Wednesday, September 28, 2011

Sách Tự Thú của Thánh Augustine

§ Lm Ngô Tường Dzũng

Sách Tự Thú của Thánh Augustinô (The Confessions of St. Augustine)

clip_image001

Lời Giới Thiệu
1. Thời niên thiếu
2. Vật lộn với chân lý
3. Thời gian quyết định ở Milan
4. Làm bạn với Alipius
5. Giây phút của sự thực
6. Tin và đau khổ
7. Thầy dậy và nhà giảng thuyết

Lời Giới Thiệu

Năm 354, trong thành phố nhỏ tên Tagaste, nay là Souk-Ahras trong nước Algérie ngày nay, lúc đó thuộc tỉnh Numidia trong đế quốc Roma, một nhân vật danh tiếng trong lịch sử Kitô giáo ra đời. Tên ngài là Augustin thành Hippo. Dù không phải là người công giáo ngay từ lúc mới sinh ra, ngài đã lãnh phép rửa tội vào năm ngoài 30, và làm linh mục, giám mục, thần học gia có ảnh hưởng lớn lao và thành lập tu viện Augustin.

Giáo hội công giáo luôn công nhận tầm quan trọng của thánh Augustin và phái tin lành như Luther cũng chịu ảnh hưởng của ngài trong việc học hỏi thánh kinh cũng như thần học. Thánh Augustin chết tại Hippo nơi ngài làm giám mục trong khi quân Vandals bao vây thành phố năm 430.

Dù cho thánh nhân là học giả Kitô giáo lớn lao, nhưng cuộc sống và hoàn cảnh cuộc sống của ngài trong thế giới La Mã thế kỷ thứ 4 không có gì xa lạ với tư tưởng thần học và khoa học hiện đại. Tuy nhiên thánh Augustin vẫn hiện đại và hợp thời, vì con người trong thời đại nào hay thuộc nền văn hoá nào đều đặt ra những vấn đề như nhau và cùng vật lộn với những nỗi khó khăn như nhau, vì đó là con người. Câu chuyện cuộc đời thánh Augustin được thành thực kể lại trong sách Tự Thú sẽ cho ta thấy ngài giống chúng ta.

Thực ra những vấn đề thần học làm cho thánh Augustin phải băn khoăn thì cũng làm cho chúng ta phải thao thức. Khi còn trẻ ngài theo phái Mani. Trong thời gian mấy năm trời ngài chủ trương thế giới có hai lực lượng tốt và xấu tranh dành nhau. Phái này không quan niệm Chúa là một nhân vị lại càng không thể chấp nhận việc Thiên Chúa làm người nơi Chúa Giêsu. Ngài lưu ý tới ý nghĩ về thiên Chúa và mối liên hệ với vũ trụ vật chất. Ngài cũng lưu tâm vấn đề nguồn gốc sự dữ mà phái Manichee không thể giải đáp thoả đáng. Phái này tin vào thuyết nhị nguyên nghĩa là có hai lực lượng tốt và xấu tranh chấp trong con người và vũ trụ. Augustin nhìn vào lòng mình và cũng đặt câu hỏi như thánh Phaolô: "Ai cứu tôi khỏi thân xác hay chết này". Ngài luôn chiến đấu để giữ mình trong sạch nhưng luôn thất bại và cảm thấy bất lực không thể cải thiện.

Tuy nhiên trong sách Tự Thú của ngài chúng ta thấy có những vấn đề hiện đại. Augustin sống trong một xã hội tôn thờ nhà nước và sự thành công. Ðôi khi coi võ lực như là một quyến rũ một việc giải trí. Coi trọng thể thao và coi nhẹ tinh thần. Trong kinh nghiệm của Augustin cũng có bạo động băng đảng, dục tình khai phóng, quá coi trọng dư luận quần chúng, không muốn chủ trương theo thiểu số những vấn đề về nguyên tắc luân lý, mê bói toán, và coi thường phụ nữ. Khi ta đọc sách của Ngài, ta thấy được con người và thấy ngài giống ta. Chúng ta cũng phải đương đầu với hầu hết những vấn đề luân lý ngài phải đương đầu. Những cơn cám dỗ mà ngài chịu thua hay thường nhượng bộ thì cũng đã đánh gục chúng ta. Về vấn đề con người thực ra không có gì mới dưới ánh sáng mặt trời.

Nhưng cuộc hành trình tâm linh của ngài mới là cuộc hành trình của mỗi người chúng ta. Ngài đã không được sửa soạn cho một thế giới Kitô giáo. Ngài muốn mọi sự đều hoàn hảo nên ngài muốn biết Chúa. Chúng ta cũng đi theo ngài trên con đường khúc khủyu và đau đớn. Dần dà không còn lối thoát. Và trong nhiều năm ngài đã không thể mở lòng cho những đòi hỏi luân lý và tinh thần của phúc âm. Là một nhà tưởng ngài cho rằng chướng ngại thứ nhất thuộc lãnh vực lý trí. Sau cùng trong khu vườn tại Ý ngài đã tìm ra ngăn trở chính là luân lý và ý chí. Không thể nào hiểu hoàn toàn về đức tin, chỉ là phó thác trọn vẹn và sẵn sàng dứt khoát với tội lỗi.

Giáo hội trong thế kỷ thứ 4 đang ở ngã ba đường. Sau thời sơ khai và cơn bắt đạo dữ dằn, đạo công giáo đã có mặt hầu hết trong đế quốc Roma. Thánh giá đã mang lại nhiều chiến thắng nhất là cuộc trở lại của hoàng đế Constantine. Nhưng chiến thắng cũng mang theo hậu quả. Giáo hội bị lệ thuộc nhà nước.

Giáo hội vẫn có kẻ thù và kẻ thù còn ghê gớm hơn. Giai cấp trưởng giả Roma đã quay về với tôn giáo ngoại đạo. Nhiều lạc phái nổi lên như phe Ario chối bỏ sự nhập thể của Chúa Giêsu và phái Manichee. Dù sao làm một người công giáo không nhượng bộ không phải là chuyện dễ dàng và lúc nào cũng thế.

Nhưng giáo hội hiện hữu, có của cải và quyền lực cũng như ảnh hưởng. Thay vì thi hành lời Chúa rao giảng cho muôn dân giáo hội quay về những vấn đề nội bộ với nhiều sai lạc tôn giáo hay triết học. Giáo hội thời Augustine có quan điểm lạ lùng về phép rửa tội. Nhiều người cho rằng tội phạm sau khi rửa tội là tội không thể tha thứ. Do đó người ta chỉ rửa tội khi gần chết hay càng muộn càng tốt để tránh cho khỏi phạm tội sau khi đã được rửa tội. Chính Augustine không có quan niệm như thế và ngài đã có ảnh hưởng trong việc bãi bỏ quan niệm đó. Ngài và con trai được rửa tội cùng một lúc trong khi cha ruột của Ngài là Patricius chỉ được rửa tội khi gần chết.

Giáo hội thời đó đang bị giằng co bởi hai khuynh hướng, một đàng muốn giữ lại sự đơn sơ của phúc âm, thống hối, tin tưởng và phép rửa, đàng khác muốn có một giáo hội lớp lang có tổ chức có nghi thức và luật pháp khi đó những sứ điệp căn bản ban đầu có cơ bị lu mờ. Trong sách của Ngài cho ta thấy tình trạng đó. Và Ngài đã dành phần lớn thời gian cho việc đề cao tinh thần phúc âm nguyên tuyền. Giáo hội trong thời ấy cũng bị ảnh hưởng do tinh thần canh tân phát xuất từ Ai cập và chính Augustin cũng bị ảnh hưởng tinh thần đó. Ảnh hưởng lớn nhất đến từ thánh Phaolô và giám mục Milan, thánh Ambrosio cũng không bằng ảnh hưởng của bà mẹ là nữ thánh Monica. Sách tự thú là một bằng chứng về sự can đảm tính tình và niềm tin của người phụ nữ kỳ diệu này. Trong giai đoạn mà người phụ nữ bị coi như đồ chơi hay thuộc quyền sở hữu của chồng, bà luôn tin rằng con và chồng của bà sẽ có ngày lãnh nhận đức tin. Bà cầu nguyện và ăn chay, khóc lóc và lo lắng nhưng nhất là bà làm gương về cuộc sống Kitô hữu. Bà thầm lặng, tử tế và đơn sơ.

Augustin trở lại vào năm 386 khi làm giáo sư tu từ tại Milan. Nhà thờ thánh tích triết gia hay bạo chúa đều qua đi nhưng niềm tin mà Augustine tìm thấy vẫn tồn tại. Niềm tin là ơn sủng do Chúa ban. Có ơn sủng là qua niềm tin, điều này đã mạc khải cho Augustin cũng như cho Luther và Wesley. Ngài đã nuôi dưỡng niềm tin cũng bằng những bí tích chúng ta chịu ngày hôm nay. Ngài đọc thánh kinh, nhất là thánh vịnh và thư thánh Phaolô, khi mới trở lại. Ngài đã được rửa tội như chúng ta. Ngài cũng tìm kiếm cũng một ơn Thánh Thần như chúng ta. Ngài cũng mong ước và nhìn thấy sự trở lại của bạn hữu. Những dòng sau đây rút ra từ cuốn tự thú của thánh Augustin. Tuy nhiên được xếp đặt cho bạn đọc thời nay. Hi vọng bạn đọc nhất là những người trẻ tuổi tìm được nơi đây tiếng vọng của tâm hồn mình và qua đó tìm được con đường hạnh phúc.

Chương 1: Thời niên thiếu

Augustin lớn lên trong một thành phố miền Bắc phi thuộc đế quốc Roma. Cha ngài một công chức tên là Patricius lúc chết mới được rửa tội. Hình như Augustine không kính trọng cha mình cho lắm vì những điều nhắc đến cha trong cuốn tự thú đều là những lời chê bai. Tuy nhiên thánh nhân biết ơn ông vì như bao nhiêu cha mẹ Việt nam, muốn cho con có một nền giáo dục đầy đủ. Ngài học tại Madaura cách nhà 20 dặm và vì học giỏi nên được du học tại Cathage.

Trong chương này ta thấy Augustine trong thời gian chưa đi Carthage. Dĩ nhiên những biến cố này có tính cách hồi ức. Ðây là cảm nghĩ của vị giám mục lớn tuổi nghĩ về thời thơ ấu của mình . Vì thế có những bài giảng nho nhỏ chỉ cho thấy những sai lầm của tuổi thơ và những dại khờ của tuổi thanh xuân.

Có hai đặc điểm đáng lưu ý. Như những cậu mới lớn Augustin bị lo âu về hiện tượng dậy thì. Ngài không chấp nhận kiểu nói chơi của cha ngài và hình như coi như mẹ ngài cũng không để ý. Chúng ta cũng không biết trong thời ấy người ta nghĩ như thế nào. Nhưng có lẽ sự lo lắng về dục tình làm cho ngài luôn khắc khoải đã khởi đầu trong thời gian này.

Một điểm thứ hai là lương tâm nhậy bén của ngài. Chúng ta không nghĩ rằng đây là quan niệm của một người trung niên cho ta thấy cảnh một cậu bé 16 phải hối hận giày vò vì ăn trộm vài trái đào của người hàng xóm. Phần lớn bạn bè của cậu đã quên điều đó vào lúc cuối tuần. Nhưng ta thấy 27 năm sau Augustin còn hối hận về chuyện đó. Từ kinh nghiệm đó chúng ta có thể rút ra nhiều bài học cho độc giả ngày nay.

1. Ðam mê sai lạc của tuổi 16.

Khi tôi được 16, cuộc đời tôi đến một khúc quanh. Bạn bè tôi đã thấy tôi bị nguy hiểm trở thành kẻ vô luân, nhưng thay vì khuyến cáo tôi, hay nói về hôn nhân như một giải quyết hợp lý, thì họ chỉ lo cho tôi trở thành nhà hùng biện, giàu có và danh tiếng.

Cha tôi không giàu hay danh giá nhưng ông rất rộng rãi với tôi và trả tiền cho tôi du học tại Carthage. Tôi không phê bình ông và cũng không vô ơn vì nhiều cha mẹ giàu có hơn ông nhưng lại không làm gì cho con cả. Nhưng tôi phải nói là ông không lo gì cho cuộc sống luân lý của tôi cũng như việc không có niềm tin Kitô giáo của tôi. Không có gì là giá trị chỉ cần tôi trở thành con người có học. Thực là một ước vọng hão huyền.

Cha tôi biết tôi không còn là đứa nhỏ nữa. Như thế là ông có thể có cháu nội. Ông hãnh diện vì tôi thành đàn ông. Tôi nghe ông cười phở lở với mẹ tôi dù cho lúc đó ông đang say rượu.

Ðúng ra lúc đó ông đang học đạo. Nhưng mẹ tôi là người đạo dòng bà phải thấy nguy hiểm đó rất rõ ràng. Bà biết tôi chưa là một kitô hữu và lo lắng vì thấy cuộc sống tôi cứ như thế khó mà quay trở lại.

Bà thường bảo ban tôi và điều bà nói, bây giờ tôi biết rõ là chân lý của Chúa. Nhưng bà không cấm cản tôi một phần vì bà theo chồng và đàng khác bà cũng đặt hi vọng nơi tôi rất nhiều. Không hi vọng về cuộc sống tinh thần nhưng về danh tiếng trong đường học vấn. Cả hai thúc đẩy tôi theo học, cha tôi vì ông không nghĩ gì đến Chúa, còn mẹ tôi thì bà hi vọng tôi học giỏi sẽ tìm ra Chúa. Họ có những lý do lẫn lộn và những tham vọng ưu tiên sai lạc. Ðó chỉ là thứ tham muốn thường tình cho tôi, nhưng rất nguy hiểm vì đạt mục đích.

2. Tại sao ta phạm tội ?

Khi tôi được 16 tuổi bạn bè tôi và tôi thường rong chơi vào vườn bên cạnh có cây lê sai trái. Chúng tôi thường rung cây cho trái lê rơi xuống đất. Chúng tôi không thèm ăn mà ném cho lợn. Ðiều thích thú không phải là những trái lê đó mà chính là niềm vui vì đã lấy trộm. Thực là hình ảnh của tội nhân loại.

Không thể chối bỏ tội lỗi trong cuộc sống hàng ngày. Vàng bạc làm chói loà con mắt. Ðụng tới xác thịt con người thì ấm áp và thích thú. Ðược khen hay thi hành quyền bính trên kẻ khác cho chúng ta nhiều thoả mãn. Và không có gì là sai lạc tự nội tại trong khả năng của con người được sảng khoái.

Nhưng chúng con không được điều mang lại khoái lạc khi chúng con không thèm biết đến luật Chúa, Chúa ơi hay vi phạm luật đó. Tội sẽ phát sinh khi tìm kiếm cái tốt nhỏ bé nhưng coi như mục đích cuộc đời. Khi tìm kiếm tiền bạc, cảm tình hay quyền lực bằng phương pháp thái quá sẽ sinh ra tội lỗi.

Như thế khi ta hỏi mình tại sao trong trường hợp đó, chúng ta phạm tội thì có hai câu trả lời. Hoặc là chúng ta muốn được cái không có hay ta sợ mất cái ta có. Chẳng hạn khi giết người. Một ngừơi giết người khác. Có phải vì muốn đoạt vợ hay điều gì khác mà họ có và họ sửa soạn để có ? Hay họ sợ người khác đoạt vợ hay của cải và địa vị của họ.

Tôi giả thiết còn thêm lý do để trả thù nữa. Chúng ta không thể tin là người đó giết chỉ vì khoái giết. Chúng ta giết có lý do quan trọng. Phần lớn có liên quan đến khoái lạc thế tục, vẻ đẹp của vàng bạc, danh dự hay tình trạng trước mắt thế gian, khoái lạc khi va chạm xác thịt, niềm vui làm bạn với con người và những liên hệ của cải.

Những cái đó mang lại khoái lạc và có vài điều tốt lành, có thể hoàn toàn tốt lành nếu được nó không vi phạm ý Chúa hay luật ngài. Nhưng theo đuổi chúng chỉ vì chúng là tà dâm tinh thần : tìm chính khoái lạc cho mình, buông thả cho mình, và xa cách Thiên Chúa. Hãy lấy vài thí dụ. Kiêu ngạo lo làm cho ta lên đỉnh cao. Nhưng trên đỉnh cao không còn chỗ trống. Có Chúa ở đó và Chúa rất tối cao. Tham vọng dẫn ta tìm quyền lực và vinh quang nhưng vinh quang quyền lực là của Chúa, Chúa ơi. Những người lăng loàn tìm trong vô vọng tình yêu đáp trả nhưng không thể tìm thấy tình yêu Thiên Chúa được trao ban tự do và không có điều kiện.

Có người tìm sự đơn sơ và vô tội (tuy nhiều khi cái họ kiếm tìm chính là dốt nát ngu muội) Tuy nhiên không có gì đơn giản bằng Chúa cũng không ai vô tội như Chúa luôn chống lại sự dữ. Người lười tìm nghỉ ngơi nhưng chỉ có nghỉ ngơi thực trong Chúa. Có người luôn tìm kiếm khoái lạc trong kinh nghiệm cảm giác nhưng chỉ có khi ở bên phải ngài mới có khoái lạc vĩnh cửu. Lòng ta khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên bên Chúa. Chúng ta thường lẫn lộn quảng đại với phung phá nhưng Chúa là Ðấng rất quảng đại lại không phung phí gì cả. Ta mong có của nhưng Chúa đã có mọi sự. Chúng ta buồn vì đánh mất cái ta ưa thích. Ta quên là chỉ trong cõi vĩnh cửu mọi sự mới thuộc về ta mãi mãi.

Nói cách khác, tội xuất hiện khi ta có một khát khao tự nhiên hay ao ước hay tham vọng và cố gắng trong vô vọng thoả mãn không cần Chúa. Không những đó là tội nhưng còn làm sai lạc hình ảnh Chúa trong ta. Tất cả những điều tốt lành đó và mọi sự yên ổn của ta chỉ có thể tìm thấy chính đáng và hoàn hảo nơi Ngài.

3. Chúa thương ta hai lần

Làm sao người khác có thể làm chuyện tôi đã làm: thích thuú vì điều sai quấy chỉ vì nó sai quấy? Tôi ăn trộm trái lê mà tôi không thích nhưng tôi thích thú vì hành động ăn trộm. Lạy Chúa con cám ơn Chúa vì đã tha thứ cho mọi hành vi xấu của con.

Và con cám ơn Chúa vì lòng nhân từ và ơn sủng đã gìn giữ con khỏi những tội xấu xa hơn vì chắc chắn người phạm tội nhẹ có thể phạm những tội còn lớn lao hơn là ăn trộm vài trái lê, không chỉ muốn những hậu quả tội lỗi mà còn chỉ khoái trá vì đã phạm tội. Vì thế con tạ ơn Chúa đã tha tội cho con, những tội con đã phạm mà vì cả những tội con có thể phạm mà nhờ Chúa giúp con đã không phạm.

Làm sao con người có thể tự hào là do sức mạnh tinh thần của mình mà họ có thể trong sạch và vô tội? Sao họ không ý thức sự yếu đuối nội tâm và họ yếu đuối biết bao trước cơn cám dỗ? Trong mọi trường hợp, kết quả của sự tự tín đó là họ không biết ơn Chúa. Họ yêu Chúa ít vì họ không biết Chúa yêu họ như thế nào. Chúa không chỉ tha thứ tội lỗi mà còn giải thoát họ khỏi tội. Cả hai hành động cho thấy Chúa thương họ. Thương người làm quấy và cũng thương người có thể làm quấy nhưng nhờ ơn Chúa họ không làm.

4. Bạn bè xấu

Nghĩ lại tôi thấy không bao giờ tôi ăn trộm trái lê nếu chỉ có mình tôi. Tôi thực sự sướng run lên khi ăn trộm nhưng còn thích thú vì cả nhóm bị kích thích. Tôi không tin mình có thể ăn trộm trái cây nhưng vì bè bạn tôi đã làm chuyện ấy.

Tôi không nói mình không có khả năng phạm tội do chính mình, nhưng trong trường hợp này, không có thoả mãn hay phần thưởng cá nhân, và như thế không có lý do thúc đẩy cá nhân. Như tôi đã nói tôi không thích trái lê.

Vậy tại sao có bạn bè lại làm cho ứơc ao có hành động ấy? Không phải tôi ưa thích bạn bè cách đặc biệt hay vui thích khi có họ. Nhưng cùng làm thì thú vị lắm. Chúng tôi cười ngả nghiêng và tưởng tượng ra cái cảnh chủ nhân sẽ nói gì khi thấy như thế. Chúng tôi cùng tự hào về phương pháp chúng tôi làm hay hơn và đi khỏi với kỳ công đó.

Những chuyện đó không xảy ra cho chúng tôi vì chúng tôi. Chúng tôi không cười nhiều vì chúng tôi hay tự hào vì chúng tôi. Nhưng khi lũ nhãi ở với nhau điều thích thú trước nhất sẽ dễ trở thành điều tàn ác, quá đáng hay xấu xa. Không có lý do hay động lực nào hơn là sợ khác người, sợ cô độc, hay bị coi là hèn nhát. Chúng tôi xấu hổ vì mình không có gì phải mắc cỡ.

Một lần nữa, đây là hình ảnh cho thấy bản tính nhân loại sa ngã, vì tình bạn hay sự thân ái, là hồng ân của Chúa, có thể dễ dàng trở nên xấu xa. Như thế tình bạn có thể quyến rũ ta và lôi kéo ta sai lạc.

Còn lạy Chúa người làm bạn với Chúa sẽ cảm thấy niềm vui. Làm bạn với Chúa sẽ có thoả mãn an ninh và hạnh phúc. Còn không làm bạn với Chúa, như tôi đã khám phá ra trong những ngày xa xưa tăm tối, cuộc sống chỉ là sa mạc khốn khổ.

Chương 2: Vật lộn với chân lý

§ Lm Ngô Tường Dzũng

(tiếp theo... Sách Tự Thú của Thánh Augustinô)

Chương này kể lại giai đoạn quan trọng trong cuộc đời Augustin, những năm học ở Carthage. Tại đây qua những tác phẩm của Cicero ngài học biết là việc theo đuổi sự khôn ngoan quan trọng hơn uy tín hay của cải vật chất. Ý nghĩ này không bao giờ rời xa ngài, và thực sự đã trở thành căn bản cho việc tìm kiếm chân thành chân lý trong suốt cuộc đời ngài.

Nhưng cũng tại Carthage, khi chỉ mới có 17 tuổi, Augustin có người yêu. Một năm sau cô này mang thai và sinh ra người con tên là Adeodatus. Từ đó, dù cho đôi khi ngài khinh bỉ mình về chuyện đó, ngài thấy mình không có thể sống không có bồ. Ngài trung thành với người yêu đầu đời này trong vòng 15 năm dù sau này khi định lập gia đình ngài chọn cô khác. Sự yếu đuối này theo ngài là gánh nặng thường xuyên cho Ngài và đôi khi là chướng ngại cho việc trở lại. Augustin làm thày giáo một thời gian ngắn trong thành phố quê hương khi một người bạn chết gây cho ngài một ấn tượng mãnh liệt. Rồi khi có "job" thơm tại Roma, ngài đã sống nhiều năm sôi động với một nhóm bạn bè tại đây. Họ coi mình như những người tìm kiếm chân lý nhưng theo ngài "họ không cho rằng trí khôn của họ là món quà của Chúa".

Phái Manicheism Augustin theo một thời gian chỉ là Kitô giáp thoái hoá bác bỏ mọi ý niệm về Thiên Chúa hiện diện trong vật chất hay con người. Như thế Augustin coi việc nhập thể, với hình ảnh Thiên Chúa mang lấy thân xác con người nơi Chúa Giêsu, ngôi lời nhập thể, là một chuyện hoàn toàn không thể chấp nhận được. Manicheism chỉ là một trong các lạc giáo trong thời đó, và khi Monica cầu nguyện cho Augustin tìm thấy mái ấm trong giáo hội công giáo, bà nghĩ là giáo hội này vẫn trung thành với giáo huấn các tông đồ, chính thống, giáo hội của kinh thánh luôn đứng vững trước những tư tưởng lạ kỳ hay chóng qua.

Cuối chương ta thấy Augustin bước thêm một bước: đoạn tuyệt phái Manicheism. Rồi có job mới quan trọng ở Milan ngài bị ảnh hưởng của giám mục Ambrose và quyết định học đạo.

5. Chân lý quan trọng

Khi tôi học tu từ ở Carthage tôi đọc cuốn sách của triết gia Cicero. Tôi đọc cuốn ấy vì người ta cho rằng văn chải chuốt và lý luận có tính cách thuyết phục và tôi đang muốn có những tài năng đó. Ðiều tôi không ngờ là ảnh hưởng của cuốn sách này trong cuộc đời tôi. Tôi phải nói không phóng đại là cuốn sách đã thay đổi toàn thể thái độ của tôi về cuộc sống.

Cuốn sách nhan đề Hortensius và thực sự là lời kêu gọi độc giả yêu mến sự khôn ngoan hay điều mà người hi lạp gọi là "philosophia". Hậu quả của cuốn sách thực bi thương cho tôi vì kích thích những khát vọng tôi chưa hề có bao giờ. Tôi thấy sự hùng biện, nói như thế nào, không quan trọng bằng chân lý, điều ta nói. Nói cách khác cách nói là phụ thuộc điều ta nói mới là chính yếu.

Cicero đã cho tôi lòng khao khát mạnh mẽ bỏ đi những sự vật vật chất hay thế tục để theo đuổi sự khôn ngoan. Tiếng hi lạp Philosophia có nghĩa là yêu mến sự khôn ngoan và tôi bị lay chuyển, ngay cả bị thiêu đốt, không phải về những sự tin tưởng này kia, nhưng vì tình yêu tìm kiếm khám phá ra và giữ vững chân lý dù chân lý như thế nào.

Lúc đó tôi được 19 tuổi và mẹ tôi chu cấp tiền nong, cha tôi đã qua đời trước đó hai năm. Mẹ tôi mua cho tôi tài hùng biện nhưng Cicero thuyết phục tôi có điều còn quan trọng hơn văn thể. Lúc đó tôi bắt đầu vươn lên ra khỏi vực thẳm tôi đã rớt xuống. Tôi chưa biết thư của thánh Phaolô hay kinh thánh, với lời cảnh cáo đừng để cho triết lý sai lạc phỉnh phờ chỉ theo truyền thống của nhân loại, nhưng Cicero cảnh cáo rằng có những thứ vô luân lý được mặc bằng những lý luận phỉnh phờ và kêu vang và cũng có tên là triết lý.

Chỉ có một điều làm tôi cẩn trọng không theo Cicero hoàn toàn: ông không nói gì về Chúa Kitô. Dù tôi chưa có đức tin nhưng tôi đã bú sữa mẹ với thánh danh đó.Tên ngài ăn sâu vào tâm tưởng tôi nên tôi không bao giờ hoàn toàn bị khuất phục với luận cứ nào dù bác học và hùng biện cách mấy, nếu không dành cho Chúa Kitô một chỗ trong cuộc tranh luận.

Hậu quả của việc đọc sách người không công giáo này làm tôi quyết định đọc thánh kinh để xem sách này như thế nào và có thể giúp cho tôi tìm ra sự khôn ngoan hay không? Lúc đó tôi rất tự hào về việc đó. Thánh kinh là cuốn sách dành cho những kẻ khiêm nhượng tuân phục những mầu nhiệm sâu xa của Chúa. Còn tôi thì đến với thánh kinh với việc phê bình và kết luận rằng thánh kinh không thể so sánh với Cicero về ngôn ngữ hay ý tưởng siêu việt.

Tôi đâu có biết thánh kinh không tỏ lộ mầu nhiệm cho những con mắt kiêu ngạo. Sự kiêu căng của tôi từ chối hạ mình. Tôi không nghĩ rằng Kinh thánh lớn lên với trẻ nhỏ từng bước, và tiến lên theo từng giai đoạn. Chân lý đơn giản cho người đơn sơ, chân lý sâu xa cho người trưởng thành. Tôi chắc chắn mình đã trưởng thành nên tôi đã mất mát.

6. Giấc mơ của mẹ

Khi còn trẻ từ chối niềm tin của mẹ và làm thất vọng cho lời cầu nguyện của bà, Chúa đã cho mẹ tôi một thị kiến. Xảy ra trong lúc mẹ tôi đang rất lo lắng về tôi, mẹ khóc cho tôi còn hơn bà mẹ mất đứa con một. Theo mẹ tôi đã chết, chết vì không tin, chết về tinh thần. Kết quả là bà không thể đem tôi ngồi cùng bàn ăn với bà hay về nhà. Bà không chịu nổi những câu nói lộng ngôn của tôi hay những sự đả phá của tôi.

Rồi trong một giấc mơ bà có một thị kiến. Bà thấy mình đang đứng trên sàn gỗ. Một thanh niên có thể là một thiên thần đến với bà. Bà đang lo lắng cùng cực về tôi; còn chàng trai có vẻ thân tình và tích cực. Anh ta hỏi bà có chuyện gì và bà cho hay mình đang lo lắng cho đứa con đang tiêu huỷ cuộc đời khi từ chối Thiên Chúa. Câu trả lời của chàng trai làm bà ngạc nhiên. Chàng đề nghị cho bà khỏi lo lắng nên quay lại và nhìn xem tôi đứng chỗ nào. Bà làm thế và sửng sốt thấy tôi đang đứng cạnh bà. Thiên thần chỉ cho thấy bà ở đâu tôi cũng ở đó. Bà coi lời nói của chàng trai như một bảo đảm trực tiếp từ Thiên Chúa là ngài đã nghe lời bà cầu xin cho tôi và mọi sự sẽ tốt đẹp.

Tôi tin là Chúa soi sáng cho bà trả lời cho tôi khi tôi bi quan giải thích giấc mơ. Tôi nói là như thế là một ngày kia bà cũng sẽ có tôn giáo như tôi dù cho là tôn giáo nào. Bà liền trả lời ngay: "Không, mẹ không nghe nói "anh ta ở đâu bà ở đó" nhưng "bà ở đâu anh ta sẽ ở đó".

Câu trả lời đó gây ấn tượng rất sâu xa cho tôi trong thời gian đó và tôi thường nhớ lại trong thời gian chín năm sau đó khi tôi đang đi trên con đường tăm tối của sai lầm và vô tín. Trong khi đó người phụ nữ đạo đức và trung thành tiếp tục cầu nguyện cho tôi, với nhiều lạc quan hơn, tuy cũng còn nhiều đau khổ và khóc lóc vì cuộc sống của tôi.Và lời cầu của mẹ tôi đã được nhận lời và một hôm tôi đã đứng tại chỗ bà đứng sau 9 năm phản loạn.

7. Giã từ thiên văn

Trong thời gian học tu từ tôi đi thi làm thơ. Trước khi thi tôi được một thày bói hỏi tôi trả ông ta bao nhiêu để ông thu xếp cho tôi thắng giải. Tôi thường ghét khoa học huyền bí nhất là việc giết con vật để xin ơn thần minh.

Tôi trả lời cho ông nói rằng nếu giá cả là vàng ròng và bất tử tôi cũng không đồng ý cho một con ruồi phải chết dù cho để tôi được giải. Dĩ nhiên tôi không có quan điểm theo Kitô giáo. Khác hẳn thế tôi lại là người chúa mê tín như những người theo khoa vô hình. Ðiều này đúng vì tôi theo khoa thiên văn. Tôi nghĩ rằng khoa này tốt hơn vì không phải cúng tế súc vật hay cầu nguyện với thần linh. Ðiều tôi không thấy là tại sao khoa thiên văn có liên quan đến căn bản trách nhiệm của con người. Chẳng hạn như nói "không phải lỗi tại tôi, do ngôi sao quyết định" hay Sao Venus, Saturn hay Mars đã định như thế, không phải do yếu đuối hay tội lỗi" Làm cho tôi chỉ là thịt và máu và hãnh diện vì sự hư hỏng không còn tội lỗi gì. Ðấng tạo dựng trời và tinh tú bị trách cứ trong bất cứ việc gì tôi làm. Và ai là Ðấng Tạo hoá đó nếu không phải là Chúa, trung tâm và nguồn gốc cho sự công chính?

Tuy nhiên trong thời gian đó tôi gặp một thày thuốc tên là Vindiciamus và tôi cảm phục ông. Lúc đó ông là tổng lãnh sự và trong khi còn tại chức ông trao giải thưởng cho tôi, đặt vòng thiên tuế trên đầu tôi. Chắc chắn đầu óc tôi cần một bác sĩ lưu ý, tuy ông không biết lúc đó.

Dù sao Chúa cũng dùng ông già đó kéo tôi ra khỏi tình trạng tự huỷ diệt. Ông nói chuyện có duyên. Ông không dùng một lời nào thừa thãi cả và có lương tri sống động quân bình cái trọng cái khinh cách hoàn hảo.

Khi ông thấy tôi mê tử vi ông khuyên tôi vứt lá số đi. Ông cho hay tôi nên dùng thời giờ cho những chuyện nên làm hơn là cho những chuyện vớ vẩn.

Ông kể cho tôi về kinh nghiệm của ông. Khi còn trẻ ông tính theo nghề tử vi. Ông học sách Hippocrates làm cho khoa tử vi thành giản dị. Tuy nhiên sau đó ông bỏ hoàn toàn và học y khoa. Lý do của ông rất đơn giản. Ông thích nghĩ mình là người lương thiện và như thế không muốn làm tiền bằng lọc lừa. Ông khám phá ra khoa tử vi luôn đánh lừa. Theo ông nói khoa này hoàn toàn bá láp.

Ông khuyên tôi bỏ khoa tử vi. Ông lý luận: "Nhất là tu từ là nghề của cậu và cậu có thể sống nhờ nghề đó. Cậu không nên thực hành nghề chuyên lừa lọc này; chỉ là thú tiêu khiển thôi. Hãy nghe lời người đã học nghề đó kỹ lưỡng, sống bằng nghề đó mà cũng phải bỏ như tôi."

Tôi chú ý đến sự lưu tâm của ông nhưng còn muốn biết tại sao khoa này sai lầm mà nói trúng thế. Ông nói đó chỉ là may ăn may vớ cũng vô lý như bói Kiều. Ðôi khi câu thơ có thể áp dụng, nhưng chung chung thôi. Nhưng chỉ là may rủi vì thi sĩ đâu có muốn hướng dẫn ta.

. Tôi Lúc đó Vindicianus không thuyết phục nổi tôi còn bị mê hoặc vì bao nhân vật thời danh sáng láng xem tử vi. Tôi thấy khó mà tin khoa này dựa trên sự may rủi. Nhưng ông đã gieo mầm mống hoài nghi trong lòng tôi.

Ít lâu sau tôi mới xác tín là Vindicianus và người bạn khác là ông Nebridius cả hai đều hoài nghi về giá trị khoa tử vi là đúng. Những trường hợp làm cho tôi kết luận như thế thật kỳ lạ.

Tôi có người bạn thân tên là Firminus đến giúp tôi. Anh muốn làm ăn khá giả và xin tôi chấm sao cho anh. Cũng như tôi anh đang học nghề tự do và tu từ, và cũng như tôi anh say mê tử vi nhưng cũng hơi nghi ngờ về khoa này.

Tôi đồng ý chấm sao cho anh nhưng thêm rằng tôi không còn tin là chính xác nữa. Anh mới kể cho tôi nghe câu chuyện của cha anh. Nhiều năm trước cha anh và người bạn học tử vi rất nghiêm túc. Họ cẩn thận đến nỗi luôn có mặt khi có ai sinh ra trong nhà để ghi chú giờ đúng và so sánh với lá số.

Khi mẹ Firminus có thai ông bạn của cha ông cho hay một đứa nô lệ gái cũng có thai. Họ quyết định theo dõi hai đứa trẻ sắp sinh ra rất cẩn thận, và so sánh hai lá số.

Hai đứa nhỏ sinh ra trong cùng một giờ tuy ở hai nhà khác nhau. Cả hai đều là con trai và một đứa tên là Firminus, bạn tôi sau này. Nhưng anh biết trong một thành phố xa khác có một chàng trai cùng tuổi cũng một lá số nhưng đang sống một cuộc sống khác hẳn.

Ðiều này làm Firminus khó chịu. Tại sao nếu hai đứa cùng sinh ra cùng một lá số mà có cuộc sống khác nhau như thế? Anh ta giàu có, có văn hoá, thành công, còn anh kia vẫn là nô lệ, nghèo khó, không được ăn học, và phải chật vật trong cuộc sống.

Nhưng tôi cho anh hay, tình trạng rất phức tạp. Ở đây chúng ta đoán xem anh ta có được công việc mong ước hay không. Nhưng tại sao lá số cho anh được mà lại không cho anh chàng nô lệ kia không được? Nếu có gì hữu lý trong khoa tử vi thì hai anh chàng phải có cuộc sống giống nhau, trái lại cuộc sống họ hoàn toàn khác nhau.

Kết quả thực rõ ràng. Khi tôi chấm sao cho Firminus tôi không thể cho anh lá số khác với tên nô lệ có cùng lá số và nếu khoa học này đúng thì, có cùng lá số tại sao đúng cho anh ta và sai cho tên nô lệ.

Ðiều này làm cho tôi nghĩ đến những người sinh đôi, cùng sinh trong một cung sao nhất là về Esau và Giacob trong sách Sáng thế, tại sao tính khí và định mệnh khác nhau như thế. Chúng tôi kết luận là tất cả đều vô lý.

Lạy Chúa, chắc hẳn, chỉ có chân lý trong tay Chúa. Không ai có thể nói "điều gì sẽ xảy ra?" Trong sự khôn ngoan tuyệt diệu của Chúa,Chúa quyết định kết quả cho những biến cố và định mệnh cho mỗi cá nhân.

8. Giọt lệ đắng cay

Trong thời gian dậy học tại tỉnh nhà, tôi có người bạn thân. Chúng tôi biết nhau hồi còn trẻ rồi qua trung học và đại học với nhau. Chúng tôi cùng học và cùng chơi, thú vị vì làm bạn với nhau và thách thức nhau trong thái độ hay suy nghĩ.

Dù bạn tôi là Kitô hữu từ nhỏ tôi làm cho anh ta bỏ đạo và rất thú vị về việc đó. Chúng tôi cùng sung sướng với nhau vì không tin gì. Tuy nhiên, đường lối Chúa như thế, tình bạn của chúng tôi bị thử thách. Anh bị lây bệnh và nóng lạnh cho đến khi bất tỉnh. Bác sĩ nói anh không thể khỏi bệnh được.

Lúc đó dù anh không ý thức anh được rửa tội. Thân nhân cho rằng anh đã muốn được rửa tội trong niềm tin thời thơ ấu. Theo tôi đó là chuyện vô nghĩa. Nếu tôi đã thuyết phục anh không tin gì thì việc xối nước trên anh đâu có ý nghĩa gì.

Tuy nhiên sự thực khác hẳn. Anh tỉnh lại và khoẻ hẳn nên có thể tranh luận với tôi về điều đã xảy ra và cảm nghĩ của anh về chuyện đó. Khi có dịp nói với anh tôi mạnh mẽ nhạo báng phép rửa tội anh lãnh nhận mà người ta cho là anh đồng ý. Nhưng tôi rất ngạc nhiên khi nghe anh nói là tôi không nên nói thế nếu muốn còn là bạn của anh. Thế là tôi không nói nữa hi vọng khi anh khoẻ hẳn tôi sẽ có dịp nói với anh về chuyện vô nghĩa trên.

Tuy nhiên không phải như thế. Ít ngày sau anh ta sốt trở lại và qua đời.

Tôi ngạc nhiên vì thái độ của tôi. Lòng tôi tăm tối và mọi sự tôi thấy hình như giơ ra bộ mặt đen tối của thần chết. Mọi điều chúng tôi cùng hưởng trở nên sự hành hạ, khi anh không còn đó chung hưởng với tôi. Tôi không thể nói gì với mình về niềm hi vọng vào Chúa. Tôi chỉ biết khóc cho vơi sầu, và lệ sầu không ngưng. Lệ chua xót nhưng cũng là một lời tạ lỗi và cầu nguyện.

Mọi sự nhắc nhở tôi về anh: nơi chúng tôi cùng đi, sân chơi, phòng hoà nhạc,sách vở, bữa ăn, ngay cả khi chơi gái. Tôi vẫn còn mãi cảm nghĩ mất mát. Tôi không thể trốn chạy chính mình nên đành làm điều tốt nhất.Tôi rời Tagaste đi Carthage. Tại đây, chắc chắn thời gian là liều thuốc nhiệm mầu xoa dịu cảm giác và an ủi tinh thần.

Khi hết buồn tôi có thể nhìn lại kinh nghiệm. Tại sao tôi đau đớn nhiều? Tại vì tôi đã nhỏ lệ cho chiếc giường cát đã yêu một người mà ngày nào đó sẽ chết nhưng coi như họ bất tử. Ðiều tôi học hỏi sau này còn quan trọng hơn. Con người hạnh phúc đó là người đã yêu Chúa, lạy Chúa. Chúa bất tử và không thay đổi, anh đã yêu bạn bè chỉ trong Chúa và yêu kẻ thù vì Chúa.

9. Chúa của vẻ đẹp

Tâm hồn con người hướng về đâu nếu không phải về Chúa nếu không sẽ chỉ đớn đau. Ðây là chân lý ngay khi cả họ dính bén với những vẻ đẹp nhất Chúa đã dựng lên như cây cối, bông hoa, lá cây hay mầm cây. Mọi sự đều có mùa thu và mùa xuân: mùa xuân khi nở rộ hoàn hảo và mùa thu khi héo tàn và chết. Bản tính của thụ tạo là thế.

Như vậy thật điên khùng khi dính bén với thụ tạo tuân theo luật chết. Tôi có thể ca tụng Chúa vì vẻ đẹp của chúng nhưng phải nhận ra chúng sẽ mau vào quên lãng. Kêu lắm lại càng tan tác lắm. Ðây là con đường của thế gian, cái này thay cái khác không ngừng, vật này nhường chỗ cho vật kia.

Lời của Chúa hỏi rằng: "Ta sẽ ra đi không ?"Chúa không bỏ rơi vật ngài sáng tạo nhưng hiện diện trong nó để khi ta tìm khoan khoái trong đó thì cũng tìm thấy khoan khoái trong người. Theo căn bản đó chúng ta có thể xây dựng và yêu thụ tạo nhưng tốt nhất là yêu Chúa trong thụ tạo.

Hơn nữa, sự sống thực duy nhất của ta, Con Thiên Chúa, đã đến hành tinh của ta để mang lấy sự chết, cái chết của một thụ tạo, nhưng qua quyền lực sự sống nơi ngài đã chiến thắng sự chết. Ngài dùng tiếng sét kêu gọi ta trở lại. Và dù ngài đã về trời ta còn tìm thấy ngài trong lòng ta, hiện diện trong cuộc sống ngài đã tạo dựng và cho nó một cuộc sống mới.

10. Sự khôn ngoan vĩnh cửu

Khi được 20 tuổi con rất thoả mãn vì đọc được cuốn 10 phạm trù của Aristote và hiểu được không cần thầy dạy. Khi có dịp con thường đề cập đến cuốn sách đó, không nói tới nhan đề với một chút sợ hãi và mỉm cười khi thấy ông thầy cho rằng họ rất khó khăn khi đọc cuốn đó.

Và cuốn sách đã mang lại lợi ích cho con. Tuy nhiên nó cũng có hại vì nó khuyến khích con nghĩ đến Chúa, lạy Chúa, như Chúa chỉ là một phần của những gì Chúa tạo dựng thay vì là căn bản và nguồn gốc. Ðáng buồn thay, con quay lưng lại ánh sáng và mắt con đăm đăm vào cõi tối. Con có thể hiểu không mấy khó khăn khoa luận lý, tu từ, hình học, âm nhạc, toán pháp nhưng con không thấy rằng chính trí khôn con là hồng ân của Chúa và mọi chân lý đều do Chúa là nguồn gốc.

Ích lợi gì khi tôi hiểu biết nhưng tôi không làm lành mà chạy theo sự dữ? Tôi không hiểu biết gì những người tôi coi là đơn sơ nhưng họ hơn tôi, tuy không có trí khôn như tôi nhưng tín thác vào Chúa và nương ẩn an toàn trong tổ ấm giáo hội.

11. Người mẹ cầu nguyện

Vào thời gian đó tôi ngã bệnh tưởng chết. Nếu tôi chết chắc chắn tôi sa hỏa ngục, vì tội tôi không được tha vì không thống hối, và không thống hối vì không thấy rằng làm sao Chúa Kitô mang lấy tội tôi trong thân xác người, vì tôi không thực sự tin rằng ngài có một thân xác. Tôi bị ảnh hưởng của phái Manichee và nghĩ như họ là Chúa Kitô chỉ có một thân xác thần linh, thiên thần hơn là thân xác con người với thịt và máu.

Mẹ tôi không biết tôi tin gì cũng không biết tôi bị bịnh gì nhưng như thường lệ mẹ tôi vẫn cầu nguyện cho tôi khi tôi vắng mặt: vắng nhà và xa vắng giáo hội mà mẹ tôi luôn gắn bó. Nhìn lại, tôi không thể tin rằng Chúa đã bỏ qua hay từ chối lời cầu nguyện của bà, lời cầu nguyện đau đớn và có giá trị từ môi miệng của bà như sự sinh con từ cõi lòng. Làm sao Chúa có thể làm ngơ trước lời cầu của bà goá phụ thống hối và khiêm nhường, quảng đại với người khác, giản dị phục vụ giáo hội, ngày ngày đi lễ hai lần trong ngày đến nhà thờ cầu nguyện và nghe tiếng Chúa? Làm sao Chúa có thể nhắm mắt khi bà khóc, những giọt lệ khẩn khoản không phải xin vàng bạc, hay danh vọng trần gian mau qua, nhưng chỉ cho đứa con xa lạc được cứu rỗi? Vì thế để đáp lại lời nguyện âm thầm của bà Chúa chữa tôi lành và cho tôi chỗi dậy. Tại Roma, cùng với bạn bè với niềm tin xa lạ, Chúa đã gặp tôi và đánh động tôi. Nhưng tôi vẫn không lay chuyển. Tôi kiêu ngạo đến nỗi coi mình không có tội. Theo niềm tin của phái Manichee tôi bảo tôi không có tội theo quan điểm là không phải tôi phạm tội nhưng nguyên lý sự dữ hiện diện vật lý trong tôi phạm tội, trong khi thực ra tôi duy nhất và chính do sự không vâng lời tội lỗi của tôi đã tạo nên xung đột nội tâm đó. Nhưng trong lúc đó tôi không chấp nhận điều ấy. Tôi đã phá hủy sự tự tin.

Vì thế việc khỏi bịnh không đem tôi đến gần Chúa ngay. Hơn nữa tôi lại theo tư tưởng của giới trí thức Roma thời đó cho là ta nên nghi ngờ mọi sự và đặt vấn đề trong mọi sự vì con người không thể hiểu được chân lý tối hậu. Ðồng thời tôi không thèm để ý đến những phức tạp do quan niệm ấy. Ông chủ nhà tôi ở hoàn toàn tin theo những câu chuyện trong sách của nhóm Manichee nhưng tôi không bảo ông nên nghi ngờ khi đọc những chuyện đó. Chính tôi lại nghi ngờ những chuyện đó hơn và tôi cũng không binh vực lý thuyết đó hăng hái như xưa.

Thật đáng buồn khi tôi hoàn toàn không muốn quay về với giáo hội để tìm câu trả lời, thất vọng trong việc tìm ra chân lý Kitô giáo mà bạn bè tôi đã làm tôi xa cách, và còn dậy giáo thuyết mà tôi ghê tởm là chính Thiên Chúa là thần linh đã mang lấy thịt máu nơi con ngài. Chắc chắn tôi nghĩ rằng Chúa Kitô sinh ra trong xác thịt cũng bị xác thịt làm nhơ uế. Ý nghĩ đó làm tôi chống đối. Nhưng ít ra tôi suy nghĩ và hỏi han. Và Mẹ tôi vẫn cầu nguyện.

12. Quyết định quan trọng

Tôi bối rối tí chút. Dần dần tôi thấy những ý tưởng của phái Manichee rất yếu ớt. Họ không thể trả lời cho những đoạn Kinh thánh mà bạn bè có đạo chỉ cho tôi. Họ còn nói tân ước đã bị sai lạc do người nào đó, họ không nói là ai, muốn hòa hợp luật do thái với tin mừng. Nhưng họ lại không thể phát hành bản chính nguyên bản không sai lạc.

Tôi vẫn còn không thể quan niệm về một thực thể linh thiêng có một bản thể vật chất nghĩa là tôi tiếp tục chối bỏ quan niệm Chúa Giêsu vừa là Chúa vừa là người. Xung đột phát sinh trong tâm tưởng tôi trong suốt thời gian tôi dạy hùng biện tại Roma.

Tình cờ tôi nghe có một chỗ làm rất tốt ở Milan, và tôi biết tôi rất thích công việc đó. Dĩ nhiên thị trưởng thành phố Roma được xin chỉ định một giáo sư tu từ cho thành phố Milan với công quĩ. Một vài người bạn trong phái Manichee có thần thế đã xin cho tôi và trả tiền lộ phí cho tôi đi Milan.

Công việc đòi hỏi tôi phải làm việc gần gũi với vị giám mục Milan là Ambrose, tôi nghe nói rất nhiều về ngài và ngài được kính trọng vì có tài hùng biện có một không hai. Ngài tử tế và thân tình với tôi, như một người cha, và tôi mau chóng thành thân thiết với ngài, cũng đáng buồn là lúc đó chưa chấp nhận giáo thuyết của ngài, mà tôi không biết là giáo thuyết chân thật của thánh kinh, nhưng chỉ thân với ngài như một người và một học giả.

Tôi rất thích nghe ngài giảng dù trong lòng tôi bác bỏ sứ điệp cứu độ của ngài. "Sự cứu độ xa cách người có tội" dĩ nhiên, nhưng dần dần tôi thấy gần gũi hơn mỗi ngày với sự cứu độ mà ngài rao giảng. Ðiều tôi học được nơi Ambrose là đức tin công giáo có thể binh vực bằng lý trí. Nó không như trước đây tôi nghĩ, là vô lý từ nội tại. Tôi đặc biệt đánh giá cách thế kỳ diệu ngài dùng để giải thích cựu ước. Tôi rất có ấn tượng vì tôi thuộc những đoạn đó. Nhưng vì tôi hoàn toàn chết về tinh thần nên tôi không hiểu được. Ðây là một cái tát cho niềm kiêu hãnh của tôi, tôi giả thiết thế, nhưng cũng là điều tôi phải học.

Và thế là tôi bị xâu xé giữa một mớ lý thuyết Manichee mà tôi hoài nghi và lý thuyết Kitô giáo tôi bắt đầu thán phục nhưng không thể tin theo. Nếu tôi quan niệm được một bản thể thần linh thì những pháo đài Manichee trong tâm trí tôi mới tan vỡ được.

Tôi có quyết định quan trọng. Tôi bỏ phái Manichee vì tôi không còn chia xẻ niềm tin với họ. Tôi muốn thành dự tòng đi học giáo lý cho đến khi tôi thấy được chân lý chắc chắn. Khỏi cần phải nói, mẹ tôi sung sướng lắm.

Chương 3: Thời gian quyết định ở Milan

§ Lm Ngô Tường Dzũng

(tiếp theo... Sách Tự Thú của Thánh Augustinô)

Lúc đó mẹ Augustin theo ngài đến Milan. Không thể phóng đại ảnh hưởng của người phụ nữ kỳ diệu này trên đứa con xuất sắc. Cũng rất quan trọng là ảnh hưởng của Ambrose, mà những bài giảng kinh thánh tiếp tục gây ấn tượng nơi Augustin nhất là cho ngài sự kính trọng đối với cựu ước.

Tuy nhiên trong lòng ngài là cả một trận chiến tâm trí và luân lý. Những người trí thức ở Roma đã tiêm cho ngài cái ý nghĩ bi quan không thể minh chứng một sự gì và tin vào điều gì. Bác bỏ những tín điều Manichee ngài lại do dự khi phải chấp nhận những tín điều công giáo. Và thế là ngài do dự giữa thuyết bi quan và niềm tin, tuy vẫn là người luôn tìm kiếm.

Tuy nhiên có thể là vấn đề luân lý quan trọng hơn vấn đề trí thức trong lương tâm ngài. Ngài biết cuộc sống của ngài không giống như cuộc sống của người tìm kiếm chân lý tinh thần. Ðàng khác sự khoái lạc buông thả dần dần biến đi. Ngài thấy mình không phải là một thánh nhân tin tưởng cũng chẳng là tội nhân thoả mãn. Cần phải thay đổi một cái gì.

13. Nhận sửa chữa

Mẹ tôi theo tôi đến Milan nên tôi có thể cho bà hay tôi đã bỏ tà thuyết (điều này mẹ đã khuyên nhủ tôi từ lâu) nhưng chưa quay về với niềm tin mẹ hằng cung kính theo đuổi. Tôi biết bà hài lòng nhưng bà khôn ngoan không cho đó là một chuyện lớn lao. Chỉ vì bà có niềm tin rằng Chúa, lạy Chúa, đã hứa sẽ xảy ra như thế, không phải tôi chỉ từ bỏ lầm lạc mà còn chấp nhận chân lý. Ðiều bà nói với tôi là "mẹ chỉ hi vọng trong Chúa Kitô là mẹ sẽ thấy con là một người công giáo chân thành trước khi mẹ nhắm mắt".

Dĩ nhiên mẹ còn thưa chuyện nhiều với Chúa. Tôi biết bà còn cầu cho tôi trở lại một cách sốt sắng hơn cũng như mau mắn đến nhà thờ nghe giám mục Ambrose giảng. Bà cũng cảm phục thánh nhân như thiên sứ Chúa dùng để mang tôi đến tình trạng cởi mở tinh thần như một người tân tòng.

Trong những ngày ở Milan mẹ tôi đã có một kinh nghiệm cho hay bà là người phụ nữ kỳ diệu.

Tại Bắc phi nhiều người có đạo có thói quen mang bánh ngọt bánh mì và rượu tới những mồ của các vị thánh đã qua đời và mẹ tôi thích phong tục đó lắm, và ăn uống với những người đến đó viếng mộ. Ðây là dấu hiệu kính trọng thân hữu với những người đã chết trong Chúa Kitô.

Khi đến Milan bà cũng muốn tôn kính các thánh theo phong tục đó và mang giỏ nhỏ đựng bánh và rượu. Khi vào nghĩa trang bà được ông từ cho hay giám mục Ambrose cấm chỉ phong tục đó. Dĩ nhiên mẹ tôi bất ngờ nhưng khi nghe những lý lẽ của vị giám mục bà chấp nhận ngay. Ngài cảm thấy phong tục đó sẽ trở thành những biến cố xã hội mất trật tự dễ làm cho người ta say sưa. Hơn nữa phong tục có nhiều yếu tố ngoại đạo.

Tôi rất xúc động khi thấy cách thế mẹ tôi sẵn sàng từ bỏ một phong tục mẹ rất tha thiết và vui vẻ chứ không buồn bực từ bỏ một khi đã nghe được những chứng cứ được giải thích cho bà. Thế là thay vì mang bánh rượu vào bà đã mang cả tâm hồn và lời cầu nguyện vào và đã phân phát rượu bánh cho người nghèo.

Ðây là bài học cụ thể cho tôi về đức khiêm nhường thực sự: sẵn sàng của người trưởng thành chấp nhận sửa chữa và không những thay đổi ý kiến mà cả cách hành động. Thái độ của bà làm cho thánh Ambrose cảm động. Khi gặp ngài, ngài đã khen mẹ tôi và chúc tụng tôi đã có một bà mẹ như thế. Ðáng thương cho bà lúc đó lại có một đứa con không thể tìm ra kiểu sống đó và niềm tin rất có ý nghĩa đối với bà.

14. Những vấn đề của tôi với chứng cớ

Tôi thích tranh luận những vấn đề trí thức và linh thiêng với giám mục Ambrose: ngài là hạng người mà ai cũng sung sướng khi nói chuyện với. Nhưng đáng tiếc ngài ít có giờ rảnh. Ðám đông luôn đến bên ngài và khi ở một mình thì ngài lại học hỏi. Ngài không bao giờ để cho mình bị cô đơn, cửa ngài vẫn mở và cũng không có thư ký để ngăn người ta đến gặp. Nhưng tôi thấy ngài bận việc mục vụ và với nhiều người tùy thuộc vào ngài. Tôi muốn hỏi người tại sao người bình thản, ngài sống độc thân ra sao (một điều tôi không thể quan niệm được) ngài hi vọng gì và bị cám dỗ ra sao, ngài thấy niềm vui nào khi chịu bí tích, và ngài có được sức mạnh ở đâu với những vấn đề, những chống đối và thất vọng. Nhưng tôi không thể làm điều ấy dù tôi sống với ngài trong thời gian dài. Thực ra những sóng gió trong lòng tôi đòi hỏi nhiều nhờ nhiều khi nhiều ngày của ngài nhưng điều đó không thể nào có được.

Tôi chỉ còn nghe ngài giảng mỗi chủ nhật và tôi theo lời ngài, ít ra ngài thuyết phục tôi về điều này là những ai cười nhạo thánh kinh là hoàn toàn sai lầm.

Ngài cũng giúp tôi khi chứng minh là nhiều thứ tin tưởng của người công giáo mà tôi thấy không thể tin được hay vô lý thực ra chỉ là những sai lạc từ những giáo thuyết Kitô giáo. Một trong những tin tưởng đó là nhiều người công giáo chủ trương là vì "Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Chúa" nên Chúa cũng có xác như người ta. Thực là nhẹ mình khi tôi thấy mình thay vì chống đối chân lý thật thực ra chỉ là chống đối những chân lý sai lạc.

Vấn đề vẫn chưa giải quyết. Nếu như Ambrose nói và kinh thánh dậy Chúa là Thần Linh, và không thể tưởng tượng ngài có mang cơ thể con người, thì làm sao con người từ đầu đến chân mang một cơ thể lại có thể giống hình ảnh ngài được. Lúc đó tôi không thấy có giải đáp. Nhưng ít ra tôi có quan niệm về Thiên Chúa Ðấng Sáng tạo mọi loài, làm đầy vạn vật, không bị không gian và thời gian hạn chế, hay bị hạn chế trong vật chất. Chỉ quan niệm ấy làm cho tôi bắt đầu tin rằng (chỉ có tôi tìm ra) giáo thuyết ấy của giáo hội.

Tôi lo âu vì tôi không thể chấp nhận điều gì tôi không thể chứng minh được. Tôi muốn chắc chắn cả về những chuyện vô hình và xác tín về những điều phải tin như bảy với ba thành 10.

Tôi nghĩ đã tìm ra những tin tưởng trong phái Manichee mà tôi đã theo từ lâu là sai lạc nhưng tôi lại như xiêu lòng muốn quay trở lại. Tôi như người mới được một bác sĩ dốt chữa bịnh lại muốn như tin vào ông ta dù cho có bác sĩ khác giỏi hơn. Tôi chỉ được chữa khỏi do niềm tin. Nhưng tin lại là chuyện tôi không thể làm được.

15. Không khoái lạc trong tội lỗi

Nghề nghiệp thì thăng tiến nhưng hình như sự thế lại áp lực tôi. Tôi muốn danh dự giàu có và tình dục nhưng Chúa hình như chê bai những tham vọng đó của tôi. Ngài làm cho tôi không thích thú gì những chuyện đó. Nếu ngài không ngăn được tôi phạm tội mà không vi phạm tự do của tôi, thì ngài có thể ngăn ngừa việc tôi thích phạm tội.

Tôi rất thích khi được đọc diễn văn ca ngợi hoàng đế. Trong ngày phải đọc diễn văn tôi bị bối rối trong lòng khi biết mình sẽ nói nhiều chuyện giả dối nịnh bợ, lại được người ta hoan nghênh và họ là những người biết rằng mình giả dối.

Khi tôi đi đến chỗ tụ họp trên đường phố Milan tôi thấy có một ông hành khất. Ông hình như hơi say nhưng chắc chắn là ông rất vui. Nhưng điều đó làm cho tôi xúc động. Trên đường đi đến nơi hội họp tôi là người lo âu và khốn khổ. Còn ông ta không có gì để làm và không có ai để gây ảnh hưởng thì lại hạnh phúc trong sáng.

Tôi nhận xét như thế với bạn tôi và cho hay những tham vọng và ao ước phức tạp của chúng ta rút cục chỉ thêm gánh nặng cho ta. Ta cố gắng để được hạnh phúc, thoả mãn, và thành công nhưng rút cục ta chỉ thấy nặng nề và bất hạnh. Người ăn mày thực sự không tìm kiếm gì chỉ một vài xu mua rượu ông cũng thoả mãn rồi.

Họ cũng cho hay niềm vui của họ chỉ là giả dối. Tôi trả lời niềm vui của tôi cũng thế, còn chán chường hơn thế nữa. Dĩ nhiên tôi có mang giày hơn ông ta nhưng hình như đây chỉ là sự lựa chọn vô lý. Tôi giỏi hơn ông nhưng không hạnh phúc hơn ông.

Bạn bè tôi lại bảo điều quan trọng không phải là niềm vui mà căn bản của niềm vui. Người ăn mày vui vì rượu, còn tôi vui vì muốn được vinh quang. Nhưng vinh quang nào? Nội tâm tôi phản đối. Chắc chắn không phải vinh quang cao quí và chân thật cũng chẳng phải vinh quang cho Chúa. Nếu niềm vui của ông hành khất không là niềm vui thực thì vinh quang của tôi cũng không là vinh quang đích thực. Ông có rượu khi chúc tụng mọi người qua lại được may mắn còn vinh quang của tôi dựa trên nịnh bợ những điều giả trá. Ông ta có thể ngủ mà không say nữa nhưng tôi vẫn mang tội lỗi lên giường với tôi và cũng tỉnh giấc với tội lỗi nữa.

Tôi tiếp tục tranh luận với bạn bè như thế. Dĩ nhiên họ không đồng ý nhưng lúc đó họ cố phỉnh tôi lại càng chứng minh là tôi nói đúng. Nhưng tôi vẫn không hết lo âu. Kinh nghiệm của tôi lúc đó khi tôi chống lại lời mời gọi của Chúa, là thấy rõ tôi đang trên con đường tự hủy. Công nhận điều ấy làm cho tôi khốn khổ. Còn tệ hơn khi trong chốc lát tôi thấy có gì vui và thoả mãn, tôi lại không được hưởng thụ. Mỗi lần tôi giơ tay đón lấy niềm vui thì niềm vui xa chạy cao bay.

Chương 4: Làm bạn với Alipius

§ Lm Ngô Tường Dzũng

(tiếp theo... Sách Tự Thú của Thánh Augustinô)

Người bạn thân trong tuổi 20 của Augustin là Alipius một thanh niên trước là môn sinh ở Tagaste và Carthage sau đó lại đến Roma và Milan với ngài. Anh trẻ hơn Augustin rất nhiều nhưng ông bạn già lại kính phục sự thành thực, trí phán đoán và ngay thẳng của anh. Họ cùng tranh luận phải trái về những vấn đề nhân sinh. Và cùng với một nhóm mười người bạn họ cùng nhau tìm ra chân lý. Nhưng chính Alipius đã chia xẻ những kinh nghiệm quan trọng nhất của Augustin, gồm cả việc người trở lại.

Augustin thường nói về Alipius với lời ca tụng, đề cập đến bao nhiêu tài năng dấu ẩn hay xuất hiện nơi anh ta khi chàng trai này càng trở nên quan trọng vào cuối đời của ngài. Nghề của Alipius gần gũi với Augustin. Anh cũng được phong chức linh mục và được làm giám mục thành Tagaste.

16. Thích thể thao

Trong số những bạn sống với tôi người tôi thích nhất là chàng Alipius trẻ tuổi. Anh cùng quê với tôi và cha mẹ là bậc thế gia vọng tộc. Vì anh trẻ hơn tôi nên nhiều khi tôi là giáo sư của anh, trước ở quê sau lên Carthage. Anh tỏ ra thán phục điều anh thấy nơi tôi là sự học vấn và dễ thông cảm; và tôi cũng thán phục triển vọng của anh, trình độ luân lý cao và trí thức trổi vượt.

Khi anh đến Carthage nơi tôi dậy tu từ lúc đầu anh không học tôi vì sự bất đồng của cha anh và tôi. Ðáng buồn là anh thích thể thao.

Thể thao là hí trường, đua xe ngựa, đấu vật thu hút nhiều người. Ðiều này có vẻ hạ cấp và tàn ác nhưng tôi không tiện can thiệp khi Alipius đang thích. Tôi không là thầy dậy anh và không coi mình là bạn của anh và coi như anh cũng nghĩ về tôi như cha anh. Thực sự anh không như thế nhưng lúc đó tôi không để ý điều đó. Tuy nhiên có lần anh đến lớp tôi và vẫy tay chào tôi. Về phần tôi thì tôi không chịu nói về chuyện mê chơi của anh tuy nhiên trong cách thế lạ lùng tôi dùng (Sau này tôi tin là do Chúa) tôi xin anh xét lại việc mê chơi của anh.

Tôi đang nói về một bản văn và dùng vận động trường như thí dụ giải thích vài điểm. Không có ý nói tới Alipius, tôi lưu ý về những người mê thể thao. Thật lạ lùng anh cho là tôi nói về anh và anh nhớ mãi. Thay vì giận dữ, như người ta thường làm, anh coi điều tôi nói như là cảnh cáo thân tình và giúp cho anh. Kết quả anh không đến hí trường nữa và không nghĩ gì đến những chuyện liên quan đến hí trường.

Hơn nữa anh lại được phép cha anh đến học với tôi và bắt đầu chia xẻ sự sùng tín của tôi về những thuyết lý của phe Manichee. Chuyện này tiếp tục khi anh đi Roma để học luật trước khi tôi đến đó. Tại Roma đáng tiếc là anh lại gặp dịp thể thao. Những hí trường lớn như Coliseum thu hút đám đông quần chúng và người ta đến đó để cho phép mình say máu khi các tay giác đấu đánh nhau chí tử. Alipius vẫn giữ quyết định ở Carthage là không đến hí trường. Nhưng một buổi chiều sau khi ăn cơm bạn bè đến rủ anh và định dùng võ lực mang anh đến hí trường.

Thái độ anh dứt khoát: anh đã định không đi và anh đã nhất quyết như thế. Tuy thế họ thuyết phục và đùa cợt, muốn lôi anh ra khỏi nhà, nên cuối cùng anh quyết định ra đi nhưng anh bảo họ là anh vào hí trường nhưng nhắm mắt và tâm trí không nghĩ đến cảnh tàn bạo đang diễn ra nơi đó.

Anh nói: "Tụi bay có thể nghĩ rằng tao có mặt ở đó với tụi bay nhưng thực sự tao sẽ vắng mặt và điều này sẽ làm cho tụi bay thất bại trong việc muốn tao làm điều xấu xa". Ðây là những lời can đảm nhưng cũng là những lời tâm tình.

Alipius và lũ bạn đến nơi trong lúc quần chúng đang say sưa và không tìm ra được chỗ ngồi. Như đã nói anh ta nhắm mắt lại và cũng cố gắng dẹp trí tưởng tượng do những tiếng động và kích thích chung quanh.

Mọi truyện êm xuôi được một lúc. Rồi khi một trận đấu kết thúc khi quần chúng đứng lên cổ võ đấu thủ giết chết người cùng tranh đấu, Alipius không thể không mở mắt để xem chuyện gì xảy ra "tuy đã quyết chống lại và khinh bỉ chuyện đó" như sau này anh kể lại. Nhưng điều anh trông thấy đã ảnh hưởng đến anh trong lòng như anh đang giết người võ sĩ giác đấu.

Lỗi lầm của anh như anh thổ lộ sau này là tin vào sức mạnh của mình để chiến thắng cám dỗ. Lúc này anh không thể chống lại khung cảnh đó. Anh cũng nhẩy cẫng lên như người khác, đòi đổ máu. Anh không còn là chàng trai xứng đáng có niềm tin luân lý cao thượng và khinh bỉ sự tồi bại cũng như sự tàn ác nơi hí trường. Ðúng hơn anh là con người hung dữ như mọi người khác nhìn, la hét và sung sướng vì cảnh tượng xấu xa. Ðiều tệ hại là anh đi đến nhiều lần lại còn rủ nhiều người khác cùng đi.

Lúc đó anh không biết có ngày Chúa sẽ gọi anh làm linh mục, để chủ tọa các phép bí tích và coi sóc đàn chiên Chúa. Anh cũng không biết được nhiều năm sau Chúa sẽ dùng tay nhân từ và mạnh mẽ kéo anh ra khỏi cảnh dại dột hiện tại và dạy anh đừng nên tin tưởng vào mình nhưng hãy dựa cậy vào Chúa.

17. Kinh nghiệm đau khổ khác

Kinh nghiệm của Alipius nơi hí trường cũng giống như chuyện xảy ra ở Carthage trong lúc tôi dậy học cho anh. Cả hai biến cố anh đều ghi nhớ và sau này sẽ có giá trị cho cuộc đời anh nhưng ngay lúc đó thật là những kinh nghiệm đau đớn.

Một hôm ở Carthage anh đi dạo phố vào lúc trưa đọc bài to tiếng và mang bút và bản viết. Một học sinh khác cũng ra chợ, anh không biết cậu này, nhưng lý do của cậu ta không nghiêm chỉnh như thế. Anh ta mang theo rìu và treo lên mái nhà một ông thợ bạc với ý định đánh cắp mấy món đồ treo trong nhà.

Không ngờ tiếng va chạm làm cho ông thợ dưới nhà nghe thấy nên chạy ra ngoài xem truyện gì xảy ra. Tên trộm thấy nguy hiểm nên lủi đi và để cái rìu trên mặt đất gần cửa tiệm.

Alipius nghe thấy xôn xao nên chạy đến coi. Anh thấy tên trộm đang lủi đi (dù không biết anh ta đã làm gì, và rồi anh thấy cái rìu thì cầm lên. Lúc đó ông thợ bạc xuất hiện thấy Alipius đứng đó có tang vật trong tay. Dù anh phản đối ông vẫn dẫn anh đến quan tòa vì thấy rõ ràng hai với hai, mang theo chiếc rìu làm tang vật.

Số phận của anh chắc chắn sẽ vô tù hay ít là bị đánh đòn ngoài chợ nếu không có một ông kiến trúc sư đi qua. Ông thợ bạc rất thích gặp ông ta kể cho ông nghe chuyện đã xảy ra và Alipius cũng kể, vì anh đã gặp ông nhiều lần tại nhà của một nghị sĩ bạn của cả hai người. Ông kiến trúc sư tách riêng Alipius ra và hỏi anh. Không giống mọi người ông biết chuyện gì đã xảy ra và ông dẫn họ cùng với Alipius đến nhà tên bị tình nghi. Tại cửa có một anh nô lệ còn rất trẻ nên ông kiến trúc gia nghĩ nó chưa có thể bịa chuyện. Ông hỏi: "Chiếc rìu này của ai ?"

Ðứa nhỏ nói ngay: "Của nhà tôi mà", và ông dẫn họ đến với người chủ tình tờ cũng thú nhận làm cho Alipius thấy nhẹ cả mình. Anh về nhà trở thành người khôn ngoan hơn. Anh cũng học được một điều làm cho anh luôn ngay thẳng trong bao nhiêu năm cho đến khi Chúa gọi anh làm thẩm phán và làm người xét đoán nhiều vụ trong giáo hội. Sự việc nhiều khi không như mình tưởng.

18. Cuộc tìm kiếm của trí thức

Alipius là một người trong nhóm bạn khoảng 10 người, cùng đến Milan học luật. Tôi gặp anh tại Roma và anh theo tôi lên Milan. Tôi kính phục nhiều đức tính của anh nhưng nhất là tôi cảm phục sự lương thiện ngay thẳng. Lúc đó trong triều đình hay có chuyện hối lộ khi anh làm lục sự cho một thẩm phán và áp lực thật mãnh liệt. Tuy nhiên anh luôn không nhận hối lộ. Và ngay tại Roma anh còn làm cho một ông nghị tức giận điên người muốn cho anh tiền trong một vụ rắc rối pháp luật. Khi Alipius từ chối, ông muốn điên lên. Ông đe dọa nhưng anh vẫn chống đối. Rồi ông tìm cách cho ông chánh án trong phiên tòa anh là luật sư. Nhưng Alipius đe dọa sẽ bỏ phiên tòa và nói lý do tại sao, nếu ông chánh án xử cho ông nghị được kiện. Ông chánh án phải xử cho ông ta thua theo như luật pháp đòi hỏi nhưng ông đổ tội cho Alipius, nhưng anh vẫn hề bối rối dù bị tai hại cho nghề nghiệp.

Tuy nhiên để cho có uy tín anh phải theo cám dỗ không lương thiện trong một vụ án lớn hơn. Anh thích sách vở và sự học hỏi và khi anh có dịp mua những bản văn ăn cắp với giá rẻ, lúc đầu anh muốn chấp nhận. Lúc đó ai cũng thế.

Nhưng khi nghĩ lại, như thói quen, anh quyết định không nhượng bộ những nguyên tắc đã đặt ra về vấn đề như thế. Ðây chỉ là gương mẫu theo lời nói của Chúa Giêsu "ai trung thành trong việc nhỏ thì cũng trung thành trong việc lớn lao" Thực ra không có sự vô lương nào lớn cả và Alipius biế điều ấy hơn bất cứ người nào trong chúng ta. Tuy thế anh thẳng thắn trong những vấn đề luân lý thì lại do dự trong vấn đề quan trọng nhất. Ðâu là nguyên lý hướng dẫn cuộc đời anh? Về vấn đề này anh cũng ở trong tình trạng như tôi và cả nhóm bạn nhỏ bé đó. Chúng tôi nói mình luôn tìm kiếm không mệt mỏi chân lý và sự khôn ngoan nhưng hình như không bao giờ chúng tôi tìm thấy.

Ba chúng tôi, nhân vật thứ ba là Nebridius, tôi phải nói là làm ra vẻ tìm kiếm. Chúng tôi thở dài, hỏi lòng mình, luôn hỏi nhau, tranh luận cho đến khuya, luôn chờ đợi lúc nào đó có tia sáng nào làm cho mọi chuyện được sáng suốt.

Cuộc sống xã hội và thế tục của chúng tôi vẫn tiếp tục. Dù sao chúng tôi là người thế tục. Tôi có người yêu và họ cũng có những khoái lạc. Tuy nhiên những điều đó không làm cho chúng tôi thích thú gì. Chúng tôi chỉ được những chua cay và những gì chúng tôi thấy chỉ là bóng tối dầy đặc.

Chúng tôi thất vọng hỏi nhau: "Cuộc sống cứ như thế này mãi sao?" Không bao giờ chúng tôi thôi làm những chuyện mâu thuẫn với việc tìm kiếm chân lý hay có liên hệ giữa nếp sống hiện tại và sự kiện là cuộc sống đích thực mà chúng tôi nói mình ao ước không bao giờ thực sự xảy ra.

Về phần tôi, tôi bắt đầu thất vọng vì không bao giờ tìm ra câu giải đáp. Tôi tìm kiếm từ năm 19 tuổi và bây giờ gần 30 vẫn chưa tới gần chân lý. Tôi lại còn lý luận về tình trạng đó với mình. Tôi muốn nói: "Ngày mai chân lý sẽ tỏ hiện và tôi sẽ chấp nhận". Hay "Faustus lãnh tụ phái Manichee sẽ đến Milan và ông sẽ giải đáp thắc mắc cho tôi". Hay theo kiểu thất vọng hơn, "Có phải không có gì chắc chắn như nhiều nhà trí thức lý luận trong vấn đề này và việc tìm kiếm là vô ích chăng?" Hay có vẻ hi vọng hơn tôi lý luận: "Tôi biết tôi sẽ làm gì. Tôi đã thấy kinh thánh dạy là không vô lý. Tôi đã dấn thân học đạo. Chắc chắn tôi sẽ đi trên con đường cha mẹ tôi đi khi nào chân lý sáng tỏ cho tôi".

Nhưng tôi hành động trái ngược lại cả những thiện ý đó. Như nhiều người tôi thích hỏi, và đặt mình vào tư thế của người tìm kiếm, nhưng tôi lại không dành cho công việc đó thời gian và sự cố gắng cần thiết. Chẳng hạn tôi định dành ban sáng cho việc dậy học và ban chiều dành cho việc tìm hiểu chân lý siêu nhiên. Tốt lắm. Nhưng tôi lại bắt đầu hỏi mình "khi nào tôi có giờ cho bạn tôi" hay "khi nào tôi soạn bài?" hay "khi nào tôi giải trí?"

Trong những lúc thức tỉnh tôi biết những chuyện ấy đưa tôi đến đâu nhưng tôi bất lực không thể thay đổi. Tôi biết giờ chết không biết đến lúc nào đối với tôi cũng như cho mọi người và biết trễ nải hay trì hoãn việc tìm kiếm chân lý bằng những lý do vô lý như hội họp, giải trí hay cả việc dọn bài học cũng là ngu dại. Khoa luận lý thôi cũng nói cho tôi hay rằng ưu tiên số một phải dành cho việc tìm Chúa và cuộc sống vĩnh cửu trước khi làm những công việc phụ thuộc khác.

Nhưng khoa luận lại không làm như thế. Nó cho tôi hay là tham vọng là đáng tôn trọng. Chẳng hạn làm tổng đốc sẽ mang lại khoái lạc và thoả mãn. Lấy vợ giàu sẽ giải quyết hai vấn đề trong cuộc đời là khoái lạc và tiền bạc. Tôi nghĩ tôi chỉ ao ước thế thôi. Khi đạt tới rồi tôi sẽ tìm kiếm sự thực.

Trong lúc tôi lý luận này nọ với chính mình và bạn bè, thời gian lặng lẽ trôi qua. Bây giờ tôi có thể thấy rằng dù tôi rất muốn hạnh phúc và đầy đủ, tôi sợ đi kiếm cuộc sống hạnh phúc trong một nơi có thể tìm thấy và tận đáy lòng tôi tôi cũng biết. Như thế tôi trốn tránh sự thực dù cho tôi cho rằng đang tìm nó. Tôi chỉ không thấy rằng vấn đề trí thức chỉ là vấn đề luân lý trá hình.

19. Khi thân xác làm chủ tinh thần: theo đuổi hôn nhân

Chính Alipius chống đối việc tôi lấy vợ nhất. Tôi đã sống với một người phụ nữ trong nhiều năm và cảm thấy thà bỏ sự vô luân bước vào hơn nhân để có thể giữ tư thế người tìm kiếm chân lý, không phải với cô ta, như Chúa biết, nhưng với một cô nào có địa vị hơn. Anh lý luận rằng anh cũng thử tình dục trong quá khứ và không thấy hạnh phúc gì, và trong bất cứ trường hợp nào thì người vợ cũng ngăn cản ta tìm chân lý. Anh đã sống cuộc sống rất trong sạch.

Tuy nhiên tôi cãi lại anh và cho rằng nhiều người khôn ngoan nhất cũng đã lập gia đình. Hình như điều ấy không ngăn cản họ tìm chân lý cũng không cách ly họ xa Chúa. Không những thế mà vấn đề khoái lạc tình dục không thể chỉ kinh nghiệm cách hời hợt trong những liên hệ mau qua hời hợt như anh đã có, nhưng sẽ có giá trị khi là liên hệ lâu bền như tôi đã có và còn hơn nữa nếu có tình trạng hôn nhân (như tôi định có). Trước những lý luận đó ngay cả Alipius cũng gần xiêu lòng.

Thế là việc tìm vợ cho tôi bắt đầu và mẹ tôi hoàn toàn giúp đỡ khuyến khích. Bà lo lôi kếo tôi ra khỏi cuộc sống tội lỗi mà bà cho là tôi đang có, và bà cũng hi vọng khi tôi lấy vợ tôi sẽ lãnh bí tích rửa tội.

Nhưng có một điều kỳ lạ trong thái độ của mẹ tôi về vấn đề này. Bà thường cầu xin Chúa soi sáng cho bà theo ý Chúa trong những thị kiến phải làm điều này hay điều kia (và bà thường được như ý cách này hay cách khác) Nhưng trong cuộc hôn nhân của tôi dù cho bà cầu nguyện cho việc ấy ngày cũng như đêm, Chúa không soi sáng gì cho bà cả. Bà cũng có đôi chút tưởng tượng về cô vợ tương lai của tôi nhưng trống rỗng và phỉnh gạt mình, nhưng bà biết đó không phải là thị kiến Chúa ban.

Công việc tiến triển. Hỏi một cô và cô ta chịu. Cô ta rất thích hợp trong mọi sự và tôi cũng thích cô ta lắm nhưng còn hai năm nữa cô mới đến tuổi cập kê. Tôi không còn cách nào khác đành chờ đợi thôi. Nhưng tôi đã không làm gì, Nhóm bạn của tôi đã hoạch định chương trình sống chung như một cộng đồng, để có thể tìm chân lý. Nhưng vấn đề vợ con, nhiều người đã có vợ, và tôi dĩ nhiên sắp cưới vợ, đã làm sứt mẻ tình huynh đệ và chương trình đổ vỡ.

khi chuyện đó xảy ra thì tôi trải qua một kinh nghiệm đau đớn. Nếu tôi lấy vợ danh giá thì tôi phải bỏ người tình. Khi giải thích điều đó cho nàng thì nàng rất khó chịu. Nàng không thể tin rằng tôi nhẫn tâm để nàng ra đi. Nàng cản thấy tôi đã xử tệ với nàng (như tôi đã làm) và thề sẽ không bao giờ biết đến đàn ông nữa Nàng trở về Phi châu để lại thằng con nhỏ tuổi ở lại với tôi ở Milan.

Tôi cũng cảm thấy bị thương tổn sâu xa nhưng phản ứng của tôi hoàn toàn trái ngược. Thấy còn những hai năm nữa mới lấy vợ và không thể tưởng tượng có thể giữ mình trong hai năm đó nên tôi kiếm cô bồ khác. Ðây là một kinh nghiệm đớn đau như những cố gắng khác trong thời gian đó, đi tìm khoái lạc xa cách Thiên Chúa. Nỗi đau xa cách người tình cũ mà tôi còn yêu càng ngày càng mãnh liệt chứ không yếu đi. Ðây là nỗi đau đớn tái tê chó má làm cho hỏng mất mọi mưu toan muốn thay thế nàng bằng những liên hệ khác.

20. Vấn đề sự dữ

Cũng vào thời gian này tôi trải qua một thời kỳ tăm tối khi tôi tìm hiểu vấn đề nguồn gốc sự dữ.Tôi không hiểu rằng chìa khóa của tất cả những vấn đề ấy là sự tự do của ý chí con người. Tôi biết và luôn tin là Thiên Chúa không bị thay đổi hay hư nát và Thiên Chúa không thể và không tạo nên bất cứ cái gì xấu xa.

Như thế tôi không biết nguồn gốc sự dữ như thế nào. Nếu quỉ tạo nên thì ai ngoài Chúa tạo nên ma quỉ? Và nếu chính tôi do Chúa tạo nên (chính là sự Thiện) tại sao tôi lại hay muốn làm điều ác? Ai đã mang yếu tố xấu đó vào đời tôi? Chắc chắn không phải là Chúa. Và trong mọi trường hợp tai sao Chúa không thể với quyền phép vô cùng, biến đổi hay chuyển mọi sự dữ thành sự lành? Tại sao có sự dữ trong thế giới của Chúa và nghịch lại ý Chúa?

Những vấn đề như thế xáo trộn đầu óc tôi. Tôi thiếu chất keo sống là Chúa tạo nên chúng ta hoàn hảo, nhưng cho ta tự do ý chí; và ta đã đem những nguyên lý xấu vào cuộc sống của ta khi sử dụng tự do đó. Dù tôi không thấy vấn đề trọn vẹn tôi càng xác tín về hai điều: thứ nhất phái Manichee sai, thứ hai là khi tôi tìm ra vấn đề thì vấn đề nằm trong Kinh Thánh và phần nào đặt trung tâm nơi Chúa Giêsu Kitô, Con một Thiên Chúa và Chúa chúng ta.

Trên căn bản đó, thật rõ ràng đối với tôi là mọi sự Chúa dựng lên đều tốt, ngay cả những sự hư nát, như bản tính con người. Vì nếu lúc đầu nó không tốt thì nó đã không bị hư nát: không thể làm hư hỏng cái gì đã xấu. Như thế tôi thấy có sự phân biệt. Nếu vật thụ tạo là sự thiện tối cao như Thiên Chúa, thì sẽ không hư hỏng như Ngài. Ðàng khác nếu chúng không tốt tí nào, thì sẽ không có gì trong chúng bị hư hỏng. Như thế chúng cũng không hư hỏng. Nhưng con người lại ở trong hai trường hợp: chúng ta hư hỏng cách ghê gớm. Như thế bây giờ tôi thấy như một lý chứng mạnh mẽ là từ đầu nhân chi sơ tính bổn thiện như Kinh Thánh dậy. Chúng ta không phải là sự thiện tối cao: chính là Thiên Chúa. Nhưng chúng ta cũng không hoàn toàn xấu: như thế chúng ta có thể bị hư hỏng. Nhưng chúng ta ở giữa trong cái bế tắc luân lý, nhưng không thể cứu mình được. Chúng ta là những con người luân lý, được dựng lên tốt lành theo hình ảnh Chúa; nhưng chúng ta có thể bị hư hỏng, khi ta lạm dụng hồng ân tự do lựa chọn và như thế chúng ta bị hư hỏng không thể tránh được.

Dần dà và ngày qua ngày, tôi ý thức bản tính của tôi vì bây giờ Chúa giúp tôi thấy. Ngài bắt đầu chiếu ánh sáng chân lý ngài trong cuộc sống của tôi, một ánh sáng khác hẳn ánh sáng tôi biết được trên thế gian. Ánh sáng không quá cao hơn sự hiểu biết trí thức hay tâm linh của tôi.

Ánh sáng trên tôi vì dựng nên tôi, và tôi ở dưới vì tôi được tạo nên do ánh sáng đó. Ai biết chân lý sẽ biết ánh sáng đó; và ai biết ánh sáng đó sẽ hiểu được ý nghĩa của vĩnh cửu. Tình yêu sẽ biết điều ấy.

21. Ánh sáng bắt đầu buổi bình minh

Tôi đã tìm chân lý nơi các nhà trí thức và triết lý thời đại. Tôi đã say mê thiên văn và theo phái Manichee. Nhưng sau cùng tôi không nhìn con người mà nhìn về Chúa , và tôi thấy ngài đang giúp đỡ tôi làm điều ấy dù cho tôi chưa thích hợp cho việc ngay cả đến gần ngài.

Chính lúc đó Chúa phán với tôi qua những nhận thức nội tâm. Chẳng hạn có lần tôi sợ vinh quang và sự thánh thiện của Chúa nên tôi run rẩy sung sướng và sợ hãi. Hình như có tiếng từ trời cao nói với tôi: "Ta là của ăn cho kẻ mạnh. Hãy mau lớn lên và ngươi sẽ được ta nuôi sống. Nhưng không như của ăn khác ta sẽ không là thành phần của ngươi. Ngươi sẽ thành phần tử của ta".

Ðiều này giúp tôi vì tôi còn ngại do ý nghĩ Chúa là hay trở nên vật chất. Ðối với tôi ngài hoàn toàn linh thiêng hay không là gì cả. Một hôm tôi nghĩ về điều đó và tự hỏi "có phải chân lý thực sự không hiện hữu, khi nó không ở trong không gian giới hạn hay vô cùng?" Và Chúa lại nói với tôi như từ một cõi bao la nào đó: "Phải có chân lý: Ta là Ðấng tự hữu." Tôi nghe điều ấy không phải nơi tai mà như người ta nói trong tâm hồn tôi. Ðiều này làm cho tôi xác tín đến nỗi tôi không bao giờ hồ nghi nữa là chân lý hiện hữu có thể thấy rõ, và hiểu được qua những gì Chúa tạo thành, gồm cả con người.

Kinh nghiệm này đưa tôi đến việc suy nghĩ về tất cả những thụ tạo của Chúa. Tôi thấy không có vật nài có sự hữu tuyệt đối (vì nơi sự bị ảnh hưởng thời gian, sự hư hỏng, sự chết hay bị phá hủy) nhưng chúng cũng không phải là không tự hữu. Chúng hiện hữu nhưng không theo quyền của chúng. Chúng đều tùy thuộc vào Chúa. Chúng hiện hữu chỉ vì Ngài hiện hữu. Nhưng sự hiện hữu của chúng không tuyệt đối vì chúng không vĩnh cửu như một mình Chúa. Như thế mọi thụ tạo hiện hữu vì do Chúa dựng nên nhưng không thụ tạo nào hiện hữu cách tuyệt đối, vì chúng không phải là Thiên Chúa.

Từ ý thức đó tôi đi đến kết luận rõ ràng. Tôi phải khôn ngoan bám lấy Chúa vì xa ngài tôi sẽ không có sự hiện hữu tuyệt đối. Trong ngài tôi có thể như ngài, như ngài đã nói cho tôi trước đây. Rồi có dấu hiệu khác dựa trên một kinh nghiệm chung trong cuộc sống hằng ngày, nhưng rất mạc khải cho tôi trong lúc đó. Cũng cái bánh làm cho người khỏe thích thú và mát mẻ thì làm cho người đau yếu muốn ói mửa; ánh sáng mặt trời vẻ vang cho con người có đôi mắt tốt thì lại làm đau đớn cho con mắt yếu đau. Thế là tôi hiểu rõ sự công thẳng của Chúa làm cho người yêu thích đường lối ngài mát mẻ và thích thú thì lại xấu xa xúc phạm đến người từ chối ngài. Hiểu được như thế hình như soi sáng cho tôi trong cuộc chiến trường kỳ với vấn đề sự dữ. Chắc chắn sự dữ có nguồn gốc không phải trong điều căn bản, nhưng trong một thứ xấu xa tách rời Thiên Chúa, một thứ ý chí hướng về những sự thấp hèn, đến nỗi sự tốt lành của Chúa cuối cùng có vẻ xấu xa và sự xấu xa thành tốt lành.

Sự xáo trộn là những tư tưởng đó tôi tin thật là do Chúa, lôi kéo tôi đến với Ngài, nhưng thân xác và dục vọng luôn đẩy tôi xa ngài. Tôi không bao giờ hồ nghi là Chính Chúa là Ðấng tôi phải gắn bó, nhưng tôi lại không thể làm điều đó, chỉ đơn giản thế thôi. Tâm trí tôi luôn đặt ra những câu hỏi và những câu hỏi đó Chúa trong lòng từ bi luôn kiên nhẫn trả lời. Thân xác tôi cũng đặt câu hỏi và hình như lúc đó nó mạnh hơn tinh thần. Hơn nữa chính qua thân xác và cảm giác mà ta nhận ra sự vật. Vấn đề của tôi là cảm giác không cho tôi nhận ra chân lý.

Và tôi tìm con đường khác. Tôi cảm thấy khả năng suy luận tôi bị cảm giác của thân xác làm hư hỏng chẳng hạn khi tâm trí tôi muốn hướng về những sự linh thiêng thần thánh thì cả một chuỗi những tưởng tượng hình ảnh nhục dục lại đi qua.

Nhưng tâm trí tôi biết và kêu la lên rằng nó thích cái không thay đổi chứ không phải cái thay đổi. Có lần trong chốc lát nó vượt lên cảm quan thường lệ mở đường cho ánh sáng. Trong một dấu hiệu sáng chói lòa vừa kỳ diệu vừa làm sợ hãi, tâm trí tôi đã thấy cái thực tại bên trong của hiện hữu như thế nào. Những sự vô hình của Chúa được hiểu nhờ những cái hữu hình được tạo dựng. Ðó chính là bản thể sự vật ta hi vọng thấy cái hiển nhiên của sự vật ta không thấy được.

Tuy nhiên tôi không thể giương mắt nhìn ra khung cảnh. Trong một hai lúc, tôi lại nhìn vào những đối tượng tầm thường chung quanh. Kinh nghiệm kỳ diệu của tôi chỉ còn là ký ức quí giá, hương vị xa xôi của một bữa tiệc tôi thấy từ xa nhưng không thể dự tiệc.

22. Quan niệm sai lạc về Chúa Giêsu

Quan điểm của tôi về Chúa Giêsu là ngài là người rất khôn ngoan hơn nhiều người khác nhưng chính ngài chỉ là một con người. Tôi cho ngài uy tín tối cao của bậc thầy và rất bị xúc động về ý nghĩ ngài sinh ra đồng trinh nhưng làm cho tôi thắc mắc vì đây là thí dụ cho thấy tinh thần ở trên vật chất. Nhưng tôi không thấy được hậu quả tự nhiên của việc "Ngôi Lời nhập thể".

Như tôi thấy cuộc sống của Chúa Giêsu là cuộc sống trong đó Ngôi Lời nhập thể hiện diện hoàn toàn, linh hồn và tâm trí cùng làm việc hòa điệu. Mọi điều tôi đọc về ngài trong Thánh Kinh, niềm vui buồn hành động và lời rao giảng, đưa tôi đến nhận biết Chúa Kitô là người hoàn toàn và hoàn hảo. Tôi chưa quan niệm được ngài là chân lý của Chúa hiện hình, nhưng tôi tin rằng hơn mọi người khác ngài chuyên chở chân lý.

Bạn tôi là Alipius lại có khó khăn khác. Anh nghĩ là người Kitô hữu tin rằng, trong việc nhập thể, Chúa đã làm người theo phương cách không còn linh hồn và tâm trí con người trong Chúa Giêsu. Mọi sự Ngài có là Thiên Chúa và xác thịt. Khó khăn mà niềm tin ấy gây ra cho Alipius là điều hiển nhiên. Làm sao Chúa Giêsu có thể làm những điều trong Phúc âm trừ khi ngài là một con người sống động suy nghĩ, một con người có hồn và tâm trí?

Vì Alipius nghĩ người Kitô hữu nghĩ như thế nên anh tìm ra chân lý chậm hơn tôi. Sau này chúng tôi mới thấy chúng tôi đã hiểu sai về chân lý liên quan đến Chúa Giêsu. Thật tình cờ, Alipius nhận ra chuyện đó trước tôi. Phải qua một thời gian rất lâu tôi mới hiểu được giáo lý Kitô giáo về "Ngôi Lời Nhập Thể".

Ðiều làm tôi bối rối căn bản là bị ám ảnh vì là trí thức hay có vẻ như thế lại được khen vì sự tài giỏi. Tôi chờ đợi Thiên Chúa thưởng công cho sự khôn ngoan của tôi. Nhưng sự khiêm nhu của tôi ở đâu? Ðâu là tình yêu của tôi đối với Chúa không nợ nần tôi điều gì? Hình như tôi là hai con người, một đàng thích thẳng thắn với Chúa, người khác chỉ muốn thẳng thắn thôi.

Lúc đó Thánh Phaolô đến giúp tôi. Tôi quyết định đọc hết những sách của Ngài và thấy ngài nói rất thích hợp với vị thế của tôi. Chẳng hạn trong thư Roma ngài phải đối diện với vấn đề phái Plato hay những triết gia khác chưa hề đặt ra. Nhưng đây là những vấn đề làm cho tôi phải lo âu. Khi tôi đọc những câu này hình như là những câu vọng lại những tiếng kêu thất vọng của tôi: "Tâm trí tôi sung sướng trong luật Chúa, nhưng tôi thấy cũng có luật khác trong con người tôi, đang chống lại luật Chúa, và đưa tôi làm nô lệ cho luật tội lỗi vẫn ẩn tàng trong người tôi. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác hay chết này?" Và rồi có câu trả lời "Tôi cảm tạ Chúa, nhờ Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta."

Những sách của các triết gia không bao giờ nói tới xung đột nội tâm đó. Họ không nói đến những tinh thần lo âu hay con tim vỡ nát thống hối." Không có ông nào lên tiếng trong tác phẩm của mình để ca ngợi "Linh hồn tôi đợi trông Chúa vì sự cứu độ tôi do Ngài..Ngài là Chúa và là Ðấng Cứu độ tôi, Ðấng binh vực tôi. Tôi sẽ không bao giờ lung lay." Trong sách của họ bạn không bao giờ nghe tiếng nói "Hãy đến cùng ta, hỡi những ai gồng gánh nặng nề" vì họ khinh bỉ những ai như Chúa Giêsu nói "hiền lành và khiêm nhường trong lòng." Tại sao những điều như thế không có trong tác phẩm của họ. Vì Chúa "đã dấu ẩn những điều đó không cho những người khôn ngoan thông thái biết, nhưng lại mạc khải cho người chưa biết nói."

Khi tôi đọc những lời của thánh Phaolô và những lời Thánh kinh khác, tôi nhận ra rõ ràng vị trí của tôi. Tôi đang ngồi trên đỉnh núi rậm rạp nhìn xuống mảnh đất an bình ở xa, không biết con đường đến đó hay có thể vượt qua chướng ngại do lỗi lầm và tội lỗi. Có một điều khác hoàn toàn tốt hơn, là rời khỏi đỉnh núi an ninh nhưng chỉ là bề ngoài, và tin vào Thiên Chúa dẫn đường, an toàn đi vào mảnh đất an bình. Sau cùng, sau cùng, tôi cảm thấy mình đang đi trên con đường đó.

Chương 5: Giây phút của sự thực

§ Lm Ngô Tường Dzũng

(tiếp theo... Sách Tự Thú của Thánh Augustinô)

Augustin trở lại năm 32 tuổi, như thế tiến trình tìm hiểu rất kéo dài. Những chuỗi ngày đưa đến việc trở lại và những biến cố hiện nay là một trong những chứng từ trong lịch sử Kitô giáo. Từ lúc ngài cầu nguyện xin Chúa "làm cho con nên thánh nhưng đừng làm ngay" cho đến khi có vài đứa nhỏ hát trong sân chơi khiến ngài mở thư thánh Phaolô và đọc, câu chuyện của ngài có tất cả mọi đặc tính của một cuốn sách đạo cổ điển. Tất cả đều được kể lại với sự bình dị. Augustine không muốn mạ vàng bông hoa huệ.

Có nhiều nhân vật danh tiếng xuất hiện trong câu chuyện của Ngài. Ambrose là một trong những nhân vật đó, làm giám mục Milan và những ca khúc của ngài hiện nay giáo hội còn dùng để ca hát. Người khác là Simplicianus sửa soạn cho Augustin chịu phép rửa. Ông là người phụ tá Ambrose trong nhiều năm và sau khi thánh nhân chết, khi chính Simplicianus trở thành ông già, thì ông kế vị thánh nhân làm giám mục thành Milan.

Nhưng ảnh hưởng quyết định do một người giáo dân mới trở lại. Marius Victorinus là một nhà trí thức thời danh trong thời đó, một triết gia theo phái Neo Plato và là nhà tu từ. Việc ông trở lại đạo và nhất là việc ông công khai tuyên bố điều đó đã làm cho cả Milan xôn xao và dĩ nhiên ảnh hưởng tới sự thống hối của Augustin lúc đó đang còn do dự.

23. Những bước đi sau cùng: sức mạnh của chứng từ

Tôi đã đi đến chỗ không thể quay trở lại. Lời Chúa đã đi vào nội tâm linh hồn tôi. Tôi cảm thấy Chúa đang bao bọc tôi tôi không còn con đường nào trốn chạy được nữa. Tôi không còn hồ nghi sự sống đời đời của Chúa, cũng như liên hệ giữa một hữu thể vật chất và linh thiêng. Tôi đã trở lại tù trong lòng tôi. Tôi không còn tìm ra chứng cớ nào chống lại chân lý. Nhưng trong cuộc sống trần gian thì chưa giải quyết được truyện gì. Trái tim tôi vẫn còn bị ảnh hưởng xấu do thế gian và xác thịt. Càng cố gắng tôi càng không thể tưởng tượng cuộc sống không có dục tình. Tôi không tìm thấy lỗi lầm gì nơi Ðấng Duy nhất là đường, là Ðấng Cứu độ thế gian nhưng tôi không thể lôi kéo mình theo cửa hẹp đưa đến sự sống.

Lúc này Chúa dẫn tôi đến với một ông già khôn ngoan, Simplicianus mà từ thời niên thiếu đã sống đạo đức. Chính ông cũng đã dẫn giám mục Ambrose đến với Chúa trong những năm trước. Lúc này, khi đã già hình như đối với tôi ông có kinh nghiệm nhiều cũng như sự sáng suốt tinh thần có thể hướng dẫn tôi qua sự lo lắng hiện tại.

Vì thế tôi đến với ông và giải thích sự bế tắc của tôi: làm sao tôi đã kinh qua bao nhiêu kinh nghiệm, thụt lùi để tới tình trạng này, và tôi không còn thấy thoả mãn hay khoái lạc trong sự thành công ở đời hay sự tung hô của thế gian; tôi đã chán chường với kiểu sống của tôi và nhất là thân xác tôi luôn điều khiển ý chí và không có gì đem lại cho tôi niềm vui như Chúa. Nhưng tôi thêm là tôi bị mắc bẫy dục tình và rất yếu về luân lý nên luôn lựa chọn giải pháp dễ chịu và êm ái.

Tóm lại tôi cho ông hay tôi biết mình đã tìm ra "hạt châu báu" Chúa Giêsu nói tới, nhưng tôi hồ nghi không biết tôi có sẵn sàng trả giá để được viên ngọc đó.

Simplicianus nghe và rồi thay vì trả lời ông lấy một bản phê bình tác phẩm của tôi về Victorinus giáo sư tu từ thời danh mà tôi tin đã chết như một người công giáo.

Simplicianus thấy ngay là vấn đề của tôi không muốn khiêm nhường hay tin rằng chân lý dấu ẩn cho sự khôn ngoan nhân loại nhưng mạc khải cho trẻ thơ. Vì thế ông kể chuyện trở lại của Victorinus cho tôi.

Victorinus là học giả danh tiếng thời đó trong khoa học tự do, một người nghiên cứu phê bình các triết gia lớn có uy tín, là người dậy học cho nhiều nghị sĩ. Vì những công việc ấy mà ông có tượng ở Forum trong thành phố Roma.

Suốt đời ông đã thờ ngẫu tượng và thành tín theo đạo của lương dân như mọi nhà lãnh đạo Roma thời đó. Ông còn bênh vực đạo cũ bằng những bài hùng biện vang lừng.

Khi về già ông học Thánh kinh, và tìm kiếm nghiên cứu các tác phẩm kitô giáo khác. Ông thấy những tác phẩm đó rất quyến rũ và thuyết phục nên ông đến thăm Simplicianus và nói "Tôi muốn ông biết tôi là người Kitô hữu." Nhưng Simplicianus không hoàn toàn tin lời ông. Ông nói: "Tôi không bao giờ tin điều đó hay nhận ông là Kitô hữu cho đến khi ông công khai đến nhà thờ của Chúa Kitô."

Victorinus cười. "Vậy những bức tường nhà thờ làm cho con người thành Kitô hữu sao?"

Nhưng Simplicianus giữ vững lập trường trong nhiều tuần lễ, người trí thức già nói lên là mình là Kitô hữu nhưng thừa tác viên thì nói là ông không là Kitô hữu bao lâu ông chưa sửa soạn gia nhập thân thể hữu hình của Chúa Kitô. Victorinus thường kết thúc tranh luận của mình với những lưu ý về tường nhà thờ. Sự thật là như ông biết, ông sợ xúc phạm bạn bè ông quen biết, những người theo thần dân ngoại, có thể phản lại ông nếu ông bỏ đạo và tin nhận Chúa Giêsu cách công khai.

Lâu lâu Victorinus có đọc lời cảnh cáo của Chúa Kitô trong phúc âm là ngài sẽ không tuyên xưng trước mặt thiên thần những người không dám tuyên xưng ngài trước mặt người đời. Ông già bắt đầu sợ là cuối cùng ông sẽ bị từ chối vì không muốn tuyên xưng Chúa cách công khai. Ông cũng thấy rất nặng nề khi trước đây ông tham gia những nghi thức ngoại đạo trong đền thờ cách tự do và hãnh diện nhưng bây giờ lại từ chối nhận lãnh bí tích Kitô giáo cách khiêm nhường, như người mang Lời Chúa.

Một hôm ông làm cho Simplicianus ngạc nhiên khi ông nói "Thôi, mình đi nhà thờ. Tôi quyết định làm Kitô hữu." Ông Simplicianus sung sướng đến nhà thờ với ông, ghi tên cho ông học đạo. Ông ghi tên ông làm tân tòng muốn tỏ ra mình đã sống lại đời sống mới làm cho những người ở Roma ngạc nhiên và Kitô hữu vui mừng.

Ðến ngày tuyên xưng đức tin vị linh mục dành cho Victorinus một lễ nghi riêng tư để công luận khỏi chú ý (một đặc ân thường ban cho những trường hợp đặc biệt). Ông từ chối và nói rằng ông muốn tuyên xưng đức tin trước mặt cả cộng đồng. Dù sao ông nói, điều ông dậy trước đây chỉ là kiến thức nhân loại. Tại sao vấn đề cứu độ quan trọng hơn lại không tuyên xưng công khai?

Khi ông đứng lên tuyên xưng đức tin (ở Roma thường làm với những mẫu kinh thuộc lòng) cả cộng đồng nhận ra ông. Họ thì thầm với nhau trong nhà thờ :"Ông Vctorinus đó!" Lúc sau họ không thể kìm hãm sự bất ngờ và sung sướng nên vui mừng la lớn. Nhưng khi ông bắt đầu nói thì cộng đồng im lặng vì ai cũng muốn nghe ông nói. Ông tin tưởng nói lên niềm tin của ông và mọi người trong cộng đồng đều cảm động yêu mến ông.

24. Vòng xích sắt

Câu chuyện Simplicianus kể cho tôi gây ảnh hưởng cho tôi. Tôi đột nhiên muốn hăng hái theo gương Victorinus. Sau đó trong thời hoàng đế Julian, Simplicianus cho tôi hay Victorinus phải chọn hoặc tiếp tục dậy tu từ hay chỉ học Thánh Kinh vì sắc lệnh hoàng đế không cho người Kitô hữu dậy văn chương hay tu từ. Dĩ nhiên Victorinus chọn con đường Lời Chúa. Tôi coi như ông có phước hơn là dứt khoát, khi có thể dễ dàng và rõ ràng quyết định như thế. Tôi ao ước có thể lựa chọn dễ dàng như thế. Tôi cảm thấy mình còn bị ràng buộc bằng xích sắt của Kẻ Thù dù tôi không muốn. Ðiều xảy ra cho chúng ta là những ước muốn không trong sạch phát xuất từ những tình cảm sai lạc và khi nhượng bộ chúng chúng ta tạo nên thói quen trở thành một thứ nhu cầu. Tiến trình này ràng buộc tôi như giây xích sắt. Ý chí mới của tôi muốn phụng sự Chúa không đủ mạnh để chiến thắng ý muốn cũ bị hư hoại, đã khó hơn vì thành thói quen. Vì thế hai ý muốn của tôi tranh chấp, cũ và mới, xác thịt và thần linh và cuộc tranh đấu làm cho tâm trí tôi rã rời.

Ðây là điều thánh Phaolô đã nói " Xác thịt tranh đấu cùng Thần Trí và Thần trí cùng xác thịt". Tôi dã kinh nghiệm điều mà thánh nhân và nhiều người khác đã có. Ðây không phải là điều độc đáo.

Chỉ vì ý chí tôi thất bại. Tôi như người đang ngủ thức dậy và muốn chỗi dậy và làm việc trong ngày, nhưng lại ngủ trở lại.Tâm trí bị thuyết phục nhưng thân xác không theo tín hiệu của nó.Chúa tỏ cho tôi điều tôi phải làm và tất cả câu trả lời là "Vâng, vâng, con đồng ý. Sớm sủa. Con sẽ làm ngay. Xin kiên nhẫn với con một chút nữa thôi." Nhưng thực sự cái sớm sủa càng ngày càng lâu và cái một ít nữa thôi thành một thời gian lâu.

Tôi thấy tập quán xấu rất tệ hại, một thứ luật của tội lỗi có thể làm cho tâm trí con người chống lại ý chí. Chúng ta phải trá giá quá đắt khi sa vào tội lỗi với ý thức. Như vị tông đồ đã viết "khốn khổ cho tôi, ai sẽ giải cứu khỏi thân xác hay chết này? Tôi biết như ngài biết, chỉ có câu giải đáp là ơn của Chúa Giêsu Kitô.

25. "Hãy làm cho con nên thánh nhưng xin đừng làm ngay"

Câu chuyện của Victorinus có ảnh hưởng lớn trong cuộc đời của tôi và lại được củng cố do một kinh nghiệm mấy ngày sau. Một người bạn ở Phi châu tên Pontitianus thăm tôi và Alipius. Anh ta có địa vị cao trong dinh hoàng đế. Tôi không thể nhớ anh đến thăm chúng tôi vào dịp nào nhưng tôi còn nhớ rõ anh lấy cuốn sách thư thánh Phaolô trên bàn tôi. Hình như anh ngạc nhiên thấy cuốn sách ở đó và anh rất hài lòng. Khi tôi giải thích cho anh tôi dùng nhiều thời gian để học kinh thánh, anh lợi dụng dịp ấy cho tôi hay anh là người Kitô hữu và mới có dịp học hỏi những tác phẩm của một vị ẩn sĩ Ai cập là Anthony. Cả tôi và Alipius đã nghe nói về ngài cũng như sự canh tân tinh thần lớn lao kèm theo sứ vụ của ngài. Hàng ngàn người đã vào tu viện hiến thân cho việc cầu nguyện và phục vụ ngay giữa lòng sa mạc.

Hơn thế nữa Pontitianus còn kể cho chúng tôi hay có một tu viện đang phát triển ở Milan ngay ngoài thành phố, dưới sự coi sóc của Ambrose. Chúng tôi sống ở Milan mà không biết gì về chuyện đó. Rồi anh tiếp tục kể anh đã đi thăm Treves với ba công chức, trong khi hoàng đế dự cuộc tranh đấu buổi chiều ở hí trường. Cả bốn người chia làm hai nhóm và tình cờ đi vào phía gần thành phố và hai người trong bọn đã vào một lều tranh nơi có nhiều kitô hữu sống hoàn toàn trong sự từ bỏ. Họ là những người có tinh thần nghèo khó sẽ được thừa hưởng nước trời.

Tại đây hai ông đọc một cuốn sách của thánh Anthony. Ðọc xong anh ta bèn quyết định sống cuộc sống như thế không phải một ngày kia, hay càng sớm càng tốt hay một lúc lâu sau, nhưng ngay tại đó và lúc đó. Anh ngỏ ý cho người bạn nói anh muốn đoạn tuyệt cuộc sống hiện tại và tham vọng và gia nhập cộng đoàn nhỏ này ngay, không trở về thành phố nữa. Anh bạn bất ngờ thay cũng muốn ở lại.

Khi Pontitianus và người bạn biết chuyện, họ cố gắng thuyết phục họ trở về hoàng cung. Nhưng khi họ thấy hai người quá thành thật họ cũng phải rơi nước mắt chúc mừng cho họ, hứa sẽ nâng đỡ họ bằng lời cầu nguyện và rất khó khăn mới trở về hoàng cung.

Hai người kia ở lại trong căn nhà nghèo đó, đầy tràn thị kiến. Cả hai đều mới đính hôn nhưng khi hai nàng nghe chuyện họ cũng quyết định hiến thân phục vụ Chúa và gia nhập tu viện.

Nghe câu chuyện đó tôi thấy như mình bị thúc nhắc. Ðiều này bó buộc tôi nhìn vào mình và ghét những gì tôi thấy. Trong bao nhiêu năm từ khi tôi được 19 tuổi, tôi thường nói mình tìm kiếm chân lý. Thế mà lúc này tôi vẫn còn trì hoãn còn chối bỏ trong khi những người này đã đáp lại tiếng gọi của Chúa ngay không phải trong năm hay tháng hay tuần lễ mà trong giây phút. Thực ra từ khi còn nhỏ tôi đã xin Chúa sự trong sạch. Nhưng tôi hay thêm điều kiện " Lạy Chúa xin cho con tiết độ nhưng đừng cho ngay." Tôi sợ Chúa trả lời ngay và giải thoát tôi ngay. Ðiều tôi muốn là làm sao cho ứ tràn dục tình.

Tôi điên khùng không quyết định nữa vì tôi không chắc con đường nào là đường chính mình phải theo. Lúc này tôi ở vị trí này, hoàn toàn chắc chắn về con đường, xác tín về chân lý, thế mà còn do dự cầu nguyện là "Lạy Chúa xin làm cho con nên thánh...nhưng xin đừng làm ngay."

26. Một ngày trong khu vườn

Có một khu vườn trong nhà trọ của chúng tôi, chúng tôi được tự do sử dụng vì ông chủ nhà ở chỗ khác. Một hôm trong giai đoạn tâm trí xao động, tôi vào vườn với Alipius. Tôi cảm thấy mình đang bị khủng hoảng. Tiếng tôi yếu đi và lạ kỳ, mặt tôi nóng bừng và tôi bắt đầu khóc.

Tôi nói với Alipius "Anh nhìn, nhìn xem tình trạng của chúng ta này. Người không được giáo dục và bình dân thì là những Kitô hữu dấn thân còn chúng ta, học cho nhiều vẫn còn bị xác thịt hành hạ." Chúng tôi ngồi xa căn nhà, tôi thổn thức và khóc, anh thì bối rối và bất ngờ. Lúc này tôi thấy tất cả chỉ là vấn đề của ý chí. Ta không thể làm gì nếu ta không muốn dù cho là giơ tay hay hoạch định một chương trình du lịch trên đất hay trên biển. Ta phải có ý chí muốn làm điều đó một ý chí có quyết tâm và mạnh mẽ, không phải thứ ý chí nửa chừng, do dự hay lập lờ.

Khi liên quan đến cơ thể, trừ khi bị thương tật hay yếu đuối, ý chí và năng lực để làm chuyện gì luôn là một. Tôi nghĩ đến chuyện giơ tay và tôi làm chuyện ấy.

Nhưng tại sao tâm trí lại chậm rì trong việc tuân theo ý chí? Có phải khi ta muốn chuyện gì như cử động vật lý thì ta muốn toàn diện, còn khi ta muốn làm gì về luân lý hay tâm linh, chúng ta chỉ muốn một phần hay nửa vời? Chính sự do dự làm cho không hành động được. Chúng ta không làm điều ấy vì trong nội tâm ta không chắc mình làm điều ấy.

Lúc đó tôi ngồi trong vườn trong thế giới riêng tư của riêng tôi. Bản tính cũ của tôi thừa hưởng của Adam và tội của ông, cố gắng giữ tôi lại trong khi Chúa tăng cường tiếng gọi nội tâm, gọi tôi dứt khoát với con người cũ và sống lại như con người mới. Tôi tiếp tục nói với chính mình "Nào hãy để chuyện đó xảy ra bây giờ, xảy ra bây giờ" và khi tôi nói tôi quyết định làm điều ấy. Nhưng tôi đã không làm. Tôi cũng không đi vào bản tính của mình. Tôi như đứng ngoài chính mình và nhìn xem cuộc chiến. Tôi đứng đó lưng chừng giữa chết cho cái chết và sống cho cuộc sống. Tôi ngạc nhiên vì những tập quán xấu giữ tôi lại.

Chúng thì thầm "nếu anh bước theo bước đó, anh sẽ không bao giờ nếm được khoái lạc do việc buông thả tình dục. Từ lúc đó anh sẽ bị cấm làm những chuyện đó. Anh có thực sự sống với chúng ta không?" Và dù cho tôi biết đó chỉ là trò chơi và hời hợt, so sánh với giá trị vĩnh cửu, tiếng của chúng có vẻ mời gọi và sự hối thúc của chúng giữ tôi lại.

Nhưng đó chỉ là năng lực mờ nhạt dần; không có gì như thế từ trước đến nay. Như là tôi thấy trước mắt tôi một thị kiến, một hình ảnh toàn thể của cuộc đời mới, cuộc sống trong sạch và kỷ luật. Ðây không phải là khung cảnh mờ nhạt hay tiêu cực. Khác hẳn thế. Nó hiện kích thích nhưng không phải là tình dục. Tôi có thể thấy trong thị kiến nhiều hạng người thuộc mọi lứa tuổi, thanh niên và thiếu nữ, bà goá già, ông già, nhưng tất cả đều tươi cười chào đón và hình như chan chứa niềm vui nội tâm.

Có tiếng nói với tôi "Anh không thể làm những điều như những người này sao? Họ không làm những điều đó dựa trên sức mình. Họ đã có niềm vui đó qua sức mạnh Chúa của họ ban cho. "Bạn lo lắng vì bạn cố hoàn tất công việc đó với sức mạnh của bạn, và như thế bạn không hoàn tất điều gì cả. Hãy ném mình vào lòng Chúa và tin cậy vào mình Ngài. Ngài không từ chối và làm cho bạn sa ngã. Nhưng bạn phải tín thác hoàn toàn vào ngài. Chỉ lúc đó và chỉ lúc đó ngài sẽ tiếp nhận và chữa bạn lành." Tôi do dự lại như đang nghe tiếng thì thầm ma quái nơi tai tôi "Anh có thể sống không có chúng ta mãi mãi không?" Lại có tiếng từ trời "Hãy bịt tai đừng nghe tiếng thì thầm đó. Ðó là tiếng nói của bản tính sa ngã tội lỗi. Hãy giết nó đi. Ta biết nó nói về mọi thứ mọi loại khoái lạc tội lỗi nhưng chúng nghịch lại luật của Chúa."

Cuộc tranh luận kỳ lạ tiếp tục trong lòng tôi trong khi Alipius khốn khổ ngồi bên cạnh tôi yên lặng đợi chờ cho cuộc chiến kết thúc.

Khi đó tôi thấy mình cần an tĩnh và tôi nói về điều đó, tôi không rõ đã nói gì và rời Alipius, để không bị áp lực của con người nào hết. Tôi nằm xuống gốc cây giẻ và khóc cay đắng, "một hi sinh đáng Chúa chấp nhận Chúa ơi." Tôi kêu lớn tiếng những lời tương tự như sau : "Ðến bao giờ, Chúa ơi? Ðến bao giờ ? Chúa giận con mãi sao? Xin đừng nhớ tới tội cũ của con.

Chính tội quá khứ và năng lực hiện tại của nó kêu tôi trở lại. Nên tôi tiếp tục cầu nguyện "Ðến bao giờ lạy Chúa? Ngày mai và ngày mai? Tại sao không bây giờ? Tại sao không thanh tẩy con trong giây phút này?"

Rồi trong lúc cầu nguyện tôi nghe có tiếng, như tiếng đứa trẻ trai hay gái trong nhà bên cạnh lập đi lập lại vài tiếng nói tôi nghe du dương như bài hát: Hãy cầm lấy mà đọc. Hãy cầm lấy mà đọc." Tôi dừng lại vì tiếng nói. Tôi chưa bao giờ nghe con nít nói thế khi chơi với nhau. Sự cay đắng và giọt lệ bỗng ngưng. Tôi chỗi dậy và xác tín sứ điệp tự trời cao và đó là điều nói với tôi bảo đọc nơi chương 1 tôi tìm thấy nơi cuốn sách thơ thánh Phaolô đang mở sẵn. Tôi nhớ lại Anthony cũng đã được bảo cũng một cách như thế bằng một đoạn Phúc âm hình như có ý nghĩa với ông trong một giai đoạn cuộc đời. "Hãy đi bán mọi của con có, và cho kẻ nghèo, và con sẽ có gia tài trên trời. Rồi đến và theo ta."

Thế là tôi trở lại bàn nơi Alipius đang ngồi và lấy cuốn sách thánh Phaolô tôi đang để đó. Tôi cầm lấy sách rất nhanh trong tay, mở sách và đọc trong thinh lặng chương sách đập vào mắt tôi "Không phải trong trác táng say sưa, trong việc đổi vợ chồng hay tà dâm, không phải trong giận dữ và ghen tương: nhưng hãy mặc lấy Chúa Kitô Giêsu và không chiều theo xác thịt hay ham muốn của nó."

Tôi không cần đọc thêm. Ngay tức khắc khi tôi đọc hết câu,mọi bóng tối nghi ngờ trước kia tan biến, như ánh sáng trong lành chói lói tràn vào lòng tôi. Tôi phải bỏ con người cũ, phải mặc lấy con người mới, và tôi phải làm ngay bây giờ.

Tôi gấp sách đánh dấu chỗ vừa đọc và kể cho Alipius chuyện gì đã xảy ra cách bình tĩnh. Anh cũng kể cho tôi những gì xảy ra trong lòng anh mà tôi không biết. Bấy giờ anh xin tôi cho đọc đoạn kinh thánh tôi đã đọc nhưng anh đọc một đoạn xa hơn tôi không biết ở đâu "Bây giờ kẻ yếu đuối trong niềm tin anh hãy mang theo anh." Anh áp dụng điều đó cho anh, anh nói với tôi, và ngay lập tức, không do dự, anh theo tôi trong mục đích và quyết tâm mới.

Ngay lập tức chúng tôi vào nhà và kể cho mẹ tôi những gì đã xảy ra.

Khỏi cần phải nói mẹ tôi vui mừng khôn tả. Như bà nói "Chúa còn làm hơn cả những điều ta xin hay nghĩ tới." Bà nói thế vì bà chỉ giới hạn lời cầu nguyện cho tôi trở lại. Nhưng Chúa đã làm quá cho tôi khiến tôi quên cả tham vọng, ngay cả ước muốn có vợ, và quyết định dấn thân cho qui luật cuộc sống Chúa đã tỏ cho mẹ tôi trước đây bao nhiêu năm trước khi tôi chấp nhận, một sự chấp nhận mẹ không thể tin có thể xảy ra.

Chương 6: Tin và đau khổ

§ Lm Ngô Tường Dzũng

(tiếp theo... Sách Tự Thú của Thánh Augustinô)

Việc trở lại của Augustin làm cho ngài vui mừng và thoải mái, và cũng mang lại niềm vui cho mẹ ngài. Việc chịu phép rửa tội của ngài của Alipius và của đứa con tên Adeodatus là một cuộc lễ lớn. Ðáng buồn cho Augustin là sau khi ngài được rửa tội thì mẹ ngài chết và đây là thử thách cho niềm tin mới của ngài.

Cuốn tự thú kết thúc ở đây. Người con hoang đã trở về. Người quan sát và cầu nguyện cho người con suốt cả cuộc đời đã vào chốn nghỉ ngơi hằng mong đợi.

Cuộc đời của Augustin còn tiếp tục. Ngài lập dòng tu còn tồn tại đến ngày nay. Ngài chịu chức linh mục năm 391 do giám mục Valerius thành Hippo. Rồi khi giám mục chết 4 năm sau, Augustin được chỉ định thay thế ngài. Ngài có ảnh hưởng lớn lao trên giáo hội ngày nay, đã huấn luyện hàng giáo sĩ với 12 giám mục Phi châu là người của ngài và viết rất nhiều sách phi bác lạc giáo và chứng minh Kitô giáo theo truyền thống tông đồ.

27. Hậu quả trên bạn bè

Quyết định đầu tiên của tôi sau khi trở lại là bỏ nghề giáo sư tu từ. Bây giờ tôi thấy nghề này chẳng khác gì bán cái lưỡi gian dối không hơn không kém, dùng tài lợi khẩu không phải để phục vụ luật pháp hay sự bình an, nhưng để thắng những tranh chấp luật pháp. Cuộc trở lại của tôi xảy ra ba tuần trước khi hết khoá học và dù đau đớn khi phải làm thế, tôi cảm thấy mình không đúng với các học sinh đang học tôi.

Tôi nói đau đớn theo hai ý nghĩa. Linh thiêng, vì mọi ước muốn kiếm tiền không còn nữa và đó là lý do của mọi công việc tôi đã làm. Nhưng vật chất vì tôi bị đau phổi nên khó thở. Tuy nhiên hoàn cảnh này cho phép tôi hạn chế lớp học và công việc cho nên làm cho tiến trình thôi dậy học dễ dàng hơn. Cũng tránh cho tôi phải tuyên bố rằng tôi thành Kitô hữu tôi đã bỏ chức vụ nhiều tiền và được kính trọng.

Tâm trí tôi được tự do khỏi những ham muốn và giàu sang, cũng không bị cám dỗ về không trong sạch hay tà dâm. Tôi chỉ ngồi trong phòng và tâm sự với Chúa như đứa nhỏ lắm chuyện.

Hai người bạn và đồng chí Verecundus và Nebridius không có chia xẻ kinh nghiệm trong khu vườn của chúng tôi. Verecundus rất bực bội vì ông thấy hội của chúng tôi sẽ tan vỡ. Anh bị đức tin lôi kéo nhưng anh thấy vợ anh là chướng ngại duy nhất cho việc trở lại dù cho vợ anh là người công giáo. Chỉ vì như anh nói "Tôi không muốn là Kitô hữu nhưng kém hai người vì tôi không thể là người độc thân." Chúng tôi cố gắng khuyên nhủ anh là anh có thể hoàn toàn trung thành với Chúa trong tình trạng hôn nhân hiện tại. Nhưng khi đó anh không hoàn toàn bị khuất phục.

Anh rất tử tế nên cho chúng tôi mượn căn nhà ở nhà quê của anh ở Cassiciacum và tại đó chúng tôi có thể sống trong khi chúng tôi gặp khó khăn sau khi trở lại. Sau đó khi chúng tôi vắng mặt anh bị đau mà lại đau nặng anh đã trở thành Kitô hữu. Chúng tôi coi đó là dấu hiệu cho thấy Chúa thương anh và thương chúng tôi. Chắc chắn chúng tôi rất buồn vì anh rất thân thiết mà khi chết không có mặt chúng tôi.

Nebridius cũng trở lại với Chúa Kitô. Anh cũng theo bè rối cho rằng Chúa Giêsu thực sự không mang lấy xác thịt con người nhưng chỉ là hữu thể linh thiêng khi nhập thế. Nhưng trong thời gian chúng tôi trở lại anh đã bỏ quan niệm đó và tìm kiếm chân lý thực sự. Ít lâu sau anh cũng trở lại và mang cả gia đình ở Phi châu về với Chúa. Rồi như Verecundus anh bị đau và chết, hiện nay anh đang ở thiên đàng.

Tôi nhớ anh với nhiều thương mến và sung sướng nghĩ rằng anh đang ở bên Chúa như người con đích thực trên trời như anh thường nói với tôi trong lúc tôi cũng dốt nát về những sự siêu nhiên như anh. Bây giờ anh không cần hỏi người hướng đạo không có thích hợp và khả năng nhưng có thể uống sự khôn ngoan nơi nguồn hiểu biết tràn đầy. Và tôi dám hi vọng anh cũng còn nhớ đến tôi.

28. Niềm vui của Thánh Thần

Khi khoá học chấm dứt tôi có thể dành thì giờ cho việc thiêng liêng nuôi linh hồn tôi. Tôi viết nhiều thư vài thư cho Nebridius cố gắng giải thích cho anh hay Chúa đã tỏ mình ra cho chúng tôi thế nào và làm chứng cho ơn Chúa trong cuộc sống của tôi. Và Chúa hoạt động trong tôi trên sự thô kệch và kiêu ngạo, làm cho tôi tuân phục và khiêm nhường, nhiều khi với những roi vọt nhiều khi với sự ban phúc làm cho tôi vui mừng.

Tôi lại khám phá ra những thánh vịnh của vua David, những ca vịnh tuyệt diệu về niềm tin với những lời trách cứ sự kiêu ngạo. Ðó là cuốn sách tôi dùng trong thời gian ở Cassiciacum. Tôi coi thánh vịnh David như của tôi, đọc lớn tiếng, để hi vọng cả nhân loại có thể trả lời cho sứ điệp của những thánh vịnh đó.

Tôi chỉ mới là tập sinh yêu Chúa, người khách lạ mới tới trong thế giới ơn sủng như Alipius.Nhưng có mẹ tôi ở với chúng tôi, người phụ nữ có niềm tin trưởng thành, càng thêm tuổi càng kiên nhẫn, sự thông cảm dịu dàng của một người mẹ, và sự đạo đức của người Kitô hữu đích thực. Trong khi chúng tôi học giáo lý và dần dần được giáo huấn về đức tin, thì bà luôn nâng đỡ và khuyến khích chúng tôi. Tôi cũng mở lòng cho Thánh Linh. Tôi đã nhận được ơn cứu độ. Chúa đã sai Con Ngài chết cho tội, cho Ngài sống lại từ cõi chết và tôn vinh Ngài trong vinh quang từ đó theo lời Kinh Thánh "Ngài tuôn tràn Thần Khí chân lý Ðấng an ủi." Thánh Thần đã ban cho tôi, điều này đã xảy ra nhưng tôi không ý thức về Ngài. Tôi đã được tha thứ nhưng tôi chưa có sự bình an toàn diện vì tôi còn lo lắng về những chuyên quá khứ đem đến tội lỗi và nhất là vì nhớ lại những tội trong quá khứ.

Tại căn nhà miền quê của Verecundus Thánh Thần bắt đầu công việc êm dịu của người và mang niềm vui cho tâm hồn tôi. Qua đau khổ tôi đến gần người hơn.

Tình cờ tôi bị đau răng kinh khủng. Làm cho tôi không nói được. Lúc đó vì đau quá tôi xin bạn bè cầu nguyện xin Chúa chữa tôi. Tôi viết thư xin cầu nguyện Và trong lúc chúng tôi quì xuống cầu nguyện thì cơn đau chấm dứt. Tôi sợ quá. Không hiểu đây là thứ đau đớn nào? Nguồn gốc từ đâu? Và do quyền lực nào mà không còn đau răng nữa? Nhưng trong nội tâm đã có lời xác tín tôi cần. Ý Chúa nên trọn nơi tôi. Lòng tôi hướng về Chúa với niềm vui và ca tụng, căn bản trong niềm tin.

29. Lòng thương của Chúa trong bí tích rửa tội

Cuối mùa hái nho khi sắp tới niên học ở Milan, tôi viết thư cho phụ huynh học sinh biết tôi không dậy học nữa.Tôi cũng viết thư cho giám mục Ambrose nói về những lầm lạc trước đây cũng như dấn thân hiện tại và xin ngài cho ý kiến nên đọc sách nào để lớn lên trong ơn sủng. Ngài đề nghị sách tiên tri Isaiah vì ông này nói rõ về phúc âm và ý định của Chúa cho người dân ngoại. Tuy nhiên khi bắt đầu đọc tôi thấy cuốn sách khó và tối tăm nên tôi không đọc, đợi khi nào được dậy dỗ về lời Chúa rồi mới đọc.

Lúc này tôi phải ghi tên chịu phép rửa nên chúng tôi bỏ miền quê và về Milan. Có hai người cùng chịu phép rửa với tôi và tôi vui mừng cho cả hai.

Người đầu tiên dĩ nhiên là Alipius bây giờ là người Kitô hữu có niềm tin khiêm nhường và kỳ diệu. Người thứ hai là con tôi, Adeodatus và đây là phép lạ của lòng Chúa quảng đại. Bây giờ cháu được 15 tuổi, đứa con của sự vô luân nhưng là đứa trẻ có tài năng khôn ngoan và trưởng thành trong tinh thần. Ðây là một lời tạ ơn nhỏ bé cho tôi vì tôi sợ như thế vì tất cả những gì tôi cho cháu chỉ là tội lỗi của tôi và cháu sinh ra do tội lỗi đó. Ðiều làm cho cháu kính sợ Chúa chính là ơn Chúa hoàn toàn, đã đem cha con chúng tôi đến đó ngay cả khi cả hai còn mù loà không thấy sự thực.

Tôi rất vui sau khi rửa tội cùng viết với cháu một cuốn sách, một cuộc đối thoại giữa hai cha con nhan đề: Về sư phụ. Chúa biết rõ mọi lời con tôi nói trong cuốn sách không phải là cháu nói, cho thấy mới 16 tuổi đã có dấu hiệu lạ lùng tìm kiếm sự thực. Cháu chết khi còn trẻ, chưa trọn vẹn ở thế gian nhưng tôi tin tưởng hiện nay cháu được trọn vẹn trên thiên đàng.

Khi chịu phép rửa chúng tôi đứng với nhau vì trong thực tại của ơn sủng chúng tôi chỉ là những đứa bé sơ sinh. Những lo lắng về tội quá khứ và cuộc sống đã qua liền biến đi ngay, và trong những ngày sau tôi cảm thấy vui khôn tả và đi sâu vào chương trình cứu độ của Chúa.

30. Một dịp ăn mừng

Thường khi hát thánh vịnh hay thánh ca trong nhà thờ tôi thường khóc vì vui vì thấy bài hát êm dịu và ý tứ chứa đựng chân lý. Nhà thờ ở Milan khi chúng tôi tham dự luôn có bầu khí vui mừng ca tụng. Một năm trước đây Justina mẹ của hoàng đế Valentinian còn trẻ tuổi đã theo bà Arian và mưu toan đổi giám mục Ambrose đi vì ngài phi bác hoàn toàn những lý thuyết sai lạc của Ario về bản tính của Chúa. Cả cộng đồng luôn canh gác nhà thờ và vùng phụ cận sợ tay sai của bà đến làm hại hay giết giám mục Ambrose. Mẹ tôi và những người khác suốt ngày cầu nguyện để quân thù khỏi bạo động.

Trong lúc đó nhà thờ Milan dùng thánh vịnh và ca vịnh trong phụng vụ trước đây chỉ dùng trong giáo hội đông phương. Ðem thánh vịnh vào để giảm bớt căng thẳng khi phải canh thức lâu giờ nhưng sau đó lại hạn chế và việc thực hành này hiện nay không sử dụng trên toàn thế giới.

Từ lúc đó giáo hội đã được giải thoát một cách đặc biệt. Chúa tỏ cho thánh Ambrose trong một thị kiến nơi có hài cốt hai thánh tử đạo Gervasio và Protasio được dấu ẩn trong nhiều năm. Khi nấm mộ bí mật được mở ra và thì thấy Chúa đã giữ cho hai xác không hư thối. Ambrose thu xếp đem hài cốt vào chôn cất trong nhà thờ. Chính trong lúc chuyển xác mà phép lạ thực hiện. Một người mù trong thành phố ai cũng biết xin người hướng dẫn đem anh đi rước và được phép rờ quan tài của các thánh bằng khăn tay. Khi đã làm xong anh giụi khăn vào mắt và lạ lùng thay anh kêu lớn tiếng vì khỏi mù, sự kiện này ai cũng biết hết.

Kết quả là cả thành phố rung động và chính hoàng hậu Justina dù không từ bỏ bè rối, cũng đến nhà thờ nhưng không có bỏ ý định bách hại giám mục Ambrose.

Tôi giả thiết khi nhớ lại những biến cố trước khi được rửa tội, tôi đã biết tuy không cho đó là dấu hiệu hay xác tín về đức tin, đã làm cho tôi khóc khi đọc thánh vịnh. Không còn hối tiếc chỉ còn niềm vui lớn lao tôi được hít thở trong ơn sủng Chúa và tình yêu Ngài bao lâu con người có thể hít thở trong căn nhà bằng đất này.

31. Mẹ tôi qua đời

Một anh thanh niên cùng quê tên là Euodius đã trở lại và rửa tội cùng về nhà với chúng tôi. Anh cũng muốn theo luật sống và chúng tôi định về Carthage và tìm cách phục vụ Chúa tại đấy. Chúng tôi theo đường bộ về Ostia nơi cửa sông Tiber và định ở lại sửa soạn ít lâu cho cuộc vượt biển.

Một hôm mẹ tôi và tôi đứng nơi cửa sổ nhìn ra vườn trong căn nhà ở Ostia. Như mọi khi chúng tôi nói chuyện với nhau. Chủ đề là cuộc sống vĩnh cửu và cuộc sống của các thánh trên thiên đàng. Trong khi nói hình như câu chuyện của chúng tôi vươn lên cao như ra khỏi giới hạn của tâm trí. Chúng tôi cảm phục lòng nhân hậu Chúa và tiếp tục nói và nhìn vào lòng mình thấy như có bàn tay Chúa ở đó. Chúng tôi ý thức hiện tại và ý thức hiện tại rất rõ ràng: không phải cái quá khứ hay tương lai, nhưng cái hiện tại như chính Chúa. Trong khoảnh khắc lời nói của chúng tôi không phải của con người nữa. Tôi thực sự tin là mình đã nếm thử sự đời đời. Rồi chúng tôi thở dài và trở lại với những ngôn ngữ thường ngày và những giới hạn của nó. Nhưng bằng những lời đó chúng tôi muốn bắt lấy kinh nghiệm. Hình như vĩnh cửu là khi mọi xôn xao của thế giới lắng chìm, mọi miệng lưỡi con người không nói nữa, mọi tư tưởng con người không còn, mọi tưởng tượng giấc mơ ký hiệu hay tượng trưng đều dẹp bỏ, Và trong cõi yên lặng hùng vĩ đó chỉ có Chúa nói, không qua con người, hay chữ viết, tiếng thiên thần hay dụ ngôn, nhưng hình như chính Chúa đang tỏ bày mọi sự.

Bên cạnh thực thể vĩnh cửu đó, mọi niềm vui của trái đất dù cho tinh tuyền nhất hay thánh thiện nhất cũng biến đi như vô ý nghĩa. Kinh nghiệm như thế ban cho con người đã là kinh nghiệm của chúng tôi trong khoảnh khắc nhận thức. Ðây có phải chu toàn lời hứa "Hãy vào hưởng niềm vui của chủ ngươi?" Nhưng điều này có thể xảy ra khi ta mang thân xác thịt? Chắc chắn phải đợi cho đến khi ta sống lại, biến đổi trong khoảnh khắc" đi vào cuộc sống của sự sống lại. Rồi chúng tôi nói đến không phải với những từ ngữ như thế. Nhưng Chúa biết hôm đó chúng tôi đi vào việc chia sẻ kinh nghiệm làm cho cuộc sống cũng thành hèn hạ và chúng tôi đã diễn tả với những thành ngữ như thế. Khi xong, mẹ tôi nói.

"Augustin con của mẹ, mẹ không còn thấy thú vị gì khi sống ở trần gian này nữa. Thực ra mẹ không biết còn việc gì phải làm ở trần gian này, cũng không biết tại sao Chúa còn để mẹ ở đây trong khi mọi hi vọng đã thànhh sự thực. Chỉ một điều làm cho mẹ còn muốn sống lâu hơn là niềm hi vọng thấy con trở thành Kitô hữu thực trước khi mẹ chết. Bây giờ không những Chúa ban ơn cho mẹ mà còn ban hơn nữa là thấy con bỏ gian tà những ham hố trần gian và hiến thân phụng sự ngài. Vậy thì mẹ sống làm gì nữa ?"

Tôi không nhớ tôi trả lời mẹ tôi ra sao nhưng chỉ trong vòng năm ngày mẹ lên cơn nóng lạnh. Bà bị nặng nên bất tỉnh luôn và chúng tôi đều chạy đến bên giường bà. Khi vừa tỉnh lại và thấy tôi và em tôi là Navigius bên cạnh bà hỏi chúng tôi "Mẹ đang ở đâu?" Rồi nhìn vào chúng tôi bà nói:"Các con sẽ chôn mẹ tại đây."

Tôi im lặng nhưng em tôi nói mẹ nên về quê hãy chết. Mẹ tôi lo lắng nhìn em và nói "Hãy chôn thân xác này ở đâu tuỳ ý các con và đừng lo lắng về chuyện đó. Mọi điều mẹ xin là chúng con hãy nhớ đến mẹ khi các con chịu các phép bí tích, dù cho chúng con ở đâu. Rồi mẹ không nói nữa vì bà rất yếu và bịnh nặng thêm.

Tuy nhiên đối với tôi cuộc nói chuyện ngắn ngủi đó đáng khen ngợi. Tôi biết trong bao nhiêu năm mẹ tôi đã lo lắng mình sẽ được chôn cất ở đâu. Mẹ đã được phép sửa soạn chỗ nằm bên cạnh chồng bà, và hi vọng sau khi rời nước Ý bà sẽ được chôn cất trên mảnh đất quê hương ở Bắc phi.

Tôi không biết mẹ tôi từ bỏ cái hi vọng mê tín đó ở đâu nhưng ít lâu sau một người bạn ở Ostia cho tôi hay bà đã bàn cãi với anh về chuyện đó. Người bạn nói bà sợ chết xa quê hương. Mẹ tôi trả lời: "Chỗ nào cũng gần Chúa cả. Tôi không lo lắng sợ rằng trong ngày tận thế Chúa sẽ không tìm ra xác tôi ở đâu để làm cho sống lại.

Mẹ tôi đau một tuần. Rồi khi được 56 tuổi, khi tôi được 33 Chúa đã giải thoát linh hồn mẹ tôi khỏi nhà tù thân xác yếu đuối và mệt nhọc.

32. Buồn sầu và tin

Khi mẹ tôi chết tôi cúi xuống vuốt mắt mẹ. Ðột nhiên buồn sầu tràn ngập tâm hồn và tôi khóc thảm thiết. Con tôi là Adeodatus thấy bà chết khóc lớn tiếng nhưng chúng tôi bảo cháu im và cháu bình tĩnh lại. Tôi đè nén không khóc và khi đưa đám chúng tôi không thích tỏ ra buồn phiền hay than khóc. Chúng tôi coi chuyện đó chỉ dành cho những người tin rằng chết là hết hay là mất mát. Dù sao mẹ tôi cũng chết sung sướng. Nghĩa là mẹ tôi không chết vì tôi biết niềm tin của mẹ sẽ đưa mẹ tôi về thiên đàng.

Ðiều làm tôi đau khổ trong lòng chính là không được ở bên mẹ thân tình, chấm dứt một cái gì quí giá và độc đáo cho chúng tôi. Mẹ gọi tôi là đứa con tốt lành nhưng mẹ còn tốt với tôi rất nhiều và những điều mẹ làm cho tôi có giá trị biết bao.

Sau khi bà chết và Adeodatus đứng yên, Euodius bắt đầu hát thánh vịnh: "Lạy Chúa tôi ca tụng Chúa nhân từ và là quan án" và cả nhà hát với chúng tôi có cả những tín hữu và trong khi người ta sửa soạn đám táng thì tôi nói với họ. Tôi nghĩ hàng xóm sẽ nghĩ là tôi không biết buồn khổ. Nhưng tôi biết trong lòng tôi như thế nào dù bên ngoài không tỏ ra dấu gì.

Tuy nhiên khi mang xác mẹ tôi đi tôi đi theo không khóc cả khi dự thánh lễ tại nhà mộ theo phong tục hồi đó. Nhưng trong lòng tôi rất buồn và tôi xin Chúa cất hết sự buồn khổ của tôi như là một sự chối bỏ niềm tin.

Tôi nhớ lại người Hilạp tin rằng đi tắm thì sẽ hết buồn nhưng không giúp gì cho tôi cả. Sau khi tắm tôi buồn ngủ và khi thức dậy buồn khổ không còn nữa. Khi còn nằm trên giường bài thánh ca của Ambrose đến với tôi và giúp an ủi tôi:

"Chúa tạo nên trái đất con yêu
Ðặt mặt trời mặt trăng ở trên
Chúa ban ánh sáng tràn ngày sống
Bóng tối cho mắt ngủ đêm thâu
Giấc ngủ cải tạo năng lực thân thể
để làm việc trong ánh sáng ban ngày
làm êm dịu tâm hồn tươi trẻ
dùng mọi điều săn sóc trên đời."

Tôi bắt đầu nhớ lại mẹ tôi khi tôi còn nhỏ: bà luôn đạo đức hiền dịu và săn sóc. Rồi tôi lại khóc. Mọi giọt lệ tôi kiềm chế không nổi lại trào ra. Chỉ mình Chúa thấy tôi khóc nhưng tôi không cho đó là tội lỗi hay bất trung với nguyên tắc của tôi.

Nhìn lại, tôi vẫn còn khóc nhưng đó là những giọt lệ khác hẳn. Dĩ nhiên tôi còn nhớ cuộc sống đạo đức của bà và niềm tin mạnh mẽ của bà, nhưng tôi cũng phải nhớ lại bà cũng như mọi người chúng tôi là một tội nhân và niềm hi vọng duy nhất được lên trời là qua sự tha thứ có được trên thập giá do chính Con Thiên Chúa, đang ngự bên hữu Cha và cầu bầu cho ta.

Niềm hi vọng duy nhất của bà là nơi hi lễ hoàn hảo đó nhờ thế dấu tội được tẩy xoá, kẻ thù Satan bị dầy đạp và qua đó chúng ta còn hơn những người chiến thắng nữa. Mẹ luôn gắn bó với bí tích cứu độ suốt cuộc đời bằng giây ràng buộc của niềm tin. Mong sao đừng có gì ngăn trở giữa bà và tình yêu Chúa. Tôi tin Chúa đã nhận lời tôi cầu nguyện cho bà. Mẹ tôi không bao giờ nói bà không phạm tội nhưng nói là Chúa đã tha tội cho bà.

Hãy nghỉ bình yên với chồng của mẹ là Patricius mà mẹ đã đưa về cho Chúa. Hai người, cha mẹ tôi trong cuộc đời phù du này, cũng là anh em chị em của tôi trong Giáo Hội, và đồng bào của tôi trên thành thánh Jerusalem mới.

Chương 7: Thầy dậy và nhà giảng thuyết

PHẦN II.

Phần này là tuyển tập nhỏ, những bài mẫu trong kho tàng tác phẩm đồ sộ của thánh Augustin về cuộc sống Kitô hữu và tu đức cũng như những vấn đề lớn của đức tin.

Ta thấy thánh vịnh quan trọng thế nào trong một giai đoạn cuộc đời của Ngài. Cũng phản ánh ở đây một số những vấn đề ngài đã suy nghĩ trong những năm hành trình đức tin.

Ðiều đáng chú ý là tâm hồn của thầy giáo và nhà giảng thuyết. Augustin luôn áp dụng chân lý Thánh Kinh nhưng ta phải công nhận là không phải luôn luôn theo phương pháp chú giải hiện nay. Nhưng ngài dùng kiến thức Thánh Kinh để đặt vấn đề, cảnh cáo, sưởi ấm, khuyến khích và gợi hứng mà không có nhà giảng thuyết hay văn sĩ thời nay sánh bằng. Giám mục thành Hippo tuy qua đời năm 430 nhưng vẫn còn nói với chúng ta.

33. Nguy hiểm của nói hành

Một trong những gương mẫu của mẹ tôi là việc mẹ sử dụng lời nói chỉ để mang lại bình an.

Mẹ chinh phục mẹ chồng khi không bao giờ nói xấu bà ta, ngay cả khi mẹ luôn bị chỉ trích nhiều, sau này bà mới biết, qua những tin đồn ác ý trong nhóm đầy tớ. Sự kiên nhẫn và miệng lưỡi dịu hiền đã chinh phục bà nội tôi.

Qui luật của mẹ tôi là chỉ nói với người khác điều có thể làm cho hai người thù nhau giải hoà, không bao giờ làm cho người ta ghét nhau. Nếu bà nói riêng cho từng người đang tranh cãi, bà chỉ nói những điều tích cực và giúp ích mà người kia đã nói. Ðây là một nhân đức nhỏ. Nhưng kinh nghiệm cho tôi thấy là, hầu hết người ta trong những trường hợp ấy, có lẽ đây là một trong những hậu quả của bản tính con người đã sa ngã, thường có khuynh hướng nói đến những điều xấu xa nhất họ được nghe và còn nói thêm nữa.

Không có con đường hoà bình như đã nói, đúng hơn hoà bình là con đường.

34. Không phải chúng ta biết gì nhưng tại sao ta biết

Lạy Chúa, Chúa vui lòng với người chỉ vì họ không có kiến thức. Thực sự có thể có người biết hết mọi sự phải biết trong thế giới bao la này, chỉ trừ không biết Chúa và như thế cũng không biết gì hết. Còn như người khác có thể không biết gì những kiến thức nhân loại, nhưng họ biết Chúa và họ sung sướng, thoả mãn.

Nói đúng ra, ai ở chỗ tốt hơn, một người có cây và cám ơn Chúa vì những gì tốt đẹp cây đó mang lại, hay người cũng có cây đó biết cây nặng bao nhiêu và kích thước nó cho đến cái lá cuối cùng, nhưng không biết là Chúa là Ðấng Sáng tạo và qua Chúa họ mới sử dụng được cây đó. Thực sự con người sau dốt nát dù có nhiều dữ kiện, còn người trước thì khôn ngoan dù họ không biết nhiều chi tiết.

Như thế cách chung chung kiến thức quan trọng nhất là biết Chúa. Một người có kiến thức ấy như thánh Phaolô nói "không sở hữu gì nhưng có mọi sự". Chúng con không thể biết Ðại hùng tinh chạy ra sao, không thể phân tích những nguyên tốt hoá học hay đo lường lục địa, tạo nên những yếu tố, nhưng chúng con có thể biết Chúa, lạy Chúa, là Ðấng Sáng tạo và là Chúa, định cho sao trời chạy, tạo nên những nguyên tố và làm nên hình thù đất trời biển cả. Biết người hoạch định chương trình thì tốt hơn biết chương trình.

35. Vâng lời Chúa và Caesar

Có khác biệt giữa luật Chúa và luật con người. Luật con người dựa trên nhiều tập tục và thói quen khác nhau, còn luật Chúa thì bền vững và tuyệt đối.

Dĩ nhiên điều ấy không có nghĩa chúng ta có thể khinh thường luật nhân loại, luật quốc gia hay chính quyền mà không phải phạt. Luật do hiến pháp một quốc gia hau dân tộc là ý muốn của toàn thể và không thể chấp nhận cho cá nhân chống lại đoàn thể mà họ chỉ là phần tử.

Vì thế người có đạo tôn trọng luật quốc gia nhưng không thể ưu tiên hơn luật Chúa. Khi Chúa truyền gì thì phải làm. Phải, chúng ta phải thi hành dù cho trái ngược với tập tục hay qui luật của xã hội dù cho từ trước đến nay không có như thế. Nếu Chúa truyền cho ta làm gì mà vì lý do này nọ ta thôi không làm thì chúng ta phải làm lại. Nếu Chúa truyền phải xếp đặt điều gì mà hiện tại không có, chúng ta phải xếp đặt.

Lý do rất đơn giản. Hoàn toàn hợp pháp cho nhà lãnh đạo trên thế gian ra sắc lệnh mới, và bề dưới bó buộc phải tuân hành trừ khi nó vi phạm công ích. và như ta thường công nhận xã hội có trật tự là ta vâng lời lề luật, thì cũng có cá nhân có thể chống lại luật đó.

Nếu ta không vâng lời luật nhân loại làm sao ta vâng theo luật Chúa được? Trong trật tự xã hội nhân loại người lớn chẳng hạn nhà nước được người nhỏ như cá nhân vâng lời. Vì quyền năng Chúa vô cùng cả vũ trụ phải vâng phục người và không có biện luận ưu tiên cá nhân hay công ích nặng ký hơn luật Chúa.

36. Tiếng nói của con tim

Tại trường tôi phải học tiếng Hilạp và tôi ghét điều này. Người ta bảo tôi truyện Homer rất tuyệt nhưng thực ra tôi không thích gì. Tôi dám nói câu chuyện hấp dẫn, đối thoại không ngoan và tinh tế nhưng cũng không giúp gì cho tôi. Khó mà thích cuốn sách mỗi câu phải ngưng lại và dùng thì giờ tra từ điển hơn đọc truyện. Cũng không giúp được gì khi có ông thầy trước mặt mang thước kẻ và đánh đập mỗi khi mình sai.

Dĩ nhiên có thời tôi phải học tiếng latinh. Nhưng điều này dễ dàng biết bao. Không ai đứng gần tôi. Không có áp chế và đàn áp. Người vú nói với tôi khi tắm hay thay quần áo. Cha mẹ tôi nói khi ăn cơm. Khi tôi làm chuyện gì khôn các ngài khen tôi bằng tiếng latinh. Khi có ai làm trò cười cho tôi, câu chuyện khôi hài cũng bằng ngôn ngữ quen thuộc đó.

Tự nhiên, thời gian qua, khi tôi muốn nói gì hay khen ai hay làm cho họ cười, tôi nói tiếng latinh, có thể lúc đầu sai nhưng không ai để ý. Ðây là ngôn ngữ của tôi, ngôn ngữ của trái tim, tôi học do người ta nói chứ không do thày giáo. Ðiều quan trọng là sự tò mò,tự do và thích thú là cách học tốt hơn học vì cần, vì sợ hay do thúc đẩy.

Rồi tôi tự hỏi trong những vấn đề siêu nhiên có như thế không? Tôi có học con đường của Chúa vì sợ vì bổn phận và thúc đẩy? Hay do tự do và niềm vui, chỉ vì đang ở nhà cha tôi? Tôi có thể biết được tiếng của Thánh Linh như khi tôi nghe tiếng mẹ đẻ?

Tôi quyết định là câu trả lời là không. Những điều của Thần linh không đến tự nhiên như tiếng mẹ đẻ cho người sa ngã. Thích thú, vui và tự do giúp tôi học nhưng sau đó cần có, dù tôi không muốn thế, sự thúc đẩy của Chúa, áp lực của Thánh Thần, sự tự chế của Chúa qua những qui luật tình thương. Ðể một mình tự do và niềm vui sẽ đem chúng ta đến bến bờ nào?

37. Chúa như thế nào?

Chúa là ai ngoài Chúa ta? Thiên Chúa nào ngoài Thiên Chúa ta? Chúng con mong biết Chúa như thế nào để hiểu làm sao Chúa có thể hoà hợp bao yếu tố chọi nhau. Chúa tối cao trên mọi sự, toàn năng, rất từ bi, nhưng lại hoàn toàn công chính. Chúa có thể dấu mình không cho chúng con thấy nhưng vẫn ở với chúng con mọi lúc. Chúa là nguồn sự Ðẹp nhưng cũng của vật chất thô kệch. Chúa có thể hoàn toàn cho chúng con tin cậy nhưng chúng con không thể nắm lấy Chúa. Chúa không bao giờ thay đổi nhưng Chúa là nguyên nhân cho vạn vật đổi thay. Vì Chúa vĩnh cửu, Chúa không trẻ không già, nhưng Chúa làm cho mọi sự nên mới. Và im lặng không ai để ý Chúa lại dẫn người kiêu ngạo trên con đường hư hoại. Chúa hoạt động không nghỉ nhưng là nguồn sự ngơi nghỉ. Chúa nâng đỡ, tràn đầy, binh vực, sáng tạo và nuôi sống hoàn hảo mọi sự.

Chúa yêu hoàn hảo nhưng không để tình yêu thành một sự ám ảnh như chúng con. Chúa được diễn tả như người ghen tương nhưng không ghen ghét hay bối rối. Chúa được diễn tả là giận dữ nhưng không có tội và làm sai ý nghĩa. Chúa thay đổi hành động nhưng không thay đổi mục đích.

Chúa có mọi sự nhưng Chúa hài lòng khi thấy mọi sự nở hoa. Chúa không ham hố nhưng Chúa đòi chúng con dâng tài năng và khả năng thiên phú cho Chúa. Chúa không mắc nợ chúng con điều gì nhưng Chúa trả hết nợ thất bại và tội lỗi cho chúng con.

Thiên Chúa này là niềm vui thánh thiện của con. Con phải làm gì để ca tụng Chúa?

38. Chúa và sự qua đi của thời gian

Vì mọi sự tốt lành do Chúa mà đến,lạy Chúa, và mọi tiến trình cứu độ của con do Chúa mà đến.

Chúc ban phúc cho con từ lâu, lâu trước khi con biết chúng là gì và chúng từ đâu đến. Như trẻ sơ sinh điều con biết chỉ là bú mớm và thoả mãn với kết quả đó. Về sau con bắt đầu cười và dần dà khám phá ra con là ai. Nhưng khi con ngỏ ý cho những người chung quanh con, cha mẹ, bà vú, và nhiều người khác con thấy con không thể làm chuyện đó. Con biết cái con muốn nhưng con không thể thông hiệp với họ và họ với con. Cuối cùng, bị uổng công, con vẫy tay kêu khóc và khi không thành công thì mặt đỏ lên vì tức giận.

Ðiều này không có gì đặc biệt. Thường thì kinh nghiệm hàng ngày cho ta thấy con nít thường phản ứng như thế và dần dần chúng học thông hiệp với người khác và thời gian uổng công qua đi.

Như một đứa nhỏ con cũng có sự hiện hữu và cuộc sống và muốn tìm cách thông truyền cho người khác về chính mình. Ðiều này hữu lý cho hữu thể do Chúa tạo thành. Chính Chúa là cái hữu và là sự sống và trong tình yêu Chúa đã mạc khải Chúa cho chúng con. Chúa đã thông truyền cái hữu và sự sống đó cho thụ tạo.

"Năm tháng của Chúa không hao mòn..Chúa vẫn là thế." Mọi năm tháng của Chúa như ngày hôm nay. Chúng con từ tuổi thơ sang tuổi trẻ và những tuổi kế tiếp, cho đến ngày hôm nay. Nhưng ngày mai, với những gì phía trước, và ngày hôm qua, với những gì dĩ vãng, đều chứa đựng trong ngày hôm nay của Chúa, không phải tương lai cũng như quá khứ nhưng đời đời là hiện tại.

39. Ðáng được chúc tụng

Chúa cao cả, và đáng được chúc tụng: quyền năng Chúa lớn lao và sự khôn ngoan Chúa vô cùng.

Như các thánh trên trời linh hồn con người cũng muốn thờ phượng Chúa, lạy Chúa, dù cho chúng con sinh ra để chết và mang gánh nặng với kiến thức về điều ấy. Chúng con trong sự kiêu ngạo nhỏ bé được sống, cũng muốn ca tụng Chúa. Do Chúa vẽ ra, nên việc chúng con ca ngợi Chúa mang lại niềm vui kỳ lạ không thể giải thích vì Chúa đã dựng nên con cho Chúa, và lòng con không an nghỉ cho đến khi được nghỉ an trong Chúa.

Vì vậy, lạy Chúa, con có hai câu hỏi. Con quay về Chúa để ca tụng Chúa hay để xin ơn tha thứ? Và biết Chúa hay quay về Chúa, điều nào đến trước?

Không ai quay lại người họ không biết. Quay về người hay sự vật cũng thế. Ðàng khác theo ý Chúa thì khi chúng con quay về Chúa, xin Chúa giúp đỡ, thì Chúa sẽ tỏ mình cho chúng con. Như sứ đồ Phaolô nói " Làm sao họ kêu cầu người mà họ không tin? Và làm sao họ tin nếu không có người rao giảng?" Nhưng người viết thánh vịnh xác định trong trường hợp khác: "Ai tìm Chúa sẽ ca tụng Chúa..Ai tìm kiếm ngài sẽ thấy Ngài." Và dĩ nhiên ai tìm thấy Chúa sẽ ca tụng Chúa. Con sẽ làm gì ? Con sẽ tìm Chúa, bằng cách quay lại cùng Chúa và xin Chúa giúp. Nhưng con sẽ quay lại Chúa với niềm tin vì sự kiện là chân lý về Chúa đã được rao giảng cho con. Chính niềm tin của con, Chúa ban cho qua Chúa Giêsu, Con Người, và tỏ cho con qua sứ vụ của người rao giảng trung thành, làm cho con quay về Chúa và xin Chúa giúp đỡ. Ðức tin nói với đức tin.

40. Thấy và tin

Người Kitô hữu tin rằng chúng ta có thể thấy Chúa theo một ý nghĩa nào đó. Chúng ta không nghĩ đến điều đó, dĩ nhiên, khi nhìn với con mắt vật chất. Chúng ta cũng không nghĩ tới điều đó theo kiểu sử dụng thị giác thông thường, khi ta thấy trong trí tưởng tượng hay hiểu hành động ý định hay ước muốn của tâm trí ta."Tôi thấy" có nghĩa như thế. Nhưng không thể sử dụng về Chúa vì ta không thể thấy ngài với mắt ta, cũng không thể tưởng tượng người như thế nào, và cũng không thể nắm lấy ngài bằng tâm trí. Như thế mắt, trí tưởng tượng hay lý trí không phải là những phương tiện do đó ta có thể nói là ta thấy Chúa.

Thánh kinh nói người có lòng trong sạch thì thấy Chúa (Matt.5:8) Làm sao có thể thấy? Kinh thánh không hướng dẫn ta rõ ràng. Sự thực, ta thường tin vào vào những sự ta không thấy và không thể tưởng tượng: là Roma do Romulus thành lập hay Constantinople do vua Constantine; là cha mẹ thụ thai ta và chúng ta có tổ tiên khác và xa. Bây giờ chúng ta có thể biết những sự ấy bằng thị giác (chúng ta không ở đó khi xảy ra) hay bằng lý trí suy luận hay dấu hiệu. Ta phải chấp nhận theo chứng từ của người nào khác.

Có người ta thấy được là đáng tin và chứng từ của họ không mâu thuẫn với điều ta học được từ những nguồn tài liệu khác, được công nhận như đáng tin. Như thế những sự về Chúa do chứng người khác chỉ cho ta không thể chấp nhận được nếu mâu thuẫn với kinh thánh. Vậy thì liên hệ giữa tin và xem như thế nào? Có phải lúc trước thì ta làm với cái gì hiện diện rồi sau đó ta làm với cái không hiện diện?

Không phải giản dị như thế. Ta có thể trông thấy với đôi mắt vật lý, và nghe với tai vật lý, có người hiện diện với tôi khi anh ta thuyết phục tôi làm gì. Hoặc hiện tôi làm điều anh ta muốn không tuỳ thuộc vào sự hiện diện vật lý cũng như sự thức tỉnh của tôi, nhưng tuỳ thuộc tôi có tin anh ta không.

Vả lại, điều này tuỳ thuộc vào uy tín họ thúc giục tôi làm có đáng tin không. Vì thế ta tin kinh thánh kể cho ta về việc sáng tạo hay sự sống lại của Chúa Giêsu, dù cho ta không chính mắt thấy những việc đó. Chúng ta tin lời chứng đáng tin.

Như thế kiến thức gồm cái thấy và cái tin. Ta là người chứng cho cái ta thấy hay đã thấy trong quá khứ. Nhưng khi liên quan đến sự ta tin thì ta tuỳ vào chứng cớ người khác mà ta tin là đáng tin. Vì vậy ta hữu lý khi biện luận rằng tin như thế không kém việc xem vì đàng nào ta cũng nhìn với con mắt tâm trí điều ta sẽ tin cách chắc chắn.Kinh nghiệm chứng minh điều đó khoa luận lý ủng hộ, và nó đặt căn bản trên sự hiển nhiên của những người ta xét có liên hệ. Chúng ta có thể nhìn sự vật với thị giác nhưng hiểu sai. Chúng ta có thể tin với con mắt tâm trí điều ta không có thể xem thấy, và có thể đúng.

Như tông đồ Phêrô nói "Dù anh em chưa xem thấy người bao giờ nhưng tôi biết anh em yêu mến người" và như Chúa nói "Phúc cho kẻ không thấy mà tin."

41. Người trong sạch trong tâm hồn thấy Chúa

Sau khi sống lại ta sẽ mang thân xác thần thiêng. Thân xác hay hư nát và hay chết này sẽ mang lấy sự không hư nát và bất tử. Như thánh Phaolô nói: "Chúng ta sẽ biến đổi."Và chúng ta sẽ thấy Chúa trong thân xác linh thiêng ấy.

Nhưng có vấn đề đặt ra ngay. Ta thấy với mắt ta. Ðiều này có nghĩa là trên thiên đàng ta có thân xác như ở trần gian, hoàn toàn với đôi mắt? Hay có cách xem nào khác không cần giác quan của cơ thể? Thánh kinh kể cho ta là Chúa là Cha thấy Con và rằng khi khởi đầu cuộc sáng tạo ngài thấy ánh sáng bầu trời và biển cả. "Chúa thấy mọi sự tốt lành ngài đã tạo dựng và này đây chúng rất tốt lành" Nhưng Chúa là thần linh. Ta không tin ngài có thân xác hay bị giới hạn bởi một hình thể vật lý. Như thế thị kiến không thể chỉ gán cho cơ thể hay chỉ cho cơ thể mà thôi. Có cách nhìn xem hợp với hữu thể linh thiêng. Qua thánh kinh kiểu thị kiến linh thiêng ấy được diễn tả và coi như cao hơn cái nhìn vật lý. Các tiên tri được gọi là những vị nhìn thấy.

Khi nói thế chúng ta phải coi chừng lại bị rơi vào lầm lạc khác nghĩa là cho rằng qua sự thân xác sống lại không những cởi bỏ tình trạng hay chết và hư nát, nhưng còn cởi bỏ tình trạng là một cơ thể như thế trên thiên đàng ta chỉ là thần linh. Như thế là chối bỏ sự thân xác bất tử được thánh kinh dạy rõ ràng. Ðiều thánh Phaolô nói là thân xác ta ngày sống lại sẽ thay đổi, nhưng không phải là ngưng hiện hữu. Chúa Giêsu là gương mẫu cho việc ta sống lại, đã nói là "xem thấy cha trên trời".

Nhưng câu hỏi quan trọng hơn là: ta phải hoàn tất điều kiện nào để thấy Chúa trên trời? Chính Chúa đã trả lời cho ta "Phúc cho người có lòng trong sạch: họ sẽ thấy Chúa."

Anh em biết tôi cảm phục giám mục Ambrose như thế nào, vì nhờ người Chúa đã giải thoát tôi khỏi lầm lạc dẫn tôi đến ơn cứu độ và phép rửa. Tôi rất thích mấy tiếng ngài viết về vấn đề này không phải vì cá nhân tôi thán phục ngài, nhưng vì đặt căn bản trên chân lý Thánh kinh.

Ngài viết: "Ngay cả khi sống lại không dễ gì thấy Chúa, chỉ trừ kẻ thanh sạch trong tâm hồn. Vì Chúa đã kê ra nhiều người nhân đức được Chúa ban phúc nhưng chỉ có người trong sạch trong tâm hồn có thể thấy Ngài."

Nếu ngài bảo chỉ có người có lòng trong sạch mới thấy Chúa thì có những kẻ khác không thấy Chúa: những kẻ không xứng đáng, người không trong sạch và người không thực sự muốn thấy Ngài. Nhưng người trong sạch trong lòng sẽ thấy ngài và không chỉ trong ngày sống lại. Họ thấy ngài khi ngài đến và ngự trong lòng họ, tại đây và lúc này.

Vì thế ta hãy thanh tẩy tâm hồn và dọn phòng cho người để ngài có thể mở mắt và ta thấy vinh quang ngài.

42. Sự hiện diện của Chúa

Dù Chúa hiện diện khắp nơi ngài không ngự trong người nào. Và người cũng không tràn đầy con người ngài đang ngự với. Có một chân lý về Chúa là ngài bao trùm vũ trụ bằng sự bao la của ngài, như là ngài tràn đầy một nửa và còn một nửa khác của ngài là những thụ tạo khác, nhưng qua phẩm chất của sự hiện diện. Ngài là quyền năng nâng đỡ ta, hoàn toàn hiện diện trong mỗi phần tử. Như Chúa nói qua tiên tri "Ta làm đầy trời và đất" Không có nơi nào ta đi tới mà không có ngài. "Tôi có thể tránh khỏi thần trí Chúa ở nơi nào và dấu ẩn khi Chúa hiện diện ở nơi nào." Nhưng có phải lạ lùng khi Chúa tràn đầy mọi phần của vũ trụ lại bị tâm hồn con người mà ngài tạo dựng trục xuất? Thánh Phaolô nói tới những người "không có thần khí của Chúa Kitô" (Roma 8:9) và vì ta tin rằng Ba Ngôi Thiên Chúa không bị phân chia không thể nào Chúa Cha hiện diện nơi người không có Thánh Thần ngự. Vậy hình như hậu quả sẽ là Chúa hiện diện khắp nơi do bản tính thiên chúa nhưng ngài không hiện diện trong mỗi người do ơn sủng. Do vô tín và tội lỗi ta có thể trục xuất Thiên Chúa sáng tạo ra khỏi tâm hồn thụ tạo của Ngài.

Nhưng vì Chúa không ở trong hết mọi người, Người không làm tràn đầy hết mọi người mà Người ngự trị. Ðàng khác tại sao Elisha cầu xin cho hai thần trí của Elia ở trong ông? Và làm sao ta có thể giải thích sự kiện có người thánh thiện hơn người khác nếu Thiên Chúa không hiện diện hoàn toàn trong họ.

Lại thêm vấn đề khác. Nếu Chúa hiện diện hoàn toàn nơi thụ tạo của Ngài làm sao ngài hiện diện nhiều hay ít hay không hiện diện gì? Câu trả lời ở chỗ thụ tạo có khả năng tiếp nhận ngài, không phải do ý ngài muốn tuôn tràn. Vũ trụ ngài tạo dựng và vẽ ra đẹp đẽ có khả năng tiếp nhận Ngài nên ngài tuôn tràn trong mọi phần bằng sự hiện diện và quyền năng Ngài. Nhưng tinh thần con ngừơi qua tội và phản loạn, đã trở thành hoàn toàn xa lạ với người và nếu không có ơn tha thứ và ơn sủng không có khả năng đón nhận ngài. Nếu mắt mù không nhận được ánh sáng mặt trời điều đó không do lỗi của mặt trời. Mặt trời chiếu sáng khắp nơi nhưng không phải hết tất cả có khả năng tiếp nhận ánh sáng. Với Chúa cũng thế. Nếu có người qua tội lỗi và vô tín ít nhận người thì không làm giảm bớt Ngài. Chúa nơi chính mình là toàn thể và hoàn toàn, không cần tìm chỗ ở trong tâm hồn con người. Tâm hồn ta cần Người như phương tiện cho sự sống và mạnh khoẻ.

Chúa là Ðấng đời đời có thể liên hệ, có thể hiện diện hoàn toàn nơi mỗi cá nhân. Dù cho mỗi người tin có người theo trình độ khác nhau, theo khả năng khác nhau của mỗi người, người hơn người kém, nhưng do ơn sủng lòng từ bi Ngài Ngài xây dựng họ thành đền thờ quí giá nhất cho Ngài, nơi ở trọn hảo cho Ngài.

43. Tìm mảnh đất cho cuộc sống hạnh phúc

Nếu ta nhìn đến những người vượt biển, đi tàu theo những nguyên tắc khác nhau trong cuộc sống, chúng ta thấy có ba loại. Có người không biết đến điều kiện và đi ra biển một chút thôi, không có gió nhưng trong tình trạng im lặng. Họ không cần cố gắng nhiều cũng đến đó nhưng sung sướng khuyên kẻ khác theo họ.

Nhóm thứ hai trái lại,bị đánh lừa vì vẻ yên lặng của biển, đi xa hơn và để mình đi khỏi quê hương. Nếu có dòng nước quyến rũ hay gió bất chợt nổi lên, ho sung sướng đi chấp nhận bão tố như những vấn đề thích thú. Ðôi khi gió ngược làm cho họ phải xem lại bản đồ và hoạch định cho cuộc hành trình đến hải cảng bình an mà họ thiếu khôn ngoan đã rời xa.

Nhóm thứ ba gồm những người đã ra biển khi còn trẻ, nhớ lại những dấu hiệu của quê hương, chỉnh địa bàn về ngay quê nhà dù cho thời tiết hay số mệnh. Chính ký ức về quê nhà lôi kéo họ chứ không phải sự khôn ngoan của kinh nghiệm.

Thực ra chúng ta là lữ hành tìm kiếm mảnh đất cho cuộc sống hạnh phúc, Thành Trì của Chúa. Ðiều ta cần biết chính là cái gì ngăn cản vào bến bờ là tảng đá lớn mọc lên giữa biển. Ta phải sợ và cẩn thận tránh khỏi.

Nhìn nó rất đẹp và nằm trong màn ánh sáng đẹp huyễn hoặc. Nhiều khi người tìm mảnh đất lại nghĩ mỏm đá hơn là mảnh đất nên không còn tham vọng đi thêm. Có người còn bị cám dỗ bỏ mảnh đất đi ra mỏm đá vì thấy nó cao và cho họ nhìn xuống kẻ khác. Nguy hiểm chính của hòn đảo là nó có vẻ cho tìm người kiếm mảnh đất hạnh phúc, con đường hấp dẫn khác nhưng chưa đặt chân lên đó, và vì thế nó đưa họ đi xa.

Mọi người tìm kiến thức đích thực về mình và về Chúa phải sợ mỏm đá này chính là kiêu ngạo và hư danh. Không có gì chắc chắn trên đó cả. Nó sụp đổ và nuốt trửng những ai đi trên nó tiêu diệt họ ngay nơi cửa sáng láng của mảnh đất hạnh phúc mà họ thấy từ xa, nhưng họ điên khùng không thể vào được.

44. Khúc ca lên đền; suy niệm thánh vịnh 120

Thánh vịnh này gọi là khúc ca lên đền, ca khúc khi người ta bước lên, từng bước một, lên đền thánh. Ðây là thánh vịnh về sự tiến bộ trên đường siêu nhiên: tiến lên từ thung lũng nước mắt cho đến nơi hồng phúc. Ta hãy quyết định tiến lên tự tâm hồn vì Chúa Kitô, chính ngài đã xuống trần để ta có thể lên trời.

Ta thấy trong dân Chúa có người đi lên và cũng có người thụt lùi trong tội lỗi và thất bại. Ai tiến lên là người tiến bộ trong hiểu biết siêu nhiên. Còn kẻ thụt lùi là kẻ thoả mãn với "sữa" mà thôi trong khi họ có thể dùng những của ăn siêu nhiên. Thường sự sợ hãi chận ta lại và sự khôn ngoan kéo ta lên cao hơn.

Ta hãy tưởng tượng mình như kẻ muốn đi lên. Việc đi lên này xảy ra tại đâu? Trong lòng ta. Ta khởi đầu cuộc đi lên từ đâu? Từ khiêm nhu, thung lũng nước mắt. Và chúng ta sẽ lên đến chỗ nào? Ðến nơi mà thánh vịnh đã cho thấy "nơi ngài đã chỉ định."

Bây giờ, khi người Kitô hữu hoạch định để tiến triển trong sự thánh thiện, đi lên chỗ Chúa đã định, thì họ sẽ trở thành mục tiêu cho kẻ thù tấn công cho miệng lưỡi thù nghịch. Ai chưa kinh nghiệm cuộc tấn công đó không thể tiến lên cách nghiêm túc được và ai không cảm nghiệm bây giờ thì cũng chưa lên đường.

Nhưng một khi anh em chị em Kitô hữu quyết tâm đi lên, khinh chê những giá trị trần gian mau qua, đặt Chúa lên chỗ nhất và coi khoái lạc hay sự mọi người biết đến chỉ có giá trị thấp, sẽ thấy họ bị coi là kỳ cục và bị phê bình. Không chỉ có kẻ thù tấn công họ. Có lẽ điều đau khổ hơn là sự phê bình tiêu cực của bạn bè tưởng là cho mình những ý kiến hay, vì cho ý kiến là hành động ban phúc, giúp cho một người được cứu độ, trong khi những cố vấn tối tăm đó lại làm cho bạn hữu mình không được khoẻ mạnh về phần linh hồn. Những cuộc tấn công như thế do bạn bè hay kẻ thù Kinh thánh gọi là miệng lưỡi phỉnh phờ. Vì thế trước khi đi lên người viết thánh vịnh xin Chúa giúp đỡ chống lại cuộc tấn công đó: "Lạy Chúa trong lúc lo âu và Chúa nghe lời con." Tại sao Chúa nghe? Ðể cho họ đi trên con đường đi lên, cho chân họ bước những bước cao hơn, đến nơi ngài đã chỉ định. Và Chúa trả lời cho lời cầu nguyện nào? "Lạy Chúa xin giải thoát con khỏi những môi miệng bất công và lưỡi điêu ngoa." Chính những miệng lưỡi này không cho ta đi lên, đây là những tiếng nói làm thất vọng, phỉnh phờ và làm sai lạc. Chỉ có Chúa Ðấng gọi ta lên cao có thể giải thoát ta khỏi những điều ấy.

45. Tên nhọn tình yêu: suy niệm thánh vịnh 120:4

Chúa trả lời ra sao cho miệng lưỡi phỉnh phờ? cho quân thù làm thất vọng và bạn hữu không giúp được gì? Chính Ngài nói với ta "Tên bắn của người quyền thế mạnh mẽ như than nguội. Nguội đây có nghĩa là vô ích. Tiếng này giống nhau vì làm cho vật gì không còn tác dụng cũng giống như làm cho nó ra vô ích.

Ta hãy xét đến những tên đó là phương tiện cho Chúa giải thoát ta khỏi miệng lưỡi điêu ngoa là gì. "Tên nhọn của người quyền thế" là lời của Chúa. Khi bắn ra nó đi thẳng vào tâm hồn, không mang lại cái chết như mũi tên thường, nhưng mang lại tình yêu và sự sống. Chúa biết cách đốt tên lửa tình yêu và không ai bắn tên tình yêu giỏi hơn người đã đốt lên tên Lời Chúa. Tên này thâu qua tâm hồn người yêu nhưng để giúp họ yêu hơn và thâu qua tâm hồn tình yêu lạnh giá để tình yêu lại cháy lên.

Như thế lời là tên bắn nhưng còn than nguội là gì? Chúng là những cục than cháy làm cho những tư tưởng trần tục của ta bị thiêu cháy, tiêu huỷ những ý nghĩ tiêu cực xấu xa do miệng lưỡi điêu ngoa trồng vào. Anh em biết chuyện đó. Chúa kêu gọi ta làm chuyện gì, nhưng ta lại nhìn và nghe những tiếng nói làm cho chúng ta lạc đường. Ðiều gì làm cho bạn nghĩ bạn có thể làm chuyện ấy? Tại sao người Kitô hữu khác lại mạnh mẽ hơn bạn? Tại sao người bệnh hoạn hay phụ nữ nghèo kia có thể mau mắn thi hành điều bạn cho là cực nhọc? Như thế giới răn Chúa đâm thâu tâm hồn tín hữu khi họ hoàn toàn nản chí vì sự tự mãn bị thương tổn, cũng như ước muốn thành công và được coi trọng.

Than hồng được áp dụng cho điểm này, đốt cháy những cây cối không mạnh khoẻ làm hư đất đai, những cây cối của những tư tưởng và tham vọng thế tục, và làm nền cho Chúa xây dựng đền thờ. Than làm cho hoang vu được ném vào cho ta phá huỷ những gì sự dữ đã trồng trong lòng ta.

Nhưng than có thể "sống". Than nguội là than chết còn than đang cháy là than sống. Than cũng có thể là bức tranh vẽ sự trở lại: của người đã chết nhưng được cho sống lại và để bên lò than cháy. Kết quả thực kỳ diệu. Một tên bợm nhậu, người du thủ du thực, người mê chơi, người gian xảo cũng có thể trở thành Kitô hữu dấn thân, sốt sắng phụng sự Chúa và cháy lên như than hồng.

46. Lều ở Kedar: suy niệm thánh vịnh 120:5

Bây giờ người viết thánh vịnh thốt lên tiếng kêu buồn thảm "Hồn tôi lưu lạc phương xa, tôi ở nơi lều trại Kedar."

Mọi người Kitô hữu đều biết một điều gì trong cái khó hiểu này vì điều ta sống trên trần gian như kẻ xa lạ bị lưu đầy có một ý nghĩa. Ta kêu Chúa từ "tận cùng trái đất." Nhưng cuộc lưu đầy không phải là một sự tròn trịa, nhưng chỉ làm buồn khổ "Than ôi, ngày cư ngụ của tôi thực xa xôi."

Chúng ta thấy mình trong những lều trại Kedar. Chúng là gì? Tiếng Kedar có nghĩa bóng tối và lều trại Kedar là lều trại của Ismael những người theo ông chỉ thờ Chúa bằng xác thịt không siêu nhiên và quá pháp lý. Người viết thánh vịnh đang ở nơi khô khan và bóng tối tinh thần: "Tôi ở nơi lều trại Kedar."

Kinh nghiệm của ông ở đây còn cay đắng hơn :"Với người ghét sự hoà bình con luôn hoà thuận, và khi con nói với họ, họ tấn công con không cần biết lý do."

Ai ghét hoà bình? Chắc chắn là người phá huỷ sự đoàn kết. Ðoàn kết là hoà bình. Không đoàn kết phá huỷ hoà bình. Chúa muốn cho giáo hội hợp nhất và hoà bình và sau cùng ngài sẽ phán xét kẻ phá huỷ nó. Nhưng hiện nay vì lợi ích cho hoà bình ta được kêu gọi sống với họ cho đến ngày Chúa tách ly người lành ra khỏi người dữ và chỉ đưa hạt giống tốt vào kho của Ngài. Vì thế ta hiền hoà ở giữa những người ghét hoà bình. Ðây là những lời của những người thực sự thuộc về Chúa Kitô nhưng được kêu gọi sống giữa cỏ lùng.

Ta còn phải làm chứng: yêu hoà bình, yêu Chúa Kitô yêu hoà bình là yêu Chúa Kitô. Thánh Phaolô nói Chúa Kitô là bình an của ta vì ngài hợp nhất hai dân tộc đang xung đột "làm cho cả hai nên một."(Ephesô 2:14) Vì thế ta phải nói với người xưng mình thuộc về Chúa Kitô mà lại ghét hoà bình là "Tại sao Chúa là sự an bình vì ngài hợp nhất hai dân tộc thành một, các bạn lại muốn làm cho một dân tộc thành hai? Làm sao bạn có thể là người kiến tạo hoà bình khi bạn tạo nên chia rẽ?" Nói thế với người ghét hoà bình là "ăn ở thuận hoà". Nhưng khi ta nói thế những kẻ thù của hoà bình "tấn công ta vô cớ".

47. Người canh không bao giờ ngủ: suy niệm thánh vịnh 121

Trong khi ta đi lên từng bước trong cuộc hành hương tinh thần vào đền thờ Thiên Chúa, người viết thánh vịnh cầu nguyện: "Xin đừng để chân con lung lay."

Ai di chuyển chân ta? Ai di chuyển chân Adam trong vườn Eden, làm cho ông lạc xa khỏi thiên đàng? Cũng chính là kẻ thù đã rời chân ta khỏi con đường chắc chắn. Nhưng trước hết ai đã di chuyển chân các thiên thần sa ngã với những hậu quả trầm trọng như thế? Thánh Kinh nói cho ta là họ sa ngã vì kiêu ngạo. Kiêu ngạo sẽ làm cho ta đi lạc xa Thiên Chúa và sự thiện, khỏi niềm tin. Tin và tín thác là kẻ thù của kiêu ngạo vì tin diễn tả sự khiêm nhường: "Dưới bóng cánh Chúa họ sẽ tín thác."

Người viết thánh vịnh chỉ cầu nguyện: "Xin đừng để chân con xiêu té." Chúa cũng trả lời rất đơn giản: "Ðừng để cho người canh giữ buồn ngủ." Nếu bạn không muốn sẩy chân rớt khỏi con đường đi lên, thì hãy coi chừng người giữ bạn khỏi ngủ mê. Hãy coi chừng cho họ tỉnh thức và coi chừng bước đi của bạn. Như thế bạn sẽ không ngã và chân bạn không xiêu té.

Nhưng ta có thể trả lời là: "Ta không có khả năng để chắc chắn người giữ ta ngủ mất." Dĩ nhiên ta không muốn người canh giữ ngủ quên nhiệm vụ nhưng làm sao có thể ngăn cản điều đó?"

Câu trả lời là: "Chọn cho đúng người canh giữ." Chọn người canh giữ không bao giờ ngủ. Có người như thế không? Dĩ nhiên ai cũng có lúc phải ngủ. Câu trả lời trong thánh vịnh là: "Ðấng canh giữ Israel không bao giờ ngủ." "Ðấng canh giữ Israel không bao giờ ngủ nghỉ." Chúa không ngủ, ngài không bao giờ không làm việc, ngài không bao giờ thôi công việc vĩnh cửu là gìn giữ và hướng dẫn dân người.

Trong cuộc tử nạn Chúa Giêsu đã đi qua sự chết vào sự sống mở đường cho ta là kẻ tin ngài cũng đi qua sự chết đến cõi sống. Nhiều người cho rằng Chúa chết: người ngoại, người do thái, người xấu xa cho như thế. Niềm tin Kitô giáo được phân biệt do niềm tin Chúa Kitô từ cõi chết sống lại "Chúa Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Ngài không còn chết nữa. Sự chết không còn làm chủ được người nữa." Chết là hình ảnh sau cùng của giấc ngủ, chiến thắng con người sau cùng. Nếu bạn muốn chọn người canh giữ không bao giờ ngủ thì hãy chọn người không bao giờ chết. Mọi con người đều ngủ, và mọi con người đều chết. Do đó đừng đặt niềm hi vọng nơi người hay chết nhưng nơi Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết và như Cha mình "không bao giờ ngủ." Chúa sẽ canh giử bạn không phải một con người sẽ ngủ và chết nhưng Chúa của sự sống và chiến thắng sự chết. Ngài sẽ coi chừng từng bước đi của bạn trèo lên núi Chúa.

48. Ði ra đi vào: suy niệm thánh vịnh 121:8

"Chúa nhìn bạn đi ra đi vào, từ bây giờ và cho đến muôn đời." Ta hãy suy nghĩ một chút về sự đi ra đi vào. Ði ra đi vào là gì?

Tôi xin đề nghị đối với chúng ta đi vào là cám dỗ và chiến thắng là đi ra. Chúa như người thợ gốm, đặt bình nặn vào máy thử rồi khi đã nung xong thì đem ra. Khi thợ gốm đặt vào ông không chắc về phẩm chất nhưng khi lấy ra thì chắc. Chúa "biết kẻ thuộc về mình, " người không bị vỡ dưới sức nóng và chỉ có người khiêm nhường sẽ qua nổi cuộc thử thách.

Trong mọi cám dỗ chính khiêm nhường canh giữ ta. Ta trèo kên từ thung lũng nước mắt hát bài ca Ði lên và khi ta đi lên Chúa coi chừng cho ta cho đến khi ta an toàn đi vào đền thánh. Thánh Phaolô nói: "Ngài trung tín và không để ta bị thử thách quá sức chịu đựng." Như thế Chúa coi chừng khi ta đi vào thử thách và đi ra trong chiến thắng.

Một phần của sự coi chừng, khi ta đi vào, là làm cho ta khỏi bị thử thách quá sức chịu đựng. Nhưng ngài cũng coi chừng khi ta đi ra: " Ngài cho ta con đường đi ra để bạn có thể chịu được."

Như thế ta đừng dựa vào sức mình để tự vệ. Ta nên tin vào Chúa để bảo vệ và gìn giữ ta. Ngài không ngủ dù ngài đã ngủ trong giấc chết vì ta. Nhưng bây giờ ngài sống lại, ngài không còn chết nữa.

Trong khi trèo lên từ thung lũng khóc lóc, ta đừng mất thời giờ hay quay lại. Còn vài con đường khác để đi và sự lười biếng và kiêu ngạo cố gắng rủ ta theo con đường khác dễ dàng hơn. Nhưng ta có thể từ chối và trèo cho vững chắc trên con đường mục đích của ta, nếu sự tín thác nơi Ðấng canh chừng bước ta đi ra đi vào ngài giữ chân ta và che phủ ta khỏi mặt trời thiêu nóng của ban ngày và ánh trăng lạnh lẽo ban đêm.

Nếu ta tín thác vào chính mình thì chân ta lung lay rồi, và một khi đã xiêu té, dù ta có mức độ đức tin nào sự kiêu ngạo sẽ làm cho ta mê ngủ và té nhào. Ai khiêm nhượng đi lên từ thung lũng nước mắt đi lên núi Chúa là người cầu nguyện: "Xin đừng để chân con xiêu té."

49. Gierusalem trên trời: suy niệm thánh vịnh 122

Ðây cũng là thánh vịnh đi lên. Người viết thánh vịnh muốn đi lên, lên trời, hay như viết tại đây: lên Jerusalem. "Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi "Chúng ta hãy vào nhà của Chúa." Như đám đông tụ họp để hành hương nơi thánh địa, người thờ phượng đi lên đền thánh Jerusalem. Họ chạy, họ hối hả. Họ bị kích thích và ham muốn. Ta hãy để mình bị kích thích cùng với dân Chúa đi vào nhà ngài. Hãy vui với người đã vào trước ta các tiên tri và tông đồ đã gọi ta "hãy đi vào nhà Chúa".

"Chân ta đứng nơi tiền đường người, hỡi Jerusalem." Thực sự họ chưa tới nhưng đó là niềm tin và hi vọng như là chân họ đã đặt lên đất thánh. Bạn thấy là bạn sẽ chiếm hữu được nhà Chúa nếu bạn trung thành tìm kiếm nó. Người trèo lên sẽ khuyến khích mình khi nghĩ là họ đã ở đó. "Chân ta đứng trên sân của người." Ðiều này làm cho việc trèo lên dễ hơn.

Nhưng Jerusalem nào đây? Jerusalem là tên một thành phố trên trần gian thành phố hiện nay đổ nát. Tại sao ta mong đứng trong đền thánh xa lạ và đổ nát? Nhưng người viết thánh vịnh qua thánh thần không hát về Jerusalem dưới đất xây bằng đá gỗ hay hồ, Jerusalem đã giết các tiên tri và ném đá những người được sai đến, nhưng là Jerusalem trên trời, thành thánh mà Phaolô gọi là "mẹ của tất cả chúng ta...vĩnh cửu trên trời."

Jerusalem được diễn tả ở đây là "được xây cất như một thành trì." Khi David nói thế thì Jerusalem đã xây xong. Còn thành phố đang được xây là Jerusalem mới, không xây bằng gạch hay đá (như Phêrô nói) có nền móng là Chúa Giêsu Kitô. Ðây là thành phố trên trời, có nền móng trên trời. Mỗi vị rao giảng chân lý giúp cho việc cắt đá nhưng chính Chúa làm cho thành hình thể thích hợp cho đền thánh ngài. Nếu ta có niềm tin ta là thành phần của đền thờ mà ta mong muốn đi tới "Anh em được xây dựng như những viên đá sống động..Anh em là đền thờ Thiên Chúa."

Ðền thờ này có đặc tính chói ngời: "Jerusalem được xây dựng như một thành trì nghĩa là duy nhất với mình." Mọi người trong đó đều hợp nhất. Như Thiên Chúa dựng nên nó, nó luôn như thế, không phải nay thế này, mai thế khác. Chúa Kitô duy nhất và luôn như thế. Và nếu ta, dưới áp lực của cuộc sống hàng ngày với những giá trị mau qua và hoàn cảnh thay đổi, cảm thấy chúng ta thay đổi, không kiên trì ta hãy nhớ lại là nếu ta không thể đi lên, người sẽ xuống. Ngài đến với ta, người vĩnh cửu vẫn là người, làm cho ta thành người mà chính ta làm không được.

No comments:

Post a Comment