát này “vượt trên mọi hiểu biết”, thúc đẩy con người vượt ra khỏi chính mình để tìm kiếm Thiên Chúa. Đây cũng là kinh nghiệm của thánh Bônaventura: “Được thúc đẩy bởi gương sáng của Phanxicô, tôi đã hằng ao ước sự bình an này” ( Bonaventura, Sđd, lời ngỏ).

Trong bước khởi đầu này việc cầu nguyện sẽ giúp con người hướng tâm hồn mình lên, để tìm kiếm Hạnh Phúc vĩnh cửu: “Cầu nguyện là người mẹ và là nguồn mạch phát xuất động tác đi lên của tâm hồn hướng thượng” ( Bonaventura, Sđd, tr 15). Ở bậc này, thụ tạo xung quanh trở thành tấm gương phản ánh những điều chúng ta tìm kiếm.

2. Vũ trụ là tấm gương.

Với lòng khao khát, ước muốn Thiên Chúa thì vũ trụ, con người và vạn vật trở nên tấm gương. Khi nhìn vào tấm gương này, chúng ta thấy chính mình và nhìn qua tấm gương chúng ta thấy thế giới khác với chính mình: “Thật thế, trí năng phải cậy tới nhận thức khả giác để biết tất cả những gì xa lạ với nó, nghĩa là biết tất cả những gì không phải là nó” ( Bonaventura, Sđd, tr 15).

Kế tiếp, thánh Bonaventura sử dụng thuyết Lan tỏa để giải thích dấu tích của Thiên Chúa trong vũ trụ. Theo đó, thế giới thụ tạo như tấm gương phản ánh dấu tích của Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, chỉ đường cho chúng ta tìm kiếm Ngài.

3. Phương tiện nhìn thấy: giác quan.

Để nhìn thấy các dấu tích của Thiên Chúa, chúng ta dùng đến giác quan của mình: “Hãy nhìn cho kỹ, bạn sẽ thấy Thiên Chúa gần bạn biết bao” . Nhờ các giác quan thể lý, qua các hoạt động “phát sinh”, “khóai cảm” và “phán đoán” , các dấu vết của Thiên Chúa trong vũ trụ đi vào trong ý thức của chúng ta. Ngài nói: “Theo cách đó toàn bộ thế giới khả giác đi vào trong tâm linh con người” ( Bonaventura, Sđd, tr 27).

Thánh Bonaventura trở về với tri thức luận của Platon bằng cách vượt qua thế giới khả giác đưa chúng ta đến chân lý khả niện: “Chúng ta nhờ tới một ánh sáng nội tâm, ánh sáng này tự biểu lộ ra trong các nguyên lý của các khoa học và của chân lý tự nhiên, vốn là bẩm sinh đối với con người. Các thứ đó đều thuộc về một bậc nhận thức cao hơn, ở đó cảm năng không còn chỗ nữa” (Etienne Gilson, Sđd, tr 5). Tuy nhiên, do hậu quả của tội lỗi, tâm trí con người u mê và đầy dục dọng nên thực tại, dấu vết của Thiên Chúa bị lu mờ. Con người cần thiết phải trãi qua việc thanh luyện. Trong khi thanh luyện, nhờ ánh sáng vĩnh cửu soi sáng, các giác quan thể lý biến đổi thành các giác quan tinh thần và “chúng ta được đưa dẫn tới tấm gương của tâm hồn, trong đó các thực tại thần linh sáng ngời” ( Bonaventura, Sđd, tr 32).

4. Chiêm niệm về Thiên Chúa.

Cùng với ân sủng của Thiên Chúa ban cho thân thể ta và bằng con mắt đã thanh tẩy qua các nhân đức Tin-Cậy-Mến, chúng ta suy niệm về Thiên Chúa. Khi suy niện bằng các giác quan của tinh thần, “linh hồn ta có thể thấy, nghe, ngửi, nếm và ôn lấy Đức Lang quân” ( Bonaventura, Sđd, tr 40). Và khi đó linh hồn được chuẩn bị để đạt tới những trạng thái xuất thần.

5. Phó thác hay an nghỉ trong Chúa.

Đến đây lý trí của chúng ta phải nhường chỗ cho ý chí. Chính nhờ lòng khao cháy bỏng, linh hồn được xắp xếp từng cấp bậc để tiến đến sự kết hợp với Thiên Chúa, “nghĩa là được thanh tẩy, được soi sáng và trở nên hòan thiện” … Trong giai đọan này, con người có thể chiêm ngưỡng tính duy nhất thần linh qua Danh Thánh nguyên thủy là Hữu Thể và chiêm ngắm Ba Ngôi diễm phúc trong danh hiệu Thiện Hảo. Thánh Bonaventura theo thuyết Lan tỏa đã quan niệm rằng: Sự Thiện thông truyển viên mãn làm phát sinh Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong các Ngôi vị, sự Thiện cao nhất đòi hỏi một tình yêu hiến thần vô biên; sự Thiên vô biên tạo nên sự đồng bản thể thuyệt đối dẫn đến có sự tương đồng sâu xa và sự bình đảng giữa Ba Ngôi. Vì vậy khi linh hồn ta chiên ngắm sự Thiện Hảo chính là Ngôi Con, nhờ Người chúng ta mới có thể đi vào sự kết hợp với Ba Ngôi trong xuất thần.

Tóm tại, qua tìm hiểu chúng ta nhận thấy tri thức luận của Bonaventura là một một sự tổng hợp tinh tế và sáng tạo. Ngài chọn Augustine, vì chính vị thánh giáo phụ này đã tổng hợp Platon và Aristote:
“Aristote đã biết nói ngôn ngữ của khoa học và ông đã có lý khi đề nghị ngược với Platon rằng không phải tất cả nhận thức đều được soạn thảo trong thế giới các ý tưởng, Platon thì nói ngôn ngữ của sự khôn ngoan khi khẳng định các nguyên do mô thể vĩnh cửu và các ý tưởng, còn Au-tinh được Chúa Thánh Thần soi sáng, đã biết nói cả hai ngôn ngữ.” ( Etienne Gilson, Sđd, tr 6)

III. ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA BÔNAVENTURA.

Sau khi vạch ra cho chúng ta con đường tri thức để tìm kiếm Chân lý vĩnh hằng là chính Thiên Chúa, ngài tiếp tục nêu ra những tiêu chuẩn giúp con người thực hành để đạt được Thiên Chúa là điều Thiện Hảo và Hạnh Phúc. Đó chính là đạo đức học của ngài.

1. Thanh tẩy.

Sự thanh tẩy là làm cho các khả năng của giác quan phục tùng lý trí và lý trí qua hành động của mình làm cho các giác quan thể xác biến thành các giác quan tinh thần.

Theo thánh Bonaventura, chúng ta nhất thiết phải trãi qua việc thanh tẩy vì: hậu quả của tội lỗi nên các hình ảnh của thế giới làm cho ta mù quáng, không thể trở vào nội tâm nhờ trí thông minh. Tương tự, con người không thể trở về với chính mình và khao khát sự ngọt ngào nội tâm và niềm hoan lạc thiêng liêng, vì bị dục vọng lôi kéo. Hậu qua là họ không không nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trong chính cõi lòng của mình (x. Bonaventura, Sđd, tr 41).

Trải qua con đường thanh luyện nhờ các nhân đức Tin, Cây, Mến, linh hồn sẽ được thanh tẩy, được soi sáng và nên hòan hảo, nhờ thế “Hình ảnh Thiên Chúa được tái tạo và linh hồn nên phù hợp với Giêrusalem thiên quốc” ( Bonaventura, Sđd, tr 42). Con đường thanh luyện diễn ra như sau: Đức tin sẽ phục hồi thính giác và thị giác thiêng liêng, Đức cậy phục hồi thính giác thiêng liêng và Đức mến phục hồi vị giác và xúc giác thiêng liêng. Các giác quan thể xác khi phục hồi sẽ trở thành các giác quan thiêng liêng, nhờ đó, con người có thể lắng nghe lời dạy của Chúa Kitô, chiêm ngắm ánh sáng huy hòang của người, và ôm trọn Ngôi Lời nhập thể và đến với Người trong tình yêu ngây ngất (x. Bonaventura, Sđd, tr 43). Đến đây, sự cảm nghiệm của con tim sẽ lấn át việc vận dụng lý trí. Sau khi các giác quan thiêng liêng được phục hồi thì “Linh hồn thấy, nghe, ngửi, nếm và ôm được những gì là đẹp đẽ, du dương và ngọt ngào nhất”( Bonaventura, Sđd, tr 43). Vai trò của lý trí phải nhường chỗ cho ý chí của con người. Bỏ lại sự suy tư của lý trí, để “trọn tâm tư ước muốn phải được đưa về Thiên Chúa và được biến đổi trong Người” (Bonaventura, Sđd, tr 62).

2. Nhờ sự soi sáng của ân sủng.

Thiên Chúa là nguồn ánh sáng lan tỏa “chiếu xuống trên tâm hồn chúng ta như những tia sáng”, giúp con người tự mình có thể tìm đường về với Thiên Chúa là nguồn ánh sáng thật, càng đến gần ánh sáng thì ánh sáng càng tỏa rạng làm thay đổi tâm hồn chúng ta: “Thấy được ánh sáng làm cho kẻ khôn ngoan phải ngây nhất ngưỡng mộ”( Bonaventura, Sđd, tr 40). Sự khao khát ước muốn, dẫn chúng ta đến những thay đổi và hành động theo tiếng lương tâm. Hành động này giúp chúng ta hiểu biết Đức Kitô chịu đóng đinh và tiến tới việc: tin vào Đức Kitô, trông cậy vào Người, yêu mến Người và nên đồng hình đồng dạng với Người. Nhờ đó, Đức Kitô vừa là ánh sáng soi chiếu cho chúng ta thấy các vẽ đẹp hài hoà của Thiên Chúa, vừa là phương tiện truyền thông các vẽ đẹp hoàn hảo ấy cho chúng ta. Đồng thời, Người cũng là tấm gương, trong đó chúng ta soi mình, biết mình để sửa đổi và trở nên giống Người; và nhờ ánh sáng của Người soi dẫn, chúng ta mới có thể đi vào trong sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa.

IV. KẾT LUẬN.

Từ việc tìm hiểu tư tưởng triết học của thánh Bonaventura, chúng ta đi đến kết luận rằng: Tư tưởng triết học của Bonavetura bàng bạc trong các tác phẩm thần học của ngài. Việc ta “lục lọi” trong các tác phẩm đó để tìm kiếm những “viên ngọc ẩn dấu” là một việc làm khó khăn không chỉ riêng ai, vì sự tinh tế và súc tích của ngài làm cho các bản văn trở nên quá cô đọng. Nhưng càng tìm kiếm chúng ta càng khâm phục sự nhuần nhuyễn của vị thánh tiến sĩ chí ái khi ngài tổng hợp các tư tưởng triết học trước đó, để tạo thành một phong cách riêng cho mình. Một tác giả đã nhận định rất hay về ngài rằng:

“Thật vậy, học thuyết thánh Bonaventura mang một đặc điểm tinh thần riêng và tiến theo những con đường mà nó đã chọn một cách ý thức để đạt tới một mục đích hoàn toàn chính xác. Đó là tình yêu Thiên Chúa, và những con đường đưa tới tình yêu ấy là thần học. Triết học phải giúp ta thể hiện được ý định của mình. Tuy đã theo dấu chân những người đi trước và tán thành một cách tự nguyện học thuyết của các bậc thầy mình…Bonaventura không ngần ngại đón nhận từ những học thuyết mới tất cả những gì giúp ngài bổ túc cho tư tưởng mình” ( Etienne Gilson, Sđd, tr 8).

Mục đích của con đường triết học của Bonaventura không nhắm tới một kiến thức uyên thâm theo sự hiểu biết thuần lý trí, nhưng làm phong phú sự hiểu biết và mộ mến của con tim, nhằm giúp cho con người tìm đến với Chân Lý Tuyệt Đối, chính nơi đó con người tìm được Bình An và Thiện Hảo. Đây là một bài học quí báu cho người viết trong hành trình khắc khoải tìm kiếm hạnh phúc đích thực của đời mình. Theo đó:

“Học thuyết của Bônaventura dạy cho biết bằng cách nào con người hướng về Thiên Chúa qua các sự vật khác, …tất cả nền triết học của ngài đều chỉ cho thấy một vũ trụ mà mỗi sự vật trong đó đều nói với ta về Thiên Chúa, đều trình bày Người cho ta theo cách thức của nó và mời gọi ta quay về với người” ( Etienne Gilson, Sđd, tr 8).

Trong niềm tin Kitô giáo, đời sống của chúng ta là một cuộc hành trình về với Thiên Chúa, nếu được thấm nhuần tư tưởng của thánh Bonaventura thì thế giới khả giác, sự rung nhịp của con tim và sự soi sáng của ân sủng là phương tiện dẫn ta đến mục tiêu ấy.

Quang Huyền, OFM

No comments:

Post a Comment